|
Chương
V
Sự Khác
Biệt Giữa Thiền Ðịnh Phật Giáo
Và Thiền Ðịnh Ngoại Ðạo
Qua
các tài liệu lịch sử về đức Phật, và qua các kinh nói
đến quảng đường xuất gia tu hành của Ngài, có một sự
kiện lịch sử đánh mạnh vào sự chú ý của chúng ta là:
Thoạt tiên Thế Tôn tu tập Thiền định với hai ngoại đạo
sư là Alàra và Uddaka (xem "Phật Học Khái Luận", cùng
soạn giả) chứng đắc đến định Vô Sở hữu và Phi tưởng
phi phi tưởng, cảnh giới định cao nhất của ngoại đạo.
Bây giờ Thế Tôn đã thấy rõ các định ấy còn bị vướng
mắc vào sanh tử, Ngài đã một mình từ giả con đường tu
chân chánh dẫn đến đoạn tận khổ đau.
Sau sáu năm khổ hạnh dò dẫm,
Thế Tôn lại thấy rõ đây cũng không phải là Chánh đạo.
Sau cùng, Ngài đã trải qua bốn tuần lễ Thiền quán dưới
cội Bồ-đề ở Ưu-tâu-lần-hoa (Uruvelà) và chứng đắc Vô
Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Ðiều đó nói lên con đường
Thiền định Phật giáo do Thế Tôn khai mở hoàn toàn khác
biệt với các lối Thiền định của ngoại đạo đương
thời. Chúng ta hãy đi thẳng vào nội dung của sự khác
biệt này.
Trước khi Thế Tôn ra đời và
trong thời Thế Tôn tại thế, tại Ấn Ðộ đã có 62 học
thuyết ngoại đạo chủ trương khác nhau về con người và
thế giới. Có một số ít học thuyết là kết quả của các
suy luận thuần lý đầy tham ái và chấp thủ kiến. Những
chủ trương khác còn lại là do kinh nghiệm thực tại có
giới hạn của các nhà khởi xướng, và do tham ái và chấp
thủ kiến của họ. Do vì họ tu tập Thiền định qua ngõ
đường: "Nhiệt tâm, tinh tấn, cần mẫn, không phóng dật,
chánh ức niệm nên tâm nhập định". Do tâm nhập định
họ biết được nhiều đời sống quá khứ, nhiều thành
kiếp hoại kiếp, nhiều trăm ngàn thành kiếp, hoại kiếp,
và họ chấp thủ vào cái thấy qua ký ức giới hạn ấy.
(Kinh Phạm Võng, Trường Bộ Kinh I). Thế Tôn đã xác nhận,
"các kiến chấp của họ là do xúc phạm các căn", do "cảm
thọ qua các định" và "do bị tham ái chi phối" mà có (Trường
Bộ Kinh I, Kinh Phạm Võng).
Như vậy nội dung và kết quả tu
tập Thiền định của ngoại giao là do tu tập thuần túy
Thiền chỉ và thiếu sự giác tỉnh về vô ngã tính, duyên
sinh tính của các pháp nên rơi vào tham ái và chấp thủ, dù
họ có thể vào đến định Phi tưởng phi phi tưởng và
thấy được rất xa các đời quá khứ về con người và
thế giới.
Con đường Thiền định của
Thế Tôn cũng thấy được tất cả những gì mà ngoại đạo
thấy, còn thấy xa và nhiều hơn thế nữa. Thế Tôn ngoài
phần Thiền chỉ, còn hành sâu Thiền quán và thường giác
tỉnh các pháp là duyên sinh vô ngã, vô thường, khổ đau mà
rời khỏi hết các tham ái và chấp thủ nên đoạn trừ
hết nhân sinh tử, chứng đắc Niết-bàn.
Từ đó, ta rút ra hai điểm khác
biệt chính, rất nền tảng, giữa hai ngã đường Thiền định
trên.
