BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Tìm Vào Thực Tại
Thích Chơn Thiện, 1997


  

Chương II

Những Bước Thực Hành Tứ Niệm Xứ,
Hay Niệm Hơi Thở Vào Hơi Thở Ra


Con đường thực hiện Thiền định rất hiện tại và rất thiết thực. Tất cả những gì mà chúng ta trong chờ và vận dụng đều tập trung vào hai đối tượng: tự thân chúng ta và pháp Tứ Niệm Xứ do kinh nghiệm Thế Tôn để lại. Chúng ta không nên chờ đợi một ân điển, phép lạ nào. May mắn chính là nỗ lực của tự thân dưới sự soi sáng của giáo lý Thiền định .

Nhận thức như thế, chúng ta đi vào thực hiện từng bước điều hòa thân, điều hòa hơi thở và điều hòa tâm.

A. Ðiều Hòa Thân

Tổng Quát Về Thế Ngồi, Chỗ Ngồi, Thời Ðiểm Và Thời Gian Ngồi, Nhập Thiền Và Xả Thiền

Ngồi thế hoa sen hay kiết-già:

Thực hiện nghiêm chỉnh các điểm sau đây:

-- Bàn chân phải đặt lên bắp vế chân trái trước, rồi tiếp đặt bàn chân trái lên bắp vế chân phải. Ðặt chéo chân lên nhau theo thứ tự ngược lại cũng được.

-- Bàn tay trái đặt ngửa lòng trên gót chân (hai gót chân), rồi đặt bàn tay phải chồng lên bàn tay trái thế nào để hai đầu ngón tay cái giao nhau (chỉ vừa dính sát nhau). Ðặt bàn tay theo thứ tự ngược lại cũng được, miễn là hành giả cảm thấy ổn.

-- Lưng được giữ thẳng đứng .

-- Ðầu được giữ thẳng, mắt khép nhẹ nhìn qua đầu chót mũi xuống sàng ngồi. Nếu mắt mở lớn thì sẽ dễ bị tán loạn.

-- Miệng ngậm lại một cách tự nhiên .

-- Nệm lót dưới bàn tọa để giữ lưng dễ thẳng đứng, nệm mềm mại và dày chừng 10cm, hay dày hơn một ít. Với những ai không thể ngồi theo thế hoa sen, thì có thể ngồi bán già hay xếp bằng. Các điểm khác vẫn giữ nguyên.Với những người lớn tuổi, có thể ngồi trên một cái ghế dựa có chỗ gác tay; chân buông thỏng xuống, lưng vẫn giữ thẳng.

-- Thở bằng mũi, giữ cho hơi thở vào đến ngực hoặc vào sâu hơn một ít. Thở tự nhiên; đừng cố nín thở.

-- Có thể ngồi Thiền bất cứ chỗ nào mà bạn thấy thuận lợi. Chỗ ngồi cốt thế nào đừng nóng quá, đừng nhiều ánh sáng quá, đừng tối quá và đừng có gió lọng. Tránh chỗ ngồi có nhiều muỗi mòng, sâu bọ... tránh chỗ ngồi có nhiều tiếng động ồn ào.

-- Bạn có thể ngồi Thiền bất cứ giờ nào trong ngày mà bạn cảm thấy thích hợp với tâm lý và giờ giấc làm việc. Cần tránh ngồi ngay sau bữa ăn - ít nhất là sau bữa ăn chừng 30 phút.

-- Nhập Thiền: Trước khi vào ngồi Thiền bạn đừng làm các việc tháo mồ hôi. Nên hít thở và làm vài cử động để giản gân cốt ở tay, chân, cổ và mình trước khi ngồi để cảm thấy dễ chịu hơn khi ngồi. Nên củ soát lại áo và quần mặc, đừng để nó bó sát vào mình gây trở ngại lưu thông của máu.

-- Xuất Thiền: Sau một thời gian ngồi Thiền thì bạn xả Thiền.Trước khi xả ít phút, bạn dừng lại sự theo dõi của tâm, lắc nhẹ hai vai, buông hai bàn tay ra trước, xát mạnh hai lòng bàn tay vào nhau cho ấm để háp tay vào đôi mắt, làm như thế chừng 3,4 lượt; sau đó mắt từ từ mở, đoạn xả đôi chân ra, dùng tay xát mạnh trên mu bàn chân và suốt dọc ống chân cho máu lưu thông; làm như thế này chừng 3 phút, sau đó từ từ đứng dậy. Nếu cảm thấy chân và lưng thông máu hẳn bước đi; nếu còn nghe tê thì hãy chờ chốc lát cho máu thông rồi hẵn đi. Bạn phải làm kỹ như thế là để giữ cho mắt khỏi yếu và bước đi khỏi té.

Sau khi biết rõ một số việc cần làm ở trên, bạn đi vào các bài thực tập.

Bài thực tập số 1:

Thời gian ngồi: 10 phút.

Ngồi theo các chỉ dẫn ở trên. Thở vào, ra đều đặn. Theo dõi hơi thở: hơi thở vào, ra, dài, ngắn, mạnh hay yếu như thế nào thì chỉ cần ghi nhận như thế ấy. Chỉ theo dõi hơi thở mà thôi, đừng để sự chú ý chạy qua đối tượng khác.

Bài thực tập số 2:

-- Ôn lại bài thực tập số 1, trong chừng 5 phút, rồi tiếp làm theo lời chỉ dẫn dưới đây:

-- Thở vào, ra (hít vào và thở ra ) cho đều đặn, không quá nhanh và không quá chậm. Thở vào và ra, đếm 1 (đếm 1 khi hơi thở ra vừa dứt). Rồi tiếp thở vào, ra, đếm 2. Ðếm như vậy cho đến số 10 hay ít hơn số 10 . Khi nào lãng quên số đếm, thì trở lại đếm 1. Tập cho đến khi ngồi liên tục 10 phút mà không bị nhầm, không bị lãng quên là tốt.

Trong khi đếm số, hành giả vẫn để ý theo dõi hơi thở vào ra, biết nó là mạnh hay yếu, dài hay ngắn.

Bài thực tập số 3:

-- Ôn lại bài tập số 2 chừng 5 phút trước khi đi vào phần thực tập số 3.

-- Vừa theo dõi hơi thở vào, ra vừa nói thầm các câu ghi dưới đây, thế nào là câu hỏi dứt ở cuối mỗi hơi thở vào, ra.

Niệm thân:

(1). Hơi thở vào dài, tôi biết hơi thở vào dài
Hơi thở ra dài, tôi biết hơi thở ra dài

(2). Hơi thở vào ngắn, tôi biết hơi thở vào ngắn
Hơi thở ra ngắn, tôi biết hơi thở ra ngắn

(3). Cảm giác thân hành tôi sẽ thở vô.
Cảm giác thân hành tôi sẽ thở ra.

(4). An tịnh thân hành tôi sẽ thở vô.
An tịnh thân hành tôi sẽ thở ra.

Lúc tập bài số ba này (từ đây trở đi), hành giả bỏ đi phần đếm số từ 1 đến 10, nhưng nỗlực tăng thêm sự chú ý theo dõi hơi thở vào ra như ở bài tập số 2.

Bài tập số ba này là thuộc phần Thân Niệm Xứ hay Niệm về thân. Ở đây chỉ thực tập phần rất đơn giản về niệm thân, về sau sẽ thực tập sâu hơn.

Các em nhỏ trên 10 tuổi chỉ nên thực tập đến bài số 6, thời gian ngồi mỗi lần không kéo dài quá 20 phút.

Các em chỉ cần thực tập mỗi ngày một lần vào buổi sáng sớm sau khi thức dậy, hay vào buổi tối, trước khi đi ngủ.

Luyện tập như thế này sẽ tăng trưởng ký ức và óc quan sát tốt cho các em. Sức khỏe cũng được bảo đảm tốt. Tính năng động sẽ kềm chế bớt.

Bài thực tập số 4:

-- Ôn lại bài thực tập số 3 trong 10 phút.

