BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Tìm Vào Thực Tại
Thích Chơn Thiện, 1997


  

Chương IV

Lộ Trình Tu Chứng Của Thế Tôn
Các Cảnh Giới Thiền Ðịnh -
Bảy Bước Ði Thanh Tịnh


Con Ðường Tu Chứng Của Thế Tôn
( Tăng Chi Bộ Kinh IIIA, 411-419, bản dịch của HT. Minh Châu, 1981).

Con đường tu chứng của Thế Tôn sắp được trình bày ở đây không phải là con đường tu tập Thiền định ngoại đạo mà Thế Tôn đã học từ Alàra và Uddaka, hai Thiền sư ngoại đạo chứng ngộ cao nhất đương thời, cũng không phải là quá trình sáu năm tu khổ hạnh với năm Tôn giả Kiều-trần-như... , mà là con đường Thiền định tự Thế Tôn khám phá dưới cội Bồ-đề bốn (hay bảy) tuần lễ trước ngày chứng ngộ Vô thượng Bồ-đề.

Tăng Chi Bộ Kinh, tập IIIA, tr. 411-419, đã ghi lại rõ những lời Thế Tôn thuật lại cho Tôn giả Anandà nghe về quảng đường Thiền định ấy.

Trước khi giác ngộ, lúc còn đang tìm kiếm con đường, Thế Tôn đã nhận thấy con đường xuất ly là an tịnh, nhưng rồi lại cảm thấy không hứng khởi. Thế Tôn bèn suy nghĩ cùng độ đến sự nguy hiểm của các dục lạc ở Dục giới (ở đời) thì sự hứng khởi của tâm xuất ly nảy sinh, và Thế Tôn cảm thấy "đây là an tịnh". Liền sau đó, Thế Tôn chứng đắc và an trú Sơ thiền.

Trong khi trú Sơ thiền, thì các tưởng liên hệ đến dục lạc vẫn có mặt. Bấy giờ, các tưởng này, đối với Thế Tôn, đã trở thành ung nhọt, bệnh hoạn và gây ra khổ đau. Thế Tôn liền nhiếp niệm ngưng "tầm" và "tứ" và chứng đắc Nhị thiền. Nhưng, Thế Tôn lại cảm thấy không hứng khởi, không giải thoát. Thế Tôn bèn suy nghĩ cùng độ đến sự nguy hiểm của "tầm" và "tứ", liền thấy hứng khởi, giải thoát, biết rằng "đây là an tịnh".

Nhưng, khi trú Nhị thiền, các tưởng cùng đi với tầm và tứ cũng còn có mặt. Bấy giờ, chính các tưởng liên hệ tầm và tứ là ung nhọt, bệnh hoạn, gây ra khổ đau. Thế Tôn liền rời khỏi Hỷ thiền chi và chứng đắc Tam thiền. Thoạt đầu Thế Tôn cảm thấy không hứng khởi, không giải thoát, Ngài bèn suy tư đến cùng độ nguy hiểm của Hỷ thiền chi, thì liền cảm thấy hứng khởi và giải thoát, biết rằng "đây là an tịnh". Sau một thời gian trú Tam thiền, các tưởng cùng đi với Hỷ vẫn tái xuất hiện, bấy giờ chính các tưởng này là ung nhọt, là bệnh hoạn. Thế Tôn bèn từ bỏ Hỷ và Lạc thiền chi và liền chứng đắc tứ thiền.

Thoạt đầu trú ở thiền thứ tư, Thế Tôn cảm thấy không hứng khởi, giải thoát. Sau đó Thế Tôn suy tư cùng độ đến nguy hiểm của Lạc thiền chi (Tam thiền) thì cảm thấy hứng khởi, giải thoát của xả niệm lạc trú (Tứ thiền) và biết rằng "đây là an tịnh".

Trong khi an trú Tứ thiền, xả lạc, xả khổ, thì các tưởng cùng đi với lạc vẫn hiện hành, bấy giờ chính lạc là ung nhọt bệnh hoạn. Ngài bèn đi ra khỏi các sắc tưởng, chấm dứt hoàn toàn sắc tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt và liền chứng đắc Không vô biên xứ định. Lúc đang trú ở Không vô biên xứ định, Thế Tôn cảm thấy không hứng khởi không giải thoát. Thế Tôn bèn suy nghĩ cùng độ đến nguy hiểm của các tưởng, liền cảm thấy hứng khởi, giải thoát và biết rằng "đây là an tịnh".