1. Thiền định ngoại đạo
chỉ có Thiền chỉ (nhiệt tâm, tinh cần, không phóng dật
và nhiếp niệm tập trung) mà không có Thiền quán (quán vô
ngã, vô thường tan rã, hoại diệt) như ở Phật giáo.
2. Do ngoại đạo chỉ có Thiền
chỉ giới hạn, không nhận rõ lý Duyên sinh, Vô ngã của
các pháp nên dẫn hành giả vào sâu hướng tham ái và
chấp thủ. Con đường Thiền đinh Phật giáo thường nuôi
dưỡng chánh niệm tỉnh giác (thấy rõ vô ngã, vô thường
và khổ đau của các pháp) lìa khỏi các tham ái và chấp
thủ.
Từ hai điểm khác biệt lớn trên
dẫn đến hai kết quả tu tập thật là khác biệt:
- Phật giáo nhờ hành Thiền quán,
giác tỉnh, ly tham ái, ly chấp thủ mà dẫn đến kết
quả đoạn tận khổ đau, dứt trừ nhân sinh tử.
- Thiền định ngoại đạo, do vì
bị vướng mắc vào cảm thọ, vào xúc, vào chấp thủ và
tham ái nên dẫn hành giả chạy vòng quanh trong sinh tử, vướng
mắc sinh tử, tuyệt nhiên không thể dứt trừ được sinh
tử, đoạn tận khổ đau.
Do đó, con đường ngoại đạo
dừng lại ở định Phi tưởng phi phi tưởng mà không bao
giờ thoát qua khỏi định này.
Tu tập theo Phật giáo, hành giả
có thể từ Tứ thiền sắc định, hành Thiền quán để vào
thẳng Diệt thọ tưởng định hay chứng đắc các Thánh
quả (từ đệ nhất đến đệ Tứ Thánh quả). Cũng có
thể từ Tứ thiền phát triển mạnh Thiền quán để dứt
trừ hết các lậu hoặc chứng đắc A-la-hán. Cũng có thể
từ Vô sở hữu xứ định hành Thiền quán hay Bốn vô lượng
tâm để vào thẳng Diệt thọ tưởng định và đắc Thánh
trí giải thoát. Cũng có thể bằng Thiền quán đi vào Phi tưởng
phi phi tưởng xứ định rồi xuất khỏi định này để vào
Diệt thọ tưởng định và chứng ngộ Niết-Bàn.
Trong một số trường hợp đặc
biệt, đối với các đệ tử của Thế Tôn có trí tuệ siêu
việt, có thể từ Sơ thiền, Nhị thiền hay Tam thiền vào
thẳng các Thánh quả và dứt trừ vô minh lậu hoặc bằng
Thiền quán.
Nói tóm lại, Thiền định ngoại
đạo chỉ có Thiền chỉ (Samatha) thiếu hẳn Thiền quán
(Vipassana) -- chánh kiến và chánh tư duy, nên chỉ có thể
đưa hành giả vào tâm giải thoát và dẫn đến các quả
vị cao nhất là Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông và Thần túc
thông. Thiền định Phật giáo gồm đủ Thiền chỉ và
Thiền quán nên dẫn đưa hành giả vào tâm giải thoát và
tuệ giải thoát, chứng đắc Lục thông - Thiên nhĩ thông,
Thần túc thông, Tha tâm thông, Thiên nhãn thông, Túc mệnh thông
và Lậu tận thông. Ở đây hành giả hoàn toàn thoát khỏi
sanh tử, chứng đắc Niết-bàn.
Từ các điểm khác biệt căn
bản trên đưa đến một số điểm khác biệt liên hệ khác
về các mặt nhận thức và tu tập của hành giả.
Về mặt nhận thức, một Phật
tử luôn luôn đi với Chánh kiến và Chánh tư duy trên suốt
lộ trình giải thoát (xem thêm "Phật Học Khái Luận" của
cùng soạn giả). Phật tử khởi đầu bằng nhận thức
cuộc đời là vô thường và khổ đau, gốc của khổ đau là
tham ái và chấp thủ; con đường diệt tận khổ đau là hành
Thiền định để loại trừ tham ái và chấp thủ các tướng.