-- Thực tập Thọ Niệm Xứ (theo dõi cảm thọ).

Vừa theo dõi hơi thở vào ra, vừa nói thầm các câu sau đây:

(5). Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô
Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra.

(6). Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô
Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra.

(7). Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô
Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra

(8). An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô
An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra
.

Hỷ là niềm vui, thoải mái của tâm. Lạc là niệm thoải mái của thân (thoải mái của thân thì sâu hơn). Thời gian tập là 10 phút mỗi thời. Ðây là phần thực tập theo dõi các cảm thọ, nhưng ở đây chỉ thực tập có tính hình thức và đơn giản. Phần thực tập sâu hơn sẽ được giới thiệu sau.

Thời gian thực tập là 10 phút.

Bài thực tập số 5:

-- Ôn lại bài thực tập số 4 chừng 10 phút.

-- Thực tập Tâm Niệm Xứ (theo dõi các trạng thái tâm lý).

Vừa theo dõi hơi thở vào ra, vừa nói thầm các câu sau đây:

(9). Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô
Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra.

(10). Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô
Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra.

(11). Với tâm tịnh chỉ, tôi sẽ thở vô
Với tâm tịnh chỉ, tôi sẽ thở ra.

(12). Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô
Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra
.

Phần thực tập này theo dõi các trạng thái vui, buồn, động tĩnh của tâm lý. Ngang đây, cũng chỉ thực tập có tính cách hình thức và đơn giản. Phần thực tập đi sâu hơn sẽ được giới thiệu sau.

Thời gian thực tập là 10 phút.

Bài thực tập số 6:

-- Ôn lại bài thực thực tập số 5 chừng 10 phút.

-- Thực tập về Pháp Niệm Xứ (niệm về Pháp).

Vừa theo dõi hơi thở vào ra, vừa nói thầm với các câu:

(13). Quán niệm vô thường tôi sẽ thở vô
Quán niệm vô thường tôi sẽ thở ra

(14). Quán niệm tan rã, tôi sẽ thở vô
Quán niệm tan rã, tôi sẽ thở ra.

(15). Quán niệm hoại diệt, tôi sẽ thở vô
Quán niệm hoại diệt, tôi sẽ thở ra.

(16). Quán niệm từ bỏ, tôi sẽ thở vô
Quán niệm từ bỏ, tôi sẽ thở ra
.

Phần này cũng chỉ thực tập có tính cách hình thức và đơn giản. Thời gian thực tập là 10 phút.

Các bài tập từ số 1 đến số 6 có thể được thực tập đối với mọi căn cơ ngồi Thiền. Ðối với người lớn, tùy theo khả năng, có thể kéo dài thời gian ngồi Thiền mỗi thời là 15 phút.

Bài thực tập số 7:

Tập chung bài thực tập số 3 và 4. Thời gian thực tập mỗi thời là 15 phút.

Bài thực tập số 8:

Tập chung bài thực tập số 5 và 6. Thời gian thực tập mỗi thời là 15 phút.

Bài thực tập số 9:

Tập chung bài thực tập số 3, 4, 5 và 6. Thời gian thực tập mỗi thời là 15 phút hay 20 phút. Bài thực tập này cần thực tập nhiều làm cho thuần nhuyễn. Mỗi câu nói thầm có thể lập lại nhiều lần, nhịp nhàng với hơi thở vào ra.

Ðiều cần yếu nhất ở bài thực tập số 9 này là hành giả cần nỗ lực giữ sự chú tâm gắn chặt vào đối tượng theo dõi, giữ mình đừng lãng quên, đừng buồn ngủ, hay đừng tán loạn chạy theo các đối tượng khác khởi lên trong tâm.

Bài thực tập số 10:

Thời gian thực tập là 20 phút.

Tập tương tự bài thực tập số 9, nhưng giữ sự chú tâm vào đối tượng theo dõi mạnh hơn. Trong khi thực tập, cần nhớ chừng giữ hai đầu ngón tay cái đừng rời nhau, giữ thân và đầu thẳng đứng theo thế ngồi đã giới thiệu ở trước. Bài thực tập này cũng cần được thực tập nhiều lượt cho tương đối nhuần nhuyễn.

Trong suốt thời gian thực tập bài số 9 và 10, hành giả nhớ rõ đây cũng là thời gian để luyện tập cho thân và hơi thở khá nhuần, khá nhuyễn.

Bài thực tập số 11:

Khi hơi thở và thân khá điều hòa, hành giả đi vào thực tập bài số 11 này.

Phần thực tập từ bài số 1 đến số 10 là phần huấn luyện niệm lực (hay huấn luyện sự chú tâm theo dõi). Bài thực tập số 11 và 12 sẽ là phần huấn luyện sự để tâm một chỗ (hay gọi là trú tâm tại một điểm). Mức độ tập trung ở đây sẽ mạnh hơn, sâu hơn.

Thời gian thực tập mỗi thời vẫn là 20 hay 25 phút, nhưng phân ra nhiều lượt nhỏ: mỗi lượt nhỏ chừng 5 phút thì xả, rồi đến lượt tiếp theo.

Phần này là phần tập để tâm trước mặt, hay gọi là để niệm trước mặt. Ðể tâm hay để niệm tại một điểm là để sự chú ý tại điểm ấy.

Các chỗ để niệm, mà gọi là để niệm trước mặt, có thể là:

a. Nhân trung(ở ngay phía dưới chót mũi).
b. Ðầu chót mũi
c. Ấn đường (ở giữa hai chặng lông mày)
d. Ðơn điền (điểm ở duới rốn chừng 5cm).
đ. Một vùng nhỏ trước mặt trong tầm mắt nhìn ngang qua.

(Ðể tâm theo dõi hơi thở vào ra cũng gọi là để niệm trước mặt).

Hành giả nên thử tập để niệm ở 5 điểm vừa kể để xem điểm nào thuận để niệm cho hành giả thì hãy chọn điểm ấy mà thực tập để niệm (Như Lai thì thường để niệm ở một vùng nhỏ trước mặt, theo Nikàya).

Tâm theo dõi, hay sự chú ý, phải dừng ở điểm đã chọn, đừng để các ý tưởng, các hình ảnh khác trong tâm khởi lên kéo sự chú ý của mình đi nơi khác.

Khi thực tập bài số 11 và 12 thì hành giả tạm ngưng thực tập bài số 9 và 10 . Thời gian để niệm có thể kéo dài lâu hơn 5 phút, lâu như hành giả có thể. Tuyệt đối đừng cố gắng quá sức gây căng thẳng đầu óc. Trong thời gian thực tập, nếu cảm thấy mệt lúc nào thì dừng nghỉ xả hơi lúc đó.

Khi mà hành giả đã có thể để sự chú ý tại một điểm tương đối ổn trong khoảng thời gian ngồi nói trên, thì hành giả nên vừa để sự chú ý một chỗ, vừa nghe hơi thở vào ra và giữ cho hơi thở điều hòa.

Bài thực tập số 12 :

Khi bài thực tập số 11 được thực hiện khá tốt, thì hành giả đi vào bài thực tập số 12 gồm các việc làm sau đây:

1. Nhìn kỹ hình tượng đức Thế Tôn, hay hình tượng Bồ-tát, rồi nhắm mắt lại mà vẫn tưởng ra được các đường nét rõ ràng của hình tượng. Cho đến khi hình tượng trong tâm tưởng xuất hiện uy nghi, không bị dao động thì bấy giờ khả năng tập trung đã đến lúc khá hữu hiệu, các tạp niệm đã lắng chìm khá nhiều. Hành giả vừa chú tâm vào hình tượng trong tâm tưởng vừa theo dõi hơi thở vào ra. Hành giả cũng có thể vừa tập trung vào hình tượng trong tâm tưởng vừa khởi niệm tác lễ như khi tác lễ hình tượng thật ở ngoài.