Sau một thời gian trú Không vô biên xứ định, các sắc tưởng vẫn còn khởi lên, bấy giờ sắc tưởng là ung nhọt, là bệnh hoạn như là khổ đau đến với người đang sung sướng. Thế Tôn bèn từ bỏ hoàn toàn Không vô biên xứ định, và chứng đắc Thức vô biên xứ định. Lúc đầu chứng đắc, Thế Tôn cảm thấy không hứng khởi, không an tịnh và không giải thoát, Ngài bèn suy nghĩ cùng độ đến sự nguy hiểm của Không vô biên xứ định và liền cảm thấy hứng khởi, an tịnh, giải thoát, biết rằng "đây là an tịnh".

Sau một thời gian trú Thức vô biên xứ định, các tưởng liên hệ đến Không vô biên vẫn hiện hành, bấy giờ đối với Thế Tôn, các tưởng ấy là ung nhọt, là bệnh hoạn, như là khổ đau đối với người đang sung sướng. Thế Tôn bèn từ bỏ Thức vô biên xứ và chứng đắc Vô sở hữu xứ. Lúc đầu chứng đắc, Ngài cảm thấy không hứng khởi, không an tịnh, giải thoát, Ngài bèn tư duy cùng độ đến sự nguy hiểm của Thức vô biên xứ và liền cảm thấy hứng khởi giải thoát, biết rằng "đây là an tịnh".

Sau một thời gian trú Vô sở hữu xứ định, các tưởng liên hệ Thức vô biên xứ lại khởi lên, bấy giờ tưởng này đối với Thế Tôn là ung nhọt, là bệnh hoạn như là khổ đau đến với người đang sung sướng. Ngài bèn từ bỏ hoàn toàn Vô sở hữu xứ, và liền chứng đắc Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Lúc đầu chứng đắc Thế Tôn cảm thấy không hứng khởi, không an tịnh giải thoát. Ngài chuyển sang suy nghĩ cùng độ đến nguy hiểm của Vô sở hữu xứ và cảm thấy hứng khởi, an tịnh giải thoát, biết rằng "đây là an tịnh".

Sau một thời gian trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, các tưởng liên hệ đến Vô sở hữu xứ lại xuất hiện, bấy giờ đối với Thế Tôn, các tưởng này là ung nhọt, là bệnh hoạn như là khổ đau đến với người đang sung sướng. Rồi Thế Tôn lại từ bỏ Phi tưởng phi phi tưởng xứ định ra đi và liền chứng đắc Diệt thọ tưởng định. Dù biết rằng "đây là an tịnh", lúc đầu chứng đắc, Thế Tôn vẫn cảm thấy không hứng khởi, không giải thoát. Ngài bèn suy nghĩ cùng độ đến nguy hiểm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ định thì liền cảm thấy được lợi ích của Diệt thọ tưởng định với tâm hứng khởi, an trú và giải thoát. Thế Tôn thấy "đây thật là an tịnh".

Sau một thời gian trú Diệt thọ tưởng định, Thế Tôn thấy với trí tuệ rằng tất cả các lậu hoặc đều đi đến tận diệt. Sau khi thuận thứ và nghịch thứ chứng đắc, an trú và xuất khởi nhuần nhuyễn chín cảnh Thiền định kể trên, Thế Tôn mới tuyên bố ngài đã chứng đắc "Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác".

Lộ trình tu chứng của Thế Tôn là lộ trình liên tục từ bỏ, ra đi, liên tục giác tỉnh rằng các cảnh giới Thiền vẫn là bệnh hoạn và u nhọt đem lại khổ đau. Tất cả cảnh giới ấy do công phu tác thành đều là hữu vi vô thường. Ngài liên tục khởi lên ưu tâm tìm kiếm đến giải thoát chân thực bằng chính trí tuệ và nỗ lực của tự thân. Ưu tâm ở đây không phải phiền não mà là một thức tĩnh, một sức mạnh cần thiết để đi ra khỏi dính mắc các cảm thọ, các tưởng, các cảnh giới Thiền định hữu vi.

* Một bài học về thực hiện Thiền định Phật giáo đặc biệt quý giá được rút ra từ kinh nghiệm Thiền định của Thế Tôn là thường giữ niệm tỉnh giác về thực tính vô ngã, vô thường, khổ đau của các pháp, giác tỉnh về mục đích đoạn tận khổ đau và giác tĩnh về vị trí đang là của hành giả để vận dụng đúng pháp đi sâu vào Thiền định.