Từ đó, họ rời khỏi tham ái ngũ dục để vào Sơ Thiền,
rồi Sơ Thiền để vào Nhị Thiền..., họ từ bỏ các pháp
bị tác thành bởi các nhân duyên cho đến khi Chánh trí
giải thoát xuất hiện thấy rõ mình đã lìa hết tham, sân,
si, thể nhập Niết-bàn. Trên đường đi, Phật tử giữ gìn
các hành động của thân, khẩu, ý phù hợp với hướng ly
tham và ly thủ ấy. Có nghĩa là họ niệm tưởng đến vô
tham, vô sân,vô si, vô hoại ấy. Họ vào định, vận dụng
định để phát triển tâm lý về vô tham, vô sân, vô si, vô
hại mà không phải để hưởng thụ các lạc thú Thiền định
hay để chấp chặt những gì đang có. Họ luôn luôn, dù ở
trong định nào, giác tỉnh rằng Năm Uẩn (sắc, thọ, tưởng,
hành, thức) là duyên sinh; vì duyên sinh nên chúng vô ngã, vô
thuờng, khổ đau nên không nhìn chúng là ta, là của ta hay là
bản ngã của ta. Nhìn với sự giác tỉnh như thế, họ đoạn
trừ được lòng tham ái Năm uẩn và lòng chấp thủ Năm
uẩn, đi vào tối thắng tịch tịnh. Ở đâu Chánh trí
giải thoát phát khởi.
Còn hành giả ngoại đạo vì không
có Chánh kiến và Chánh tư duy nên đi đến chỗ không có Chánh
niệm, Chánh tinh tấn và Chánh định. Ở định nào, họ cũng
thiếu mặt Chánh kiến và Chánh tư duy. Do thiếu mặt Chánh
kiến và Chánh tư duy họ rơi vào chấp thủ và tham ái. Họ
từ bỏ dục lạc để nắm giữ và thụ hưởng lạc Sơ
thiền; họ từ bỏ Sơ thiền đó nắm giữ và thụ hưởng
lạc Nhị thiền ... . Dừng lại ở cảnh Thiền nào thì họ
cho cảnh Thiền ấy là có thật, là thường hằng, còn các
cõi thấp hơn là không thật. Bởi vì họ chấp Năm uẩn là
họ, là của họ, là tự ngã của họ cho nên cái thấy
của họ luôn luôn bị giới hạn bởi những gì họ đang có
và đang là (như 62 chủ trương học thuyết ngoại đạo được
trình bày ở kinh Phạm Võng, Trường Bộ Kinh I). Chính vì
tham ái và chấp thủ là nhân tố của sinh tử, nên việc
nắm giữ tham ái, chấp thủ đã giữ chặt họ trong vòng
sinh tử. Họ có vào định, nghĩa là có tâm giải thoát, nhưng
thiếu tuện nên ở cảnh Thiền nào họ cũng xa rời chân lý,
sự thật vô ngã của các pháp. Vô minh phủ dày suốt lộ
trình Thiền định ngoại đạo đó.
Từ điểm khác biệt về chánh
kiến ở trên đưa đến hiện tượng hai kết quả tái sinh
khác nhau. Do có Chánh kiến, một người được sanh Thiên.
Sau khi hết tuổi thọ ở cõi trời đó, người ấy được
tiếp tục thác sanh trên cõi Trời cao hơn; cứ thế, người
ấy đi dần đến giải thoát. Do thiếu Chánh kiến, một người
có phước báo sanh Thiên, sau khi hết phước báo ở cõi
trời, người ấy thác sanh xuống cõi thấp hơn, có thể rơi
vào ba đường dữ. Chính nhờ có Chánh kiến mà người trước
xa lìa dục vọng nên được thác sinh đi lên; chính vì
thiếu Chánh kiến, nên người sau đắm chìm vào hưởng
dục, nên thác sinh đi xuống địa ngục, bàng sinh (Theo kinh
Ðại Nghiệp Phân Biệt, Trung Bộ Kinh III).