2. Tưởng ra một hồ nước trong trước mặt, hay một ao sen đẹp, rồi để niệm dừng ở đó. Khởi niệm tưởng như chính hành giả đang ngắm nước, ngắm sen bên bờ hồ, bờ ao vậy. Tập như thế này, tạp niệm sẽ tiêu dần và định lực dễ phát triển. Dĩ nhiên là hành giả cần phải giữ chánh niệm, tỉnh giác, không để các niệm tham, sân, ưu não khởi. Khả năng khởi tưởng và dừng tâm này sẽ được dùng trong các công phu tu tập về sau trong việc điều hòa giữa Thiền chỉ với Thiền quán.

3. Tương tự, hành giả có thể tập trú tâm vào một hình ảnh hay một cảnh tượng nào mà tự mình cảm thấy dễ lắng tâm, dễ an tịnh tâm. Tránh các đối tượng kích động dục vọng.

Ghi chú:

* Thực tập theo dõi hơi thở vào, ra là huấn luyện niệm lực.

* Thực tập dừng tâm trên một đối tượng là huấn luyện định lực .

* Giác tỉnh, chánh niệm trong khi theo dõi và trú tâm trên đối tượng là sự có mặt của tuệ hay tuệ lực.

* Hành giả chỉ cần thực tập niệm hơi thở vào hơi thở ra, theo dõi 16 đối tượng, và để niệm an tịnh trước mặt theo các bài thực tập từ số 10 đến số 12 cũng đủ đi sâu vào Thiền định.

Bài thực tập số 13: Kiểm soát điều hòa hơi thở.

Có 4 tướng trạng của hơi thở mà hành giả trải qua:

1. Tướng trạng hơi thở động thành tiếng.

2. Tướng trạng hơi thở khò khè.

3. Tướng trạng hơi thở nhẹ, nhưng vào ra bị ngột ngạt, không thông.

4. Tướng trạng hơi thở vào ra nhẹ nhàng, rất là nhẹ nhàng, như có như không.

Chỉ có tướng trạng hơi thở số 4 (vào ra nhẹ nhàng và thông) tạm xem là tướng điều hòa của hơi thở.

Trong thời gian thực tập từ bài đầu đến bài số 12, cần để ý giữ cho hơi thở dần dần trở nên điều hòa. Thực ra, theo Kinh tạng Nikàya thì sự chứng đắc điều hòa hơi thở cao nhất là khi mà hành giả tuệ tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt và sự nguy hoại của 6 xúc xứ, được giải thoát không có chấp thủ (Tương Ưng IV, bản dịch của HT. Minh Châu, 1982, tr. 259).

Hơi thở điều hòa thì thân thể an và tâm lý dễ an. Hơi thở mà thiếu điều hòa thì ngồi chóng mệt, thân dễ nóng và tâm dễ tán loạn. Do vậy, hành giả cần nỗ lực điều hòa hơi thở trước.

Bài thực tập số 14: Kiểm soát điều hòa thân

Hành giả cần lưu ý thực hiện tốt các điểm sau đây:

1. Ngồi đúng theo tư thế ngồi đã được giới thiệu từ phần đầu thực tập.

2. Tập cho đến khi hai đầu gối đặt sát sàn nhà (sàng ngồi) - hẳn là có nệm lót ở bàn tọa.

3. Giữ thân yên, không dao động trong suốt thời gian ngồi, ít nhất là 60 phút liền.

4. Thân nhiệt điều hòa, toàn thân đều ở trong tư thế nghỉ ngơi (thả hết các bắp thịt và gân, tuyệt nhiên không thể cho chúng căng lên, bởi nếu căng thì thân sẽ nóng lên, sẽ không an tịnh để ngồi Thiền lâu được).

Thực tập được bốn điểm trên là hành giả tương đối ổn định được phần điều hòa thân. Từ đó có thể ngồi lâu hơn, nếu muốn.

Ðiều hòa thân và điều hòa hơi thở có tương quan mật thiết đến sự chú tâm của bạn. Nói khác đi, nếu việc dán chặt tâm vào đường hơi thở thực hiện được, thì tạp niệm lắng đi, không khởi lên được. Trong những lúc tạp niệm ít khởi lên, thì dễ rơi vào trạng thái buồn ngủ, mê mê hay vô ký, bởi vì đối tượng hơi thở mà bạn theo dõi thì nhạt nhẽo, chưa đến lúc tạo cho bạn một phấn khích nào. Nếu bạn dán chặt sự chú tâm vào hơi thở với niệm giác tỉnh, thì bạn sẽ dần dần đánh tan được trạo cử và hôn trầm (sự chú tâm sẽ đánh tan trạo cử, niệm giác tỉnh sẽ đánh tan hôn trầm).

Bài thực tập số 15:

Tập hai câu (1) và (2) trong bài số 3, trong chừng 5 phút đến 10 phút.

* Với câu số (3) trong bài số 3, bạn vừa lắng nghe đường hơi thở vừa lắng nghe toàn bộ cơ thể của mình, những trạng thái nóng, lạnh, thoải mái ... và giữ niệm giác tỉnh rời khỏi các tâm lý tham, sân đối với các trạng thái thân hành đó. Thực tập chừng 5 phút đến 10 phút.

* Với câu số (4) trong bài số 3, bạn tập nhiếp thân cho an tịnh, khởi tưởng về trạng thái an tịnh của thân bạn từng kinh nghiệm để đưa thân về trạng thái an tịnh đó. Thực tập như thế chừng 5 đến 10 phút.

* Với câu số (5), tập trung tâm để làm sinh khởi cảm giác hỷ hoặc tưởng lại kinh nghiệm về cảm giác hỷ mà bạn đã từng kinh nghiệm để dễ khởi lên cảm thọ về hỷ, hoặc quán niệm một đối tượng nào đó mà thường khiến bạn sinh tâm hoan hỷ. Thực tập chừng 5 đến 10 phút.

* Với câu số (6), tập tương tự câu số (5), thay thế cảm thọ hỷ bằng cảm thọ lạc. Thực tập chừng 5 đến 10 phút.

* Với câu số (7), bạn theo dõi tâm trạng bạn đang ở trạng thái buồn hay vui, khổ hay lạc... Tập từ 5 đến 10 phút.

* Với câu (8), bạn nhiếp tâm đưa về trạng thái an tịnh, không khởi lên các cảm thọ hỷ, lạc, không hỷ, không lạc. An tịnh mà giác tỉnh. Trạng thái tâm lý này khác xa với trạng thái tâm lý vô ký, thụ động. Tập từ 5 phút đến 10 phút.

* Với câu (9), lắng nghe tâm trạng từ trạng thái an tịnh ấy những gì khởi lên tiếp theo. Chỉ theo dõi và ghi nhận mà không phản ứng. Các tâm lý bấy giờ đang khởi lên là thuộc về tham, sân, si hay không tham, không sân, không si. Tập từ 5 đến 10 phút.

* Với câu số (10), bạn hãy khởi tưởng đến niềm tin đạo, niềm tin đi ra khỏi khổ đau, nghĩ đến kết quả giải thoát của từng bước tu tập mà bạn có thể gặt hái để lòng hân hoan khởi lên. tập chừng 5 đến 10 phút.

* Với câu số (11), bạn xét kỹ tâm lý hân hoan, bạn sẽ thấy nó là tâm lý dao động được cần nhiếp tỉnh, nghĩa là bạn ý thức rằng hân hoan là động, là trạo cử, liền cố rời khỏi niềm hân hoan ấy để trở về với tâm lý an tịnh, dừng nghỉ. Dừng nghỉ trong tỉnh giác. Tập như thế chừng 5 đến 10 phút.

* Với câu số (12), bạn cần nhận rõ tâm lý an tịnh hay tịnh chỉ còn vướng mắc tính thụ động, hay nói cách khác đi nó chỉ là tâm lý phản ứng với tâm lý động (tâm lý hân hoan), khi tâm lý hân hoan chìm lắng thì tâm lý tịnh chỉ này sẽ khởi động hoặc chìm vào ngõ hôn trầm thụ động. Do đó, bạn hãy cố dẫn tâm vào giải thoát. Tâm lý giải thoát là tâm lý đầy giác tỉnh, đi ra khỏi các cảm thọ về tâm, mà vẫn ghi nhận rõ ràng các hiện khởi của tâm lý đối với các ảnh tượng bên trong cũng như bên ngoài. Tập chừng 5 đến 10 phút.