* Một bài học khác nữa là hành giả cũng cần giác tỉnh về mục đích chiến thuật của từng giai đoạn tu tập, đó là nuôi dưỡng bền bỉ niềm phấn khởi, an tịnh và giải thoát. Phương cách để an trú vững chắc trong phấn khởi an tịnh ở một cảnh Thiền là suy nghĩ cùng độ đến khía cạnh nguy hiểm của cảnh giới hay cảnh Thiền thấp hơn nó một bậc. Chính từ cái thấy nguy hiểm, vô thường, khổ đau của một cảnh giới thì tâm yếm ly, ly tham cảnh giới ấy mới sinh khởi. Tâm từ bỏ cảnh giới ấy sinh khởi có nghĩa là tâm của cảnh giới Thiền cao hơn một bậc xuất hiện. Cứ thế, hành giả đi hết quãng đường Thiền định.

* Bài học thứ ba là, chừng nào tưởng uẩn và thọ uẩn còn có mặt thì các tưởng về cảnh giới vừa đi qua thường xuất khởi trở lại gây nên ưu não cho hành giả. Hành giả phải liên tục từ bỏ các cảm thọ, các tưởng cho đến khi các thọ tưởng không còn điều kiện sinh khởi nữa, như ở Diệt thọ tưởng định. Bấy giờ điều kiện gây nên ưu não không còn nữa, hành giả đang bước đi bước cuối cùng dập tắt toàn bộ lậu hoặc khổ đau.

Ðoạn diệt tưởng uẩn, có nghĩa là đoạn diệt Năm uẩn. Năm uẩn diệt là thế giới của khái niệm, của tướng trạng sinh diệt diệt, hay toàn bộ Khổ uẩn diệt (Năm uẩn là khổ).

* Bài học thứ tư là điều mà một số Thiền sư giữ tâm Không, giữ Vô niệm, Vô trụ, thực nghĩa của nó là chánh niệm tỉnh giác rời khỏi chấp thủ các uẩn, trực tiếp là rời khỏi tưởng và thọ uẩn. Từ bỏ, không chấp thủ ở đây không phải là đi vào trống rỗng mà là thường trú niệm trong chánh niệm tỉnh giác và thường ở trong trạng thái tâm lý đầy phấn khởi, an trụ và giải thoát. Chính sự dừng lại hay đắm trước, hoặc chấp thủ một cảnh giới mới là đi vào các bệnh hoạn, khổ đau và rỗng không của tâm lý.

* Bài học thứ năm là, Thiền định chính là chánh niệm tỉnh giác đi ra các vọng động của tâm thức mà không phải là thế ngồi, không phải là hơi thở vào ra, không phải là kỹ thuật thở hoặc kỹ thuật vận chuyển của tay chân, không liên hệ đến các thứ chứa đựng trong bao tử, ruột non, ruột già, không phải là kết quả của sự cầu nguyện, cầu xin hay ban ân, không phải là kết quả của một sự hành xác nào, cũng không phải là kết quả của sự thụ động không làm gì cả. Ðịnh và tuệ là kết quả của chánh niệm tỉnh giác qua công phu Thiền chỉ và Thiền quán. Kết quả ấy cụ thể là các cảnh giới Thiền mà hành giả đi qua sắp được đề cập đến ở phần trình bày kế tiếp.

Các Cảnh Giới Thiền Ðịnh

Truyền thống Kinh tạng của các bộ phái thường đề cập đến chín cảnh giới định gồmTứ sắc định, Tứ không định, và Diệt thọ tưởng định.

Sơ Thiền:

Hán tạng định nghĩa Sơ thiền là "ly sanh hỷ lạc". Ly ở đây có nghĩa là rời khỏi các dục lạc (các lạc ở dục giới).

Kinh bộ (Nikàya), khắp năm bộ kinh, định nghĩa Sơ thiền là "ly dục, ly ác pháp, bất thiện pháp". Nội dung cụ thể là rời khỏi Năm triền cái: trạo cử, hôn trầm, dục, sân và nghi như đã được trình bày ở Chương II. Nói cách khác, khi trạo cử chìm lặng, thì lạc khởi; khi hôn trầm tan, thì tầm tâm sở xuất hiện; khi dục tiêu thì xả và nhất tâm hiện; khi sâu lắng thì hỷ sanh; khi nghi hết thì tứ tâm sở đến. Khi cả Năm triền cái được thay thế bằng năm Thiền chi thì hành giả vào định Sơ thiền, cảm nhận sự phấn khởi và an tịnh.