Về Mặt Tu Tập
Nhận thức hướng dẫn hành động.
Nhận thức hữu ngả sẽ dẫn đến các hành động nuôi dưỡng
ngã mạn, nuôi dưỡng dục, sân và chấp thủ kiến. Do
chấp thủ kiến, dẫn đến hành động khen mình, chê người,
không chấp nhận quan điểm khác, dù quan điểm ấy tốt đẹp
hơn; thái độ sống này sẽ đưa đến tình trạng chậm
tiến bộ.
Do hành Thiền chỉ, chỉ vận
dụng được sức tập trung tư tưởng, nhiệt tâm và tinh
cần qua động cơ ham muốn một cảnh giới cao hơn, bền
vững hơn, nên năng lực xả ly các dục chậm và yếu hơn là
do thấy thẳng vô thường tướng, khổ tướng và bất
tịnh tướng của cảnh giới đang là.
Do không có hành Thiền quán, nên
phạm vi tu tập bị thu hẹp lại. Với Thiền quán và Chỉ
quán của Phật giáo, hành giả có thể thực hiện mọi lúc
trong các thế đi, đứng, nằm, ngồi, miễn rằng giữ được
Chánh niệm tỉnh giác. Bạn đang làm gì, bạn biết bạn đang
làm gì về nhiếp phục tham ưu ở đời là đủ. Với phương
pháp thực hiện này, các căn cơ đều có thể thích ứng,
khác với Thiền định ngoại đạo (Thiền chỉ), chỉ thích
ứng với với một số căn cơ phù hợp. Bạn có thể ngắm
cảnh trời chiều, nhìn lá đổ, mây bay, hay đi chơi núi, chơi
biển v.v... ở đâu bạn cũng có thể thực hiện Thiền quán
và phát triển Thiền quán. Tiến bộ tâm lý của bạn đáng
được ghi nhận là thấy rõ tướng vô thường và khổ đau
ở trong bạn và xung quanh bạn để xả dần các dục ái và
chấp ngã, đều hoàn toàn không có ở ngoại đạo.
Hẳn nhiên, hướng đi của hai con
đường Thiền định khác nhau, còn nảy sinh ra nhiều thái
độ sống và biện pháp thực hiện khác nhau nữa. Ở chương
sách nhỏ này, người viết không có tham vọng đi sâu vào các
điểm khác biệt ấy.
Ðến đây, hẳn bạn đã thấy rõ
danh từ Thiền định, định lực, và cả thế ngồi hoa sen,
niệm hơi thở vào, hơi thở ra, chưa nói lên được gì cả
về ý nghĩa như thế nào là Thiền định ngoại đạo. Chỉ
ở nội dung của việc vận dụng tâm lý và chuyển đổi tâm
lý nói lên được sắc thái của Thiền định mà bạn đang
hành. Ðiều này chỉ có hành giả mới xác định được
về mình cho chính mình.
Ngoài sự khác biệt về nội dung
của Thiền định Phật giáo và Thiền định ngoại đạo như
vừa được trình bày, các phương thức tu tập, thực hiện
Thiền định Phật giáo ở các dòng văn hóa khác nhau vẫn
biểu hiện khác nhau. Nói thế, có nghĩa là giữa phương
thức thực hiện Thiền định Phật giáo truyền thống của
đời đức Thế Tôn tại thế ở Ấn Ðộ hẳn là có khác
biệt với phương thức thực hiện Thiền định Phật giáo
ở Việt Nam ngày xưa và ngày nay.
Bây giờ, chúng ta đi vào chương
sách tiếp theo: Thử tìm hiểu sắc thái của Thiền định
Phật giáo Việt Nam của nhiều thế kỷ qua và thử nghiệm
xem phương thực thực hiện nào sẽ thích ứng tốt nhất
cho xã hội Việt Nam hiện đại theo hướng đi lên của
lịch sử.
-oOo-
Chương
trước | Mục lục | Chương
kế |