Ghi chú:

Nếu bạn thực tập mỗi câu 5 phút, thì bạn có thể thực tập đủ 12 câu (từ số 1 đến số 12) trong một thời ngồi Thiền, để phù hợp với thời gian ngồi mỗi thời là 60 phút. Bạn có thể sắp đặt thời gian thực tập mỗi câu thế nào để thích ứng với thời gian ngồi Thiền mỗi thời của bạn, bạn cũng có thể thực tập 4 câu niệm thân một thời riêng, 4 câu niệm thọ một thời sau, và 4 câu niệm tâm trong một thời ngồi Thiền sau nữa.

Bài thực tập số 16:

Phần lắng tâm theo dõi các câu nói từ (1) đến số (12) ở bài thực tập số 15 là thuộc thực tập về Thiền Chỉ. Phần thực tập riêng các câu từ số (13) đến số (16) sẽ được trình bày riêng ở bài thực tập này gọi là Thiền quán. Phần trình bày Thiền quán ở bài thực tập số 16 này mới chỉ là phần trình bày giới hạn và đơn giản. Phần Thiền quán toàn diện hơn sẽ được trình bày ở Chương III của cuốn sách này.

Trong suốt thời gian thực tập Thiền quán này, bạn có thể ngưng Thiền quán bất cứ lúc nào trong khi ngồi Thiền mà bạn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, trạo cử, hay tâm giác tỉnh chìm lặn, yếu đi. Bấy giờ bạn chuyển qua công phu, theo dõi hơi thở vào hơi thở ra theo bài thực tập số 2 cho đến khi xả Thiền. Bạn có thể chuyển đổi qua lại chỉ, quán xen kẻ cho đến khi xả Thiền.

- Về câu số (13), bạn suy tưởng về các hiện tượng vô thường: khi thì nghĩ đến vô thường thân sắc, khi thì nghĩ đến vô thường của tâm lý con người, khi thì nghĩ đến vô thường của đời sống v.v ... bạn có thể dừng niệm trên một hình ảnh vô thường nào đó đã khiến bạn xúc động nhất để từ đó bạn sẽ dễ dàng khởi tâm ly tham và tinh cần, hay ít ra để cho lòng tham và lười biếng chìm đắm dần xuống. Tập từ 10 đến 15 phút. Hoặc giả, do công phu Thiền chỉ liên tục mà bạn đi đến cái thấy biết (hay cảm nhận) vô thường từ dòng chảy của các quá trình tâm lý và vật lý.

- Về câu số (14), bạn nhìn một vòng xung quanh mình bạn sẽ thấy bất cứ cái gì hể có sanh thì sẽ có diệt, có hợp thì có ly, có xuất hiện sẽ có biến mất. Mọi hiện hữu đều đi dần vào sự tan rã. Bạn cũng đang trên đường đến đó, mà thời điểm đến chưa biết lúc nào. Cứ nhìn hoại diệt ấy nhắc nhở bạn rời tâm chấp thủ và lòng tham ái, quen dần với hiện tượng hoại diệt để thức tỉnh đẩy lui hữu ái và lòng sợ hãi về hoại diệt. Tập từ 10 đến 15 phút.

-Về câu (15) và (16), có thể từ quán vô thường và tan rã, bạn nhận ra rằng vô thường thì đau khổ, hoại diệt là khổ đau để khởi lên niệm từ bỏ tham ái, từ bỏ lòng chấp trước. Bạn cũng có thể thấy được khía cạnh nguy hiểm của tham ái và chấp thủ, những nguyên nhân dẫn đến sầu, bi, khở, ưu, não mà rời khỏi chúng. Tâm giải thoát chính là tâm ly tham, từ bỏ ấy. Ý nghĩa của giải thoát là ý nghĩa đi ra khỏi trói buộc của lòng tham ái và chấp ngã.

Với đối tượng quán vô thường, hoại diệt và trừ bỏ trên, bạn có thể thực hiện pháp quán bằng cách nhìn thẳng vào Năm uẩn trên cơ sở duyên sinh.

-- Sắc uẩn là do các duyên kết hợp: hương ấm + tinh của cha + huyết của mẹ + các thức ăn nuôi dưỡng v.v .... Như vậy, sắc uẩn là không có tự ngã (bản ngã), là vô thường. Vì nó vô thường, biến dịch trước khát vọng thường hằng của bạn nên nó gây ra khổ đau. Vì là vô thường, vì đem lại khổ đau, nên sắc uẩn không thể được chấp nhận là ta, là của ta hay là bản ngã của ta.

-- Quán tương tự như thế đối với thọ uẩn, hành uẩn, tưởng uẩn và thức uẩn.

Từ sự giác tỉnh (thấy rõ) sắc uẩn vốn không có bản ngã, khởi lên lòng không chấp thủ, không tham ái thân sắc của mình, của tha nhân và thế giới.

Từ sự giác tỉnh thọ uẩn vốn không có tự ngã, bạn tỉnh ngộ ra rằng không thật có khổ, lạc, và thật không có chủ thể nhận chịu cảm giác khổ lạc ấy, tâm có thể đi vào tuệ giải thoát.

Từ sự giác tỉnh tưởng uẩn chỉ là các duyên phối hợp, vốn không tự ngã, bạn có nhân duyên thoát ly khỏi các trói buộc của chấp thủ kiến, của tư duy hữu ngã và của tư tưởng hệ. Bởi tưởng uẩn vốn không phải là ta, là của ta hay là bản ngã của ta, nên từ ngàn xưa đến ngàn sau, và cả trong từng giây phút hiện sinh, bạn muốn tự do tự tại ngoài nó, bạn có thể thoát khỏi ách trói buộc của nó bất cứ lúc nào. Nói khác đi, nó vốn không trói buộc bạn và không trói buộc ai cả.

Từ sự giác tỉnh hành uẩn vốn không tự ngã, bạn bừng ngộ ra rằng các hành động của thân, khẩu, ý, các lẽ thiện ác đều không dích dấp gì đến bạn, chúng ta là những huyền ảo. Bạn vốn độc lập và tự tại ngoài hành ẩn.

Từ sự giác tỉnh thức uẩn vốn là không, bạn sẽ bừng tỉnh bằng mọi sự ghi nhận sự có mặt của các pháp vốn không có thật, tất cả đều là sương mù. Bạn có thể cảm thấy tự do, tự tại bất cứ khi nào.

Tất cả vốn không phải là bạn, vốn không phải là của bạn, và vốn không phải là bản ngã của bạn. Bạn có thể tự tại thoát ly tham ái, chấp trước cuộc hiện sinh một cách nhẹ nhàng như đối với cảnh mộng.

Bạn thực tập kiên trì như thế nhiều lần, nhiều trăm lần, và nhiều nhiều hơn nữa, bạn sẽ thấy rõ kết quả tốt đẹp của pháp quán trên. Ðừng vì kết quả tu tập đến muộn mà rời bỏ pháp tu. Bạn nhớ nhé!

Trong việc thực hiện Thiền quán này, bạn cần chuẩn bị suy nghĩ trước những gì là vô thường, tan rã, hoại diệt và từ bỏ mà bạn sẽ phân tích, quán niệm khi ngồi Thiền. Bạn chuẩn bị đến một nội dung tư duy tương đối nào đó, nếu không, bạn khó để khởi Thiền quán và khó lâu trong Thiền quán. Hoặc giả, bạn liên tục hành công phu này sẽ dẫn bạn đến cái thấy biết rằng tất cả các hiện hữu do các duyên mà sinh đều vô thường, tan rã, hoại diệt và tâm bạn sẽ tự rời khỏi tham ái các hiện hữu. từ đây tâm giải thoát dấy khởi, tuệ giải thoát dấy khởi.