Nhị Thiền:

Hán tạng định nghĩa Nhị thiền là "định sanh hỷ lạc". Ở Sơ thiền, tầm và tứ tâm sở hoạt động nên tâm lý ở vào trạng thái động, nhẹ về định. Khi hành giả rời khỏi tầm và tứ thì có định của Nhị thiền.

Kinh bộ xác định trạng thái tâm lý của Nhị thiền gồm có ba Thiền chi: hỷ, lạc và nhất tâm (hay hỷ lạc, xả và nhất tâm). Cảm thọ nổi bật của Nhị thiền là hỷ, đấy là trạng thái thoải mái của tâm.

Tam Thiền:

Hán tạng định nghĩa Tam thiền là "ly hỷ diệu lạc". Rời khỏi hỷ và vào được lạc sâu hơn.

Kinh bộ xác định tâm lý của Tam thiền gồm có hai Thiền chi: lạc và nhất tâm. Lạc là trạng thái thoải mái của thân. Hỷ, lạc ở Tam thiền có những rung động sâu hơn ở Nhị thiền.

Tứ Thiền:

Hán tạng định nghĩa Tứ thiền là "xả niệm thanh tịnh". Xả niệm ở đây có nghĩa là xả các cảm thọ lạc, khổ, đi vào thanh tịnh.

Kinh bộ cũng định nghĩa tương tự: xả lạc, xả khổ, dứt hỷ ưu. Hai Thiền chi của Tứ thiền là xả và nhất tâm. Tứ thiền sắc định và Tứ không được gọi là Ðịnh bất động, luôn luôn có mặt hai Thiền chi: xả và nhất tâm.

Sơ thiền có tầm, tứ nên tâm dao động. Ở Nhị thiền, hỷ gây ra tâm lý dao động. Tam thiền, lạc tuy trầm nhẹ hơn hỷ nhưng vẫn gây dao động tâm lý. Nên cả ba Thiền đầu đều không được gọi là định bất động.

Ở Tứ thiền, hành giả đã có thần thông có thể đi trong nước, trong lửa, có thể với tay đến mặt trời, mặt trăng, có thể bay lên cõi trời Phạm thiên... Tâm lý ở đây nhu nhuyến nên hành giả dễ dẫn tâm, hướng tâm vào Tứ không định, và dễ vận dụng vào Thiền quán để đoạn trừ tham ái, vô minh. Thiền lạc của Tứ thiền bảo dưỡng rất tốt cho sức khỏe và đôi mắt của hành giả.

Không Vô Biên Xứ Ðịnh:

Từ Tứ sắc định, hành giả khởi tưởng "không gian là vô biên" cho đến khi nhuần nhuyễn liền chứng Không vô biên xứ định (cõi định đầu tiên của cõi Vô sắc). Do vì tâm lý của hành giả khởi lên niệm chán ngán, yếm ly sắc, mà tu tập đi vào Vô sắc.

Thức Vô Biên Xứ Ðịnh:

Từ không vô biên xứ định, do khởi niệm nhàm chán "không gian là vô biên", hành giả khởi tưởng "Thức là vô biên", và sau một thời gian liền chứng Thức vô biên xứ định.

Ðọc lại lộ trình tu chứng của Thế Tôn, ta sẽ rõ những động cơ thôi thúc hành giả đi tới các định cao hơn.

Vô Sở Hữu Xứ Ðịnh:

Từ Thức vô biên xứ định, hành giả khởi tưởng "không có vật gì cả" sẽ đắc Vô sỡ hữu xứ định do nhờ từ bỏ tưởng "Thức là vô biên".

Thông thường kinh bộ khuyến cáo hành giả nên dừng lại ở định này tu tập Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) để vào thẳng Diệt thọ tưởng định mà không đi ngang qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, bởi vì, ở định Phi tưởng phi phi tưởng chỉ có tưởng rất nhỏ nhiệm có mặt rất khó cho hành giả hành Thiền quán để đoạn tận Tham và Vô minh lậu hoặc.

Tại đây, hành giả hành Thiền quán rải từ tâm, bi tâm, hỷ tâm và xả tâm khắp đến mười phương hư không. Năng lực đại từ, đại bi, đại hỷ và đại xả ấy là sức mạnh đưa hành giả vào Diệt thọ tưởng định.

Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Ðịnh:

Từ Vô sở hữu xứ định, nếu hành giả rời khỏi tưởng "Vô sở hữu", tác ý "không có tưởng cũng không phải không có tưởng" thì sau một thời gian hành giả sẽ chứng đắc định Phi tưởng phi phi tưởng. Ở cảnh giới Thiền này tưởng có mặt rất tế đến nổi nói có tưởng cũng không hẳn, nói không có tưởng cũng không đúng, cho nên có tên gọi là "Phi tưởng phi phi tưởng". Kinh bộ thường khuyến cáo hành giả nên tránh vào cảnh giới định này, bởi vì tại đây có rất ít điều kiện để đoạn trừ lậu hoặc.

Diệt Thọ Tưởng Ðịnh:

Gọi định này là định Diệt thọ tưởng, do vì khi chứng nhập định này hơi thở dứt (thân hành diệt), tầm tứ dứt (khẩu hành diệt) và đặc biệt là thọ, tưởng dứt (tâm hành diệt). (Theo "Hữu Minh Tiểu Kinh", Trung Bộ I, tr .302, bản dịch của HT. Minh Châu, 1973).

Ở đây thọ uẩn và tưởng uẩn diệt nên thật khó để đề cập đến định này. Vì vậy, chỉ có thể trình bày một ít nét đại cương. Khi vào Diệt thọ tưởng định thì khẩu hành, thân hành và ý hành diệt theo thứ tự đó. Hành giả không hề nghĩ rằng: "Tôi đang chứng Diệt thọ tưởng định", do vì vị ấy trước đó tu tập như vậy nên dẫn đến kết quả như vậy (Ibid., tr.302).

Khi ra khỏi Diệt thọ tưởng định, hành giả không có nghĩ rằng: "Tôi sẽ ra khỏi Diệt thọ tưởng định", hoặc "Tôi đã ra khỏi Diệt thọ tưởng định". Nhưng, khi ra khỏi định này thì tâm hành, thân hành và khẩu hành lại theo thứ tự này khởi lên trở lại. (Ibid., tr.302).

Ðặc biệt khi ra khỏi Diệt thọ tưởng định thì hành giả cảm nhận ba loại xúc: Không xúc (cảm xúc vô ngã), Vô tướng xúc (vô thường), và Vô nguyện xúc (không đưa đến khổ, hành giả nhận rõ Niết-bàn không có tham, sân, si) và có khuynh hướng độc cư ( Ibid., tr. 302).

Chính tại định Diệt thọ tưởng, một khi hành giả đã chứng nhuần nhuyễn định này thì tất cả lậu hoặc tiêu. Chánh trí phát khởi và chứng đắc vô lậu Niết-bàn.

Qua phần trình bày lộ trình tu chứng của Thế Tôn trải qua chín cảnh giới định, và qua các định mà Thế Tôn dạy cho các đệ tử về sau, chúng ta nhận ra một điểm nhất quán rằng: từ cảnh giới định này bước vào một cảnh giới định cao hơn, hành giả cần khởi tâm từ bỏ. Tâm từ bỏ có thể do hai động cơ: hoặc khởi tâm mong muốn đi vào sâu trong cảnh giới định mà từ bỏ giới định đang trú, hoặc thấy tướng vô thường và khổ đau của định đang trú mà khởi tâm nhàm chán từ bỏ ra đi. Ra đi là đi vào định cao hơn. Năng lực giác tỉnh mạnh mẽ nhất và có tính "Phật giáo" nhất là luôn nhận thức rõ khổ đau của cảnh giới đang là, như chính chúng ta đang nhận rõ khổ đau của kiếp người, để phát khởi tinh tấn lực và tăng cường niệm giác tỉnh đi vào giải thoát. Nhận thức này rất phù hợp với điều mà Thế Tôn thường nhấn mạnh: "Ta chỉ dạy rõ khổ đau và con đường đoạn tận khổ đau".

Do vậy, hành giả cần thường giác tỉnh khổ đau và giác tỉnh đi ra khỏi cảm thọ khổ đau trong hiện tại. Thường giác tỉnh như thế không có nghĩa rằng suốt con đường ta đi luôn luôn đối mặt với khổ đau hay luôn luôn cảm nhận khổ đau. Thực sự, con đường Thế Tôn và các đệ tử của Ngài đi qua đã đầy phấn khởi, tịnh lạc và giải thoát. Cũng thế chính tại đời sống này ta nuôi dưỡng niệm giác tỉnh đời là vô thường, khổ đau, đồng thời ta vẫn có thể đón nhận các nguồn hỷ lạc và giải thoát.

Bạn cần trầm tư nhiều lần về mục tiêu và con đường Thiền định để nhận ra như thế nào là Thiền định Phật giáo? Và nó cần thiết đến như thế nào đối với chúng ta trên đường về an lạc và hạnh phúc?