Những tư duy giản dị sau đây có thể gợi ý cho bạn về việc nghĩ trước đến một chặng đường Thiền quán sẽ đi qua:

1. Vũ trụ vật lý là vô thường:

Văn học ghi: "Thanh hải biến vi tang điền" (biển xanh hóa thành ruộng dâu), nói lên sự thật biến đổi vô thường của trời đất như cụ Ôn Như hầu đã viết: "... Sơn hà cũng huyễn, côn trùng cũng như" (Cung Oán Ngâm Khúc).

Núi non cũng theo thời gian mà hao mòn biến đổi. Một cơn động đất là đã có thể đổi vùng núi thành biển, biển thành núi. Huống nữa là các hình thể vật lý mỏng manh khác.

Nắng, mưa, bão tố cũng đến, đi vô thường. Có một thời, nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều trăm nghìn năm trời không mưa, bây giờ tất cả loài thực vật đều khô cháy. (Theo Tăng Chi 3A, tr. 100, bản dịch của HT. Minh Châu, 1981). Ðến một thời, thái dương hệ này xuất hiện hai mặt trời, rồi, 3, 4, 5, 6, 7 mặt trời, bấy giờ sông, biển đều khô cạn, cây cối khô cháy, trời đất sẽ không còn tồn tại nữa. Ðây là hình ảnh các hành là vô thường (theo Tăng Chi 3A, tr 10: 103, bản dịch của HT. Minh Châu 1981).

2. Cơ thể vật lý là vô thường:

Thai tạng chỉ là sự kết hợp của hương ấm và tinh khí của cha mẹ trong thời kỳ bà mẹ có thể thụ thai. Ðời sống của bào thai tùy thuộc vào bà mẹ và nhiều yếu tố khác nữa, không có dấu hiệu gì bảo đảm an toàn cả. Sau khi trẻ ra đời, mệnh sống lại phụ thuộc vào các điều kiện sống rất là mỏng manh: bệnh tật, tai họa, gió độc v.v... có thể lấy đi mạng sống bất cứ lúc nào. Từ đây, kiến thức và sự nghiệp có thể bị thiêu cháy hoàn toàn. Nếu cơ thể được phát triển tốt đẹp, thì cũng sẽ bị kết thúc sớm hay muộn. Mọi người đều phải chết.

3. Tâm lý vô thường:

Tâm mọi người thường thay đổi rất nhanh: thoạt vui, thoạt buồn, chợt hy vọng, chợt thất vọng v.v.... ít ai có khả năng làm chủ tâm lý mình, đồng tâm lý liên tục trôi chảy, thay đổi. Tình cảm cũng thân, sơ, nóng, lạnh, không thường, chịu phụ thuộc vào các yếu tố bất định ở bên trong và bên ngoài mỗi người.

4. Ðời sống xã hội vô thường:

Ðời sống xã hội chịu ảnh hưởng của những thay đổi, xáo trộn về kinh tế, chính trị, an ninh. Xã hội lúc mang màu sắc này, lúc mang màu sắc khác, khi sáng sủa, khi ảm đạm. Cá nhân bị cuốn hút theo những thay đổi lớn của xã hội và chịu sức ép của những cuộc thay đổi.

Nói tóm, các pháp do điều kiện sinh nên vô thường. Vì vô thường đi ngược với những ham muốn nắm giữ cuộc đời của con người nên gây ra khổ đau. Ngay cả khi đang nắm giữ được hạnh phúc trong tay (tạm gọi thế), thì sự lo sợ hạnh phúc ấy ra đi cũng đủ xé nát tâm can con người. Các pháp là vô thường, khổ đau, nên thật là phi lý nếu ta nhận chúng là ta, là của ta hay là bản ngã của ta, bởi vì chúng không thuộc quyền kiểm soát, làm chủ của ta, và không mãi mãi ở lại với ta. Tại đây, ta cũng thẫy rõ vô thường không hẳn là đem lại khổ đau, mà chính ham muốn thường hằng, ham muốn nắm giữ cái ngã (cái ngã của tự thân và của các pháp) là gốc của khổ đau, hay nói khác đi, chính tham ái và chấp thủ ngã tướng là khổ đau. Khi phân tích nhận ra mọi hiện tượng là vô ngã, vô thường thì tâm lý ta sẽ thức tỉnh đi ra khỏi chấp ngã và tham ái. Cũng có thể khi thấy các hiện tượng là vô thường thì sẽ xô ngã được cái gốc mà từ đó tham ái sinh khởi: đó là ý niệm về ngã hay ý niệm thường hằng.

Có một điều thật là cụ thể là một khi biết là lửa thì ta không để tay vào, một khi biết là mộng thì lòng yêu thích người và cảnh trong mộng tự tiêu. Cũng thế, khi đã nhận thức rõ ràng khía cạnh huyễn mộng, nguy hiểm của các pháp, thì tham ái và chấp thủ tự tan. Kết quả kinh nghiệm giải thoát này đang chờ đợi công phu Thiền chỉ và Thiền quán của hành giả.

5. Phân tích Năm uẩn:

* Về sắc uẩn: sắc uẩn gồm có nội sắc (cơ thể của ta) và ngoại sắc (tha nhân và thế giới vật lý). Thân thể này là duyên kết hợp của tinh khí của cha, mẹ và nghiệp thức (hương ấm của mình trong thời kỳ bà mẹ có thể thụ thai, và được thức ăn nuôi dưỡng...). Cơ thể phát triển hay hoại diệt không phụ thuộc vào ý muốn của mình (hay chỉ phụ thuộc rất ít). Nó có mặt do sự kết hợp của thọ, tưởng, hành và thức uẩn. Ðấy là một tập hợp duyên sinh nên vô ngã, vô thường và sẽ dẫn đến khổ đau.

Quán tương tự đối với tha nhân và thế giới. Tất cả đều không phải là ta, là của ta, hay là bản ngã của ta. Chúng không thật có. Ta vốn tự tại, độc lập trước những biến đổi của chúng. Hiểu như vậy là ta sẽ thoát khỏi các khổ đau vì sắc uẩn.

Nàng Abhirùpa Nandà (xem Trưởng Lão Ni kệ) là một cô gái có nhan sắc tuyệt trần, thuộc dòng Thích-ca, vị hôn phu bị bệnh chung, gia đình ép nàng xuất gia. Ðã là một nữ tu sĩ, nàng vẫn thường kiêu hãnh về sắc đẹp của mình và thường lẩn tránh Thế Tôn vì sợ bị Thế Tôn quở trách. Một hôm, Thế Tôn hóa hiện một nữ nhân tuyệt đẹp đứng hầu cạnh Thế Tôn, trước mắt Nandà. Tiên nữ này đang chốc lát trở thành già nua, dung sắc tàn tạ nhanh chóng khiến Nandà xúc động mạnh về sắc tướng vô thường. Bấy giờ Thế Tôn liền nói lên bài kệ:

"Này Nandà hãy nhìn,
Bệnh hoạn và bất tịnh
Tâm nàng hãy tu tập
Ðạt cho được nhất tâm
Hãy tu tập vô tướng
Do thắng tri được mạn
Tấm thân chỗ qui tụ
Ðầy hôi hám thối nát
Quán tri tánh bất tịnh
Tâm tư khéo Thiền định
Hãy bỏ mạn tùy miên [*]
Nàng sẽ sống an tịnh".

[*] Có 7 mạn tùy miên: tham, sân, kiến, nghi, mạn, hữu ái, vô minh.

Nghe xong bài kệ, Nandà bừng ngộ và đắc liền quả A-la-hán.

Bài kệ của Thế Tôn như hồi chuông thức tỉnh Nandà ra khỏi mê chấp sắc thân, lòng buông xả các tùy miên mà chứng ngộ.

* Về thọ uẩn: Các cảm nhận đau đớn, lạc thú, buồn, vui ... là thuộc về thọ uẩn. Do đó các mặt của sắc, tưởng, hành và thức uẩn mà thọ uẩn có mặt. Nên thọ uẩn không thật có.