Nhận ra được tính Phật giáo và tính cần thiết nói trên là chúng ta đã phân định rõ ràng giữa con đường đúng và con đường sai, giữa Thiền định Phật giáo và các nẻo Thiền định khác mà Chương V của cuốn sách nhỏ này sẽ trình bày.

Bảy Bước Ði Thanh Tịnh

Chúng tôi đã giới thiệu con đường thực hiện Tứ Niệm Xứ, pháp môn điều hòa Chỉ và Quán tự pháp hành. Con đường ấy, theo lời dạy của Thế Tôn, thích hợp với hầu hết các căn cơ tu tập. Theo pháp thực hành ấy, hành giả phát triển sự chú tâm chuyên sâu dẫn vừa vào tâm thanh tịnh loại bỏ các tạp niệm, vừa loại bỏ Năm triền cái, lần lượt vào Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Từ căn bản của Tứ sắc định, hành giả hành Thiền quán Ba pháp ấn hay Năm uẩn. Có thể thực hiện Thiền quán trên dòng tâm lý và cảm thọ bấy giờ. Hành thật chuyên sâu, với sự chú tâm chuyên sâu được thực hiện nhiều lượt, hành giả sẽ thấy rõ tướng vô thường, khổ đau và vô ngã của thân, tâm và các pháp hữu vi, sẽ lần lượt đoạn trừ Mười kiết sử (thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục, sân, hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo cử và vô minh) và chứng đắc các thánh quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán quả giải thoát của đời sống Phạm hạnh.

Lộ trình tu tập của đức Thế Tôn thì thể hiện Thiền chỉ và Thiền quán song tu rất là thiện xảo. Chúng ta, dù chọn phương tiện tu là "chỉ" hay "quán", cũng cần trầm tư về những bước chân đi của Ngài.

Nay, để tăng thêm điều kiện tham cứu cho quí bạn đọc, chúng tôi xin cẩn trọng giới thiệu bảy bước đi thanh tịnh của Thiền định Phật giáo - có thể gọi là bảy bước đi hồng ngọc - dựa vào Thanh Tịnh Ðạo Luận của Ðại Luận sư Phật Âm qua bản "The Path of Purification" (Buddhist Publication Society, Kandy, Sri Lanka, 1979) và dựa vào bản Thăng Tiến Tuệ Giác của Ðại sư Mahasi Sayadaw (The Progress of Insight, by Mahasi Sayadaw, Buddhist Publication Society, Kandy, Sri Lanka, 1978).

Bước 1: Cấp độ thanh tịnh giới

Dù hành giả tu tập lấy Thiền chỉ (Samatha) làm phương tiện hay lấy Thiền quán (Vipassana) làm phương tiện thì cũng cần thực hiện thanh tịnh giới trước khi đi vào công phu Thiền định.

Nếu là cư sĩ thì giữ gìn nghiêm tịnh Ngũ giới, Thập thiện giới, hay Bát quan trai giới mà hành giả đã lãnh thọ. Nếu là tu sĩ, thì hành giả giữ gìn giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa: 250 giới, 225 giới, hay 350 giới.

Nhờ giới thanh tịnh, hành giả tránh được nhiều rối loạn từ bên ngoài đem lại, và ổn định một phần nội tâm.

Bước 2: Cấp độ thanh tịnh tâm

Hai căn cơ tu tập Thiền chỉ hay Thiền quán đều phải thành tựu cấp độ thanh tịnh tâm này.

Hành giả hành chú tâm chuyên sâu trên 16 đối tượng đã được giới thiệu ở Chương I, II và III. Chỉ thực hiện sự chú tâm theo dõi chuyên sâu, thế nào trong thời gian hành Thiền mỗi thời kéo dài chừng 60 phút mà làm lắng tịnh hết các tạp tưởng - các tưởng "lạc điệu" khởi lên cắt dứt sự chú tâm của mình.

Chướng ngại của bước tu tập này chính là các tạp tưởng (thuộc trạo cử). Nếu hành giả hành nhiều thời ngồi 60 phút ấy và nhiếp phục được các tạp tưởng một cách ổn định thì gọi là thành tựu bước đi thanh tịnh thứ hai: thanh tịnh tâm.

Bước 3: Cấp độ thanh tịnh kiến

Từ cấp độ này đến cấp độ thanh tịnh cuối cùng là thuộc pháp hành của Thiền quán dựa vào sự chú tâm.