Do có nội sắc tiếp xúc với ngoại sắc (các trần khác) mà có cảm thọ, nên cảm thọ là do các duyên mà sinh, là vô thường; do vô thường mà cảm thọ dẫn đến khổ đau . Cảm thọ vốn không thật có, và chủ thể đón nhận cảm thọ cũng không thật có. Cả hai đều do vọng tưởng về ngã mà sinh.

Thực sự, không có sự kiện "khổ đau" hay "ta khổ đau".

Câu chuyện Tổ Ðạt-ma an tâm cho Nhị tổ Huệ Khả soi sáng quá trình phân tích cảm thọ ở trên.

Tổ Huệ Khả thưa: "Tâm con bất an, xin ngài an cho". Tổ Ðạt-mạ cười và dạy rằng: "Ðem tâm ông ra đây ta an cho".

- Bạch, con tìm mãi không thấy tâm ở đâu cả.

- Vậy là ta đã an tâm cho ông rồi đó. ("Vô Môn Quan", Huệ Khai soạn).

Nghe xong Tổ Huệ Khả bừng ngộ.

Ở đây, hẳn bạn thấy rõ trạng thái tâm lý là bất an là không có thật, cái gọi là tâm của Huệ Khả cũng không thật có, thì làm sao thật có cái gọi là "tâm con bất an" của Huệ Khả?

Cảm giác bất an và cảm giác mình bất an là kết quả của mê mờ, chấp thủ. Ai thấy được điều này có thể bừng tỉnh như Nhị Tổ, nếu tâm thức đã sẵn sàng với một căn bản định và tuệ.

* Về tưởng uẩn: tưởng nương vào sắc, thọ, hành, thức mà có. Tưởng do nhân duyên sinh nên vô ngã, vô thường. Vì vô thường, tưởng đem lại khổ đau. Nói đến tưởng là nói đến đối tượng của tưởng, tưởng về cái gì. Cái gì ấy là sắc pháp, cái sắc do tứ đại sanh (ý tưởng, tư tưởng được gồm về đây), và những cảm thọ ... Sắc và thọ uẩn ... đã là không thật, thì tưởng uẩn không thể có chân đứng. Tưởng vốn không có tự ngã, vốn vô thường và đem lại khổ đau nên tưởng không thể là ta. Ta vốn độc lập ở ngoài tưởng uẩn, ở ngoài các đối tượng sinh khởi tư tưởng.

Trưởng Lão Ni Kệ ghi lại câu chuyện nàng Sihà, con gái của một võ tướng, một cô gái giản dị thông thường. Một hôm nghe bậc đạo sư thuyết pháp, nàng trở thành một tín nữ, rồi xuất gia không bao lâu sau đó. Bảy năm đầu tu tập Thiền quán, lòng nàng cứ nghĩ đến các cảnh trời đẹp ý, mộng và thơ, nên tâm tư bị dày vò khổ sở, thân thể bị hao mòn. Nàng sầu muộn không biết cách nào thoát khỏi trói buộc của các dục tưởng này. Sau cùng nàng quyết định tự vẩn. Khi sợi dây thòng lọng vừa đưa vào cổ thì nỗ lực Thiền quán trong bảy năm qua của nàng đánh thức nàng bừng tỉnh nhận ra rằng nàng phải đoạn diệt dục tưởng chứ không phải là đoạn diệt thân sắc của nàng, cái cổ xinh đẹp của nàng không phải là cái cổ dục tưởng. Buông thả chiếc thòng lọng, nàng liền ngưng tâm, Thiền quán ngay tại chỗ, đánh tan được chút mê mờ chấp ngã mà nàng còn vướng mắc, chút mê mờ đã che khuất đôi mắt đẹp của nàng và che khuất cả trời đất vô ngã. Nàng thấy thật rõ dục tưởng cũng vô ngã, không phải là nàng, không phải là của nàng, và không phải là tự ngã của nàng. Nàng liền chứng quả A-la-hán (Therìgatha, Trưởng Lão Ni Kệ, 43).

* Về hành uẩn: Hành uẩn có mặt là do sự có mặt của tập hợp sắc, thọ, tưởng và thức uẩn. Hành do duyên sinh nên vô ngã và vô thường, hành đem lại khổ đau.

Hành là các biểu hiện tâm lý tham, sân, si đối với năm uẩn (con người và thế giới). Sắc thọ, tưởng đã không thật thì hành cũng không thật có. Thiện, ác là thuộc hành uẩn, nên thiện, ác vốn là đối đãi, không thật. Thật phi lý, nếu nhận hành là ta, là của ta, hay là bản ngã của ta. Do lẽ này, ta vốn mãi độc lập với hành uẩn.

Trưỡng Lão Tăng Kệ, số 65, thuật chuyện Tỷ-kheo Sora Kili Misa sinh trưởng từ một gia đình của một hội viên hội đồng thành phố, bị trói buộc bởi thân hành và ý hành nên không thể định tâm để phát triển Thiền quán. Tỷ-kheo Sona nổ lực để vượt qua mà vẫn không thành tựu, bèn quyết định hoàn tục để tu phước (bố thí, cúng dường ) - nghĩa là nuôi dưỡng các hành tâm sở. Thế Tôn thấy rõ tâm tư Sona và dạy Sona tu Thiền chỉ. Không bao lâu sau, Tỷ-kheo phát triển được Thiền định và chứng đắc A-la-hán.

Ði vào Thiền định là đi ra khỏi trói buộc của ý hành. Ðiều này chứng tỏ hành uẩn không phải là ta, là của ta hay tự ngã của ta.

* Về thức uẩn : Thức có mặt là do có thọ, tưởng, hành và sắc uẩn. Theo 12 chi phần nhân duyên thì do có hành mà có thức. Khi hành đã không thật thì thức cũng không thật.

Thức lại nương vào căn và trần mà xuất hiện. Căn và trần đã là huyễn sinh thì thức cũng là huyễn hữu (không thật có). Do đó, thức không phải là ta, là của ta hay là bản ngã của ta. Nhận thức như vậy hành giả có thể rời xa cả hữu ái và vô hữu ái .

Kinh Sáu Xứ (Trung Bộ Kinh III, tr. 351,352, bản dịch của HT. Minh Châu) ghi lời giảng của Thế Tôn cho 60 vị Tỷ-kheo rằng :

" ... Này các Tỷ-kheo, do duyên mắt và các sắc khởi lên nhãn thức - Tương tự, khởi lên nhỉ, tỷ, thiệt, thân và ý thức. Sự gặp gỡ của căn, trần và thức là xúc. Do duyên xúc khởi lên các lạc thọ, khổ thọ, bất khổ, bất lạc thọ... Này các Tỷ-kheo, vị ấy do đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, xả sân tùy miên đối với khổ thọ, nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt khổ đau".

Ðược nghe Thế Tôn giảng dạy như vậy, tất cả 60 vị Tỷ-kheo ấy đều rời khỏi chấp thủ, giải thoát hết lậu hoặc. Ðây là sự tự giải phóng ra khỏi thức uẩn.

Bạn nên thực tập nhiều lần Thiền quán với Năm uẩn như vừa được trình bày. Về sau, tùy theo căn cơ của bạn, nếu tâm lý bạn bị vướng mắc nặng vào uẩn nào(sắc hay thọ...) thì Thiền quán ngay uẩn đó.

Nếu cảnh sống nào hằng ngày gây một ấn tượng sâu sắc về vô thường, khổ đau trong lòng bạn, thì bạn hãy để tâm ngay trên cảnh sống ấy mà Thiền quán sâu xa, thật sâu xa, kết quả ly tham ái và ly chấp thủ sẽ được gặt hái nhiều hơn.

Kinh điển Phật giáo, đặc biệt là Trưỡng Lão Tăng Kệ và Trưỡng Lão Ni Kệ, ghi lại rất nhiều trường hợp các tu sĩ chứng đắc Thánh quả nhờ thấy rõ lẽ vô thường.

Chuyện kể (Kinh Bổn Sanh) trường hợp một đệ tử nhỏ tuổi của Tôn giả Xá-lợi-phất không thích ứng với pháp quán bất tịnh, đã được Thế Tôn cho phép ngắm nhìn một đóa hoa thật đẹp nở trên một hồ nước thật xinh, thật thơ mộng. Khi sự chú ý của người đệ tử này dán chặt vào đóa hoa thì Thế Tôn vận thần thông cho đóa sen hóa hiện kia héo rụng liền. Thấy từng cánh hoa bỗng nhiên héo úa và rơi rụng, người đệ tử trẻ tuổi bừng tỉnh lẽ vô thường, lòng ly tham hoàn toàn mà chứng đắc A-la-hán quả.

Bạn có thể thực tập pháp Thiền quán này vào các buổi chiều tàn trong một vườn hoa (gần một bồn hoa), hay vào những chiều lá đổ, bạn sẽ thấy các tâm lý ly tham, ly thủ, khinh an và xả xuất hiện, lòng bạn sẽ lắng tỉnh hơn và niềm tin vào " mục tiêu" và " con đường" sẽ tăng trưởng mạnh.

Khi mà tham dục và chấp thủ được buông xả, thì định và tuệ tự đến (hay tự chiếu). Ðịnh ấy chẳng là gì khác hơn là trạng thái tâm lý động viên Sự ra đi của các tâm lý vọng đọng chính là sự trở về của định và tuệ.

Nỗ lực đầu tiên của bạn khi thực sự đi vào công phu Thiền định, là dịp bỏ các trạng thái tâm lý mệt mỏi, thụ động, buồn nản (hôn trầm), các trạng thái tâm lý tán loạn, lăn xăn, ồn ào (trạo cử), các tính nóng nảy, vội vả (sân), các ham muốn sắc, thinh, hương, vị và xúc chạm êm ả (dục), và các mối hoài nghi, do dự về "mục tiêu" và "con đường" .

Sau bước nổ lực đó, bạn tu tập mạnh về chánh niệm, tỉnh giác, vận dụng Thiền quán về vô thường, vô ngã và khổ đau, bạn sẽ có kinh nghiệm đi sâu vào định tuệ.

Phần thực tập đi vào định và tuệ là phần thực tập trực tiếp điều hòa tâm.

 

B. Ðiều Hòa Tâm

Ðiều hòa tâm là giai đoạn tu tập trọng tâm của Thiền định. Mở đầu là bước loại trừ Năm triền cái, tu tập chánh niệm tỉnh giác nhiếp phục tham, ưu ở đời. Tiếp theo là bước tu tập Thiền chỉ và Thiền quán.

Hai chứng bịnh (trở ngại) thường gặp phải trong thời gian tu tập Thiền định là trạo cử và hôn trầm, thụy miên. Hành Thiền, nếu bạn không giữ được chánh niệm, tỉnh giác thì bạn sẽ rơi vào một trong ba trạng thái tâm lý: trạo cử, hôn trầm và vô ký.

Ðối trị Trạo cử

Nếu bạn không thể dừng tâm vào một đối tượng đã chọn như ý bạn muốn, tâm cứ chạy dài từ đối tượng này qua đối tượng khác, thì đấy là trạng thái tâm lý dao động, hay gọi là trạo cử.

Trạo cử là một tâm lý, gây trở ngại, ngăn cách bạn với Thiền định. Bạn cần nổ lực vượt qua trạng thái tâm lý này.

Khi vừa nhận ra mình đang trạo cử, bạn liền dừng suy tư, để sự chú ý theo dõi hơi thở vào ra một cách chuyên chú cho đến khi bạn cảm thấy vừa ổn. Ổn định xong trạo cử, bạn có thể tiếp tục theo dõi hơi thở, Thiền chỉ hay trở ngại tư duy nếu bạn thấy cần.

Với những ai bị dao động nhiều bởi tư duy lúng túng của mình, thì chỉ nên theo dõi hơi thở hay hành Thiền chỉ trong một thời gian khá lâu trước khi có thể đi vào Thiền quán, hay chỉ quán song tu.

Có những cấp độ trạo cử thô và tế khác nhau bạn cần nhận rõ để vận dụng các công phu thích ứng.

Khi bạn chưa được vào Sơ thiền, có nghĩa là bạn còn vướng mắc vào Năm triền cái, trong đó có trạo cử. Trạng thái trạo cử ở trên là thuộc cấp độ thô gọi là trạo cử của kẻ phàm phu chưa vào định.

Khi bạn đã vào định, những lo nghĩ, ưu tư của bạn khởi lên tìm cách để đi ra khỏi các kiết sử (thân, kiến, nghi, giới cấm thủ, dục, sân, hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo cử, vô minh) là hình thức trạo cử, nhất là những khi bạn không nhận ra chỗ vướng mắc của mình để gỡ. Nhưng trạo cử ở đây ở cấp độ tế nhị hơn ở cấp độ trước.

Khi hành giả chứng được quả Thánh hữu học (từ Tu-đà-hoàn đến A-na-hàm), nghĩa là còn vướng mắc vào Năm thượng phần kiết sử (hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo cử và vô minh), nếu hành giả thao thức tìm lối thoát khỏi trói buộc của các kiết sử đó do vì không nhận ra chỗ vướng mắc của mình, thì đấy là trạng thái trạo cử tế nhị nhất. Cho đến khi đắc A-la-hán, trạng thái tâm lý trạo cử mới hoàn toàn bị loại trừ .

Trạng thái tâm lý trạo cử nào cũng chướng đạo, cũng ngăn che giải thoát cả, hành giả cần nhiếp tâm chánh niệm, tỉnh giác để đi ra.

Theo dõi chuyên chú hơi thở vào ra, hành Thiền chỉ và chánh niệm tỉnh giác là biện pháp đối trị trạo cử một cách hữu hiệu.

Ðối Trị Hôn Trầm

Trạng thái tâm lý mệt mỏi, uể oải, lười biếng, buồn ngủ khi ngồi Thiền gọi là trạng thái hôn trầm thụy miên (có khi ngủ hẳn một lát ).

Khi bạn theo dõi một đối tượng trong khoảng thời gian khá lâu, sự theo dõi của bạn có thể lơi dần, yếu dần, rồi mất dần luôn sự kiểm soát. Bấy giờ, tâm lý của bạn chìm vào hôn trầm. Trạng thái tâm lý này sẽ ngăn trở bước tiến thực hành Thiền định của bạn. Bạn luôn luôn cần nỗ lực đi ra khỏi hôn trầm.

Khi biết mình đang bị hôn trầm, bạn liền thức tỉnh tìm cách đi ra. Bạn có thể để sự chú ý ngay trên đỉnh đầu một lát cho đủ tỉnh táo, rồi bạn tự trách mình ngay, khởi niệm nổ lực ngay, trở về theo dõi chuyên sâu vào hơi thở vào ra. Phương thức đối trị hôn trầm hữu hiệu là bạn đi vào tư duy liền. Nghĩ ngay hôn trầm là tai hại lớn cho công phu thực tập Thiền định, rồi khởi lên Thiền quán đối tượng mà bạn thích. Bạn có thể Thiền quán lâu như bạn có thể.

Một số phương thức đối trị hôn trầm sau đây mà Thế Tôn đã dạy cho Tôn Giả Mục-kiền-liên (Tăng Chi 3A, tr 85-86, bản dịch của HT. Minh Châu, 1981) tám ngày trước khi Tôn Giả đắc A-la-hán, bạn có thể vận dụng:

1. Khi bạn đang ở tưởng nào mà thụy miên kéo đến thì bạn rời khỏi tưởng ấy, đừng tác ý đến tưởng ấy, thụy miên sẽ tan đi.

2. Nếu rời khỏi tưởng ấy mà thụy miên vẫn còn, thì bạn tư duy các giáo lý mà bạn vẫn nghe, đã học thuộc. Thụy miên sẽ bị loại trừ.

3. Nếu tư duy như thế mà thụy miên vẫn không tan, thì bạn đọc tụng Pháp như đã nghe, đã học thuộc. Thụy miên sẽ bị loại trừ.