Hành giả tiếp tục huấn luyện sự chú tâm chuyên sâu theo dõi đường hơi thở vào ra, và theo dõi tâm theo dõi, cho đến khi nhận ra rằng cái gọi là ta và thế giới thực sự chỉ là các quá trình vật lý và tâm lý quyện vào nhau:

- Một quá trình vật lý của hơi thở vào và hơi thở ra: không có cái ngã của hơi thở ra, hơi thở vào; và không có mặt cái ta của hành giả trong quá trình vật lý đó.

- Một quá trình tâm lý nhận biết về hơi thở vào, hơi thở ra, và nhận biết về sự nhận biết trên: không có cái ngã gọi là nhận biết, và không có mặt cái ta của hành giả trong quá trình tâm lý.

Hành giả chú tâm quan sát như vậy nhiều lần cho thật nhuyễn.

Nhận biết như vậy là thành tựu bước đi thanh tịnh thứ ba: thanh tịnh kiến.

Bước 4: Cấp độ thanh tịnh do thắng vượt nghi ngờ

Khi thanh tịnh kiến đã thực hiện, hành giả tiếp tục chú tâm chuyên sâu và lan rộng ra các quá trình hoạt động của thân và tâm. Trước chú tâm chuyên sâu ấy, các quá trình vận chuyển của thân và tâm sẽ tự nó hiện rõ, mà không cần đến khả năng suy diễn. Hành giả quan sát cho đến khi thấy rõ sự sinh khởi, sự tồn tại, và sự tan rã của các quá trình tâm lý (tư tưởng, cảm thọ buồn, vui...) ấy. Cứ một quá trình tâm lý mới khởi lên, hành giả lại đặt sự chú tâm vào và theo dõi cho đến khi thấy thật thành thục sự sinh khởi, sự tồn tại và sự biến mất của chúng.

Bấy giờ hành giả bừng sáng ra rằng không có mặt bất cứ một tự ngã nào ở đời cả, ngoài các quá trình thân, tâm năng duyên và thân, tâm bị duyên.

Các quá trình khởi, diệt của thân tâm được chú tâm theo dõi sẽ tự phô bày sự thật rằng: tất cả hiện hữu đều đi đến chỗ tan biến, nghĩa là vô thường; tất cả đều dẫn đến khổ đau trong ý nghĩa chúng bị tan rã, và tất cả đều không có tự ngã nào cả.

Tại đây, hoạt động lý luận, suy diễn bắt đầu can thiệp. Hành giả suy diễn: tất cả hiện hữu do các duyên hợp thành đều vô thường, dẫn đến khổ đau và đều vô ngã.

Ở cấp độ thực hành này, hành giả phát triển định lực mạnh hơn, cái nhận biết do chú tâm quan sát sắc bén hơn, lòng tin thuộc tuệ giác trở nên mạnh hơn, hỷ tâm khởi lên ở nhiều cấp độ mạnh, yếu khác nhau, tâm tỉnh lặng xuất hiện và hạnh phúc (lạc thú) hay gọi là thanh tịnh do thắng vượt nghi ngờ.

Bước 5: Cấp độ thanh tịnh qua thấy biết những gì là Ðạo và những gì là không phải Ðạo.

Khi đạt được hỷ lạc ở bước đi thanh tịnh thứ tư , hành giả đi đến một cảm nhận rằng: chỉ có bây giờ ta mới thực sự thấy hạnh phúc (lạc thú) của Thiền định. Tại đây, hành giả cần cảnh giác và cần lưu ý thực hiện mấy điểm cần yếu sau đây:

- Không khoe khoang kinh nghiệm vừa sở đắc.

- Tiếp tục công phu chú tâm ở mức độ vừa phải, đều đặn, không buông lơi cũng không nỗ lực căng thẳng.

- Cần nhận rõ ràng cảm giác hỷ lạc ấy là chướng ngại việc thực hiện phát triển Thiền quán, tuệ giác. Cần giác tỉnh và trú xả (giữ tâm tỉnh lặng).

Ðây là bước đi thanh tịnh thứ năm do thấy biết Ðạo và phi Ðạo.