4. Nếu thực hiện như vậy mà thụy miên vẫn chưa tiêu, thì bạn sẽ kéo mạnh hai lỗ tai và lấy hai tay xoa bóp tay, chân cho tỉnh.

5. Nếu làm như thế mà thụy miên vẫn tồn tại, thì bạn sẽ rời khỏi chỗ ngồi Thiền, ra ngoài lấy nước mát rửa mặt, nhìn về phía phương trời xa xăm sáng sủa, hay nhìn lên các vì sao (nếu về đêm), thụy miên sẽ tan mất.

6. Nhưng nếu các biện pháp trên không có kết quả, thì bạn hãy tác ý tưởng đến ánh sáng, tưởng ban ngày. Như thế, với tâm mở rộng, không hạn chế, tu tập tâm chói sáng, sẽ là tiêu tan hôn trầm.

7. Nếu tưởng ánh sáng ... không có kết quả, thì bạn hãy đi kinh hành, tác tưởng trước mặt và sau lưng, để tâm hướng nội, thụy miên sẽ bị loại trừ.

8. Nếu các biện pháp đối trị khi ngồi, khi đứng, khi đi không có kiến hiệu, thì bạn hãy nằm theo dáng nằm của sư tử, nghiêng về hông phải, đôi chân gác lên nhau, giữ chánh niệm các tưởng thức dậy thật mau, không khởi niệm ham thích nằm ngủ, các tưởng như vậy nhiều lần, thụy miên sẽ đi đến tiêu tán.

Khi bạn đang theo dõi một đối tượng, bỗng bạn lững quên đi một chốc, đánh mất sự kiểm soát, không biết bạn đang làm gì, bây giờ là lúc bạn bị rơi vào hôn trầm nhẹ. Chỉ cần giác tỉnh thì bạn liền đi ra khỏi hôn trầm ấy ngay.

Ðối Trị Vô Ký

Ngoài hai trạng thái tâm lý trạo cử và hôn trầm kể trên, có một trạng thái tâm lý không phải là tỉnh giác, không phải trạo cử, cũng không phải là hôn trầm mà chỉ hơi ngã về hôn trầm gọi là trạng thái vô ký. Ðấy là trạng thái tâm lý khờ khờ mà bạn có thể ngỡ là bạn đang tỉnh táo (không hôn trầm, không trạo cử). Bạn cần tỉnh giác đánh thức mình đi ra khỏi trạng thái ấy ngay, đừng lầm lẫn nó với trạng thái tâm lý lắng đứng, an tỉnh.

Vô ký là biểu hiện của si tâm, tướng biểu hiện bên ngoài của hành giả là tướng "lặng chết" hay tướng lắc lư như đồng bóng. Chỉ cần tỉnh giác theo dõi hơi thở vào ra thì tâm lý vô ký lặn mất ngay.

Thông thường, pháp thực hành của bạn là Thiền chỉ hoặc Thiền quán. Khi bạn hành Thiền chỉ lâu, thì dễ bị rơi vào hôn trầm; khi bạn hành Thiền quán lâu, thì dễ bị rơi vào trạo cử. Do đó bạn cần tỉnh giác vận dụng chỉ, quán vừa đủ trong giai đoạn tu tập từ Năm triền cái, thế nào để loại trừ trạo cử và hôn trầm. Nếu bạn vận dụng chỉ quán song tu đúng mức thì đó là vận dụng tu tập thiện xảo, bạn có niềm tin đi vào Thiền định chóng. Nguyên tắc tổng quát để hành chỉ quán tốt là đề khởi quán khi tâm lý thụ động, và chỉ để khởi khi tâm lý năng động. Nếu bạn thực tập đi ngược với nguyên tắc đó thì chỉ dần đến kết quảlung túng trong trạo cử và hôn trầm.

Ðể đi nhanh vào định, song song với việc đối trị trạo cử, hôn trầm, bạn còn cần đối trị với dục, sân và nghi triền cái.

Ðối Trị Dục Triền Cái

Dục đề cập ở đây được giới hạn trong những ham muốn ngũ dục lạc: sắc, thanh, hương, vị và xúc.

Sơ Thiền được định nghĩa là "ly dục, ly ác pháp bất thiện pháp". Ðối tượng trở lại nhất trong việc vào Sơ thiền là dục. Ðể đoạn trừ lòng dục về dục giới, bạn cần thường xuyên thực hiện ba việc tu tập, đào thải hôn trầm và trạo cử.

1. Thường quán vô ngã, vô thường và khổ đau hay là quán khía cạnh nguy hiểm của các pháp. Nhờ thấy rõ chân tướng vô thường và khổ đau mà hành giả tỉnh cơn mê đắm dục lạc.

2. Quán trực tiếp hậu quả tai hại, nguy hiểm của lòng ham muốn sắc, thanh, hương, vị và xúc, và nhìn thẳng vào khía cạnh bất tịnh của chúng. Nhờ thấy rõ khía cạnh nguy hiểm và bất tịnh mà bạn tỉnh mộng đắm say, đi ra khỏi các trói buộc của chúng.

3. Nghĩ đến hạnh phúc, an lạc của Thiền định và sự cần thiết của một căn bản Thiền định để đi sâu vào tuệ, giải quyết vấn đề khổ đau của sinh tử mù mịt. Niềm phấn khởi hân hoan đi vào Thiền định của bạn sẽ dễ dàng buông thả dục lạc rơi lại đằng sau.

Bạn trầm tư nhiều lần, cho đến lúc tâm bạn tự tách rời khỏi dục lạc như một ngọn lá vàng buông mình lìa khỏi cành. Hân hoan, hỉ lạc và niềm tin Thiền định sẽ đến với bạn vào thời điểm cánh lá vàng dục lạc ấy buông rơi.

Ðối Trị Sân Triền Cái

Sân là tâm lý vội vã, nôn nóng, nóng giận và ghét bỏ. Sân hận đối lập với từ bi như tâm lý học A-tỳ-đàm (Abhidhamma) xác định: "sân", từ Pàli gọi là dosa, và "từ bi" trong từ Pàli gọi là adosa.

Ðối trị với tâm lý sân, bạn cũng có các phương cách tu tập:

1. Khởi niệm từ bi, hay gọi là quán từ bi, thì sân sẽ lắng dịu.

2. Nhìn thật kỹ thân phận khổ đau của con người thì lòng từ sẽ khởi lên và lòng sân sẽ chìm lằng xuống.

3. Quán khía cạnh nguy hiểm của sân: những hậu quả tai hại do sân đem lại trong hiện tại và tương lai.

Người ta thường bảo một đốm lửa sân có thể thiêu hủy các rừng công đức. Nhờ vậy để tự cảnh giác. Sân hận luôn luôn đầu độc tâm lý gây đỗ vỡ làm xấu nhan sắc, giảm ngắn tuổi thọ và ít nhiều gây rối loạn tiêu hóa.

Suy nghĩ như vậy, bạn có dịp thức tỉnh đi ra khỏi sân.

Ðối Trị Với Nghi Triền Cái

Nghi, đó là nội dung của sự không nhận ra " mục tiêu" và" con đường" của Thiền định. Chương I của cuốn sách nhỏ này có thể giúp bạn một phần trong việc cởi bỏ lòng nghi ấy.

Nghi sẽ ngăn cản bạn đi vào sự tập trung tư tưởng. Cho đến khi bạn học pháp, nghe pháp và có chánh kiến về pháp thì bạn mới thoát khỏi lưới nghi. Cho đến khi ấy, bạn mới vận dụng hữu hiệu nỗ lực tu tập của bạn để loại trừ cái triền cái và các ảo giác, vọng tưởng.

 

C. Ðối Trị Các ảo Giác Vọng Tưởng Trong Và Sau Khi Ngồi Thiền:

Ðối tượng của tu Thiền là loại bỏ Năm triền cái sau bước điều hòa thân và điều hòa hơi thở. Tiến bộ đáng được ghi