Bước 6: Cấp độ thanh tịnh do thấy biết quá trình thực hành

Hành giả tiếp tục hành chú tâm theo dõi chuyên sâu và giữ tâm trú xả. Dần dần hành giả đi đến chỗ thấy biết không phải toàn bộ quá trình sinh khởi, tồn tại và tan rã, mà chỉ thấy rõ hiện tượng tan rã của các quá trình thân tâm. Các hiện hữu giờ đây hầu như đều vắng mặt, không còn hiện hữu nữa. Sự chú tâm do đó trải qua một thời gian lặn mất đối tượng theo dõi khiến hành giả có cảm nhận in như mất Thiền quán, vắng tuệ giác. Cần giác tỉnh tiếp tục công phu thực hành, không dao động.

Thế rồi hành giả kinh nghiệm hễ có một đối tượng được chú tâm thì nó liền tan rã, và sự chú tâm lặn mất. Có thể hành giả sẽ trải qua những cảm nhận sợ hải, khổ đau vì cái thấy "tan rã" đó. Nhưng cứ giữ tâm giác tỉnh, hành giả sẽ khởi tâm nhàm chán các hiện hữu, không ham muốn bất cứ gì, rồi khởi niệm mong muốn giải thoát ra khỏi hết thảy các pháp hữu vi.

Tiếp tục công phu chú tâm cho đến lúc thành thục, cái thấy biết các pháp hữu vi của hành giả sẽ trở lại rõ ràng trong trạng thái tâm lý thanh tịnh: chúng là vô thường, đưa đến khổ đau và không có tự ngã. Bấy giờ thấy biết rất tự nhiên và rất thanh thản; không vận dụng chú tâm mà chú tâm vẫn mạnh mẽ, không chấp trước mọi cấu thành (hữu vi) và nhận ra giải thoát là sự bặt dứt các cấu thành. Ðó là Niết-bàn.

Thấy biết thanh tịnh này cần được thực hiện cho đến lúc chín muồi. Ðó là bước đi thanh tịnh thứ sáu; thấy biết quá trình tu tập.

Bước 7: Cấp độ thanh tịnh do Biết và Thấy.

Hành giả tiếp tục bước đi thứ sáu với sự tập trung trọn vẹn thì sẽ đi đến xả bỏ hoàn toàn sự chấp trước mọi cấu thành (mọi pháp hữu vi) đi vào các Thánh đạo và Thánh quả. Có thể từ bước công phu này tu tập hoàn thành Năm căn, Năm lực (tín, tấn, niệm, định, và tuệ) cho đến quả A-la-hán.

* * *

Nếu hành giả lấy Thiền chỉ làm phương tiện tu tập thì sẽ đi vào định nhanh hơn. Tiếp tục nhiếp niệm trên một đối tượng gọi là Kasina từ bước đi thanh tịnh tâm, sẽ lần lượt vào Sơ thiền cho đến Vô sở hữu xứ (không nên vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ).

Hành giả Thiền chỉ có thể dừng ở Tứ sắc định mà hành Thiền quán Ba pháp ấn, hay Năm thủ uẩn để vào các thánh quả. Hoặc từ Vô sở hữu xứ định hành Bốn vô lượng tâm để vào Diệt thọ tưởng định. Tại đó, Chánh trí giải thoát xuất hiện.

Giữa căn cơ tu Thiền chỉ và Thiền quán thực ra chỉ có điểm khác biệt căn bản là:

- Nếu hành giả hành Thiền quán ngay từ đầu không chờ vào cận định hay toàn định, thì gọi là căn cơ thuần Thiền quán.

- Nếu chỉ hành Thiền quán từ Tứ sắc định, hay từ Vô sở hữu xứ định thì gọi là căn cơ hành Thiền chỉ.

Nếu hành Thiền quán như là phương tiện tu tập thì hành giả sẽ khá chậm vào định, có khi rất chậm. Trong trường hợp này, hành giả đừng nóng lòng, đừng mong chờ đắc định, chỉ theo dõi công phu phát triển Thiền quán, phát triển tuệ giác, hành giả cũng sẽ vào các Thánh quả khi công phu Thiền quán đi đến chín muồi.

Trên đây là một số nét tổng lược về công trình Viết về Thiền định Phật giáo của hai vị Thiền sư lỗi lạc của Phật giáo thế giới: Thiền sư vừa là Luận Sư Phật Âm (người Ấn Ðộ) và đại lão Mahasi Sayadaw (người Miến Ðiện). Trong khi đó, Thiền định Phật giáo còn được phát triển tùy theo căn cơ hoàn cảnh của những con người, những địa phương, tạo thành những sắc thái đa dạng, phong phú như trường hợp Phật giáo Thiền ở Tây Tạng, Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản./.

-oOo-

Chương trước | Mục lục | Chương kế


[Trở về trang Thư Mục]

update:30-10-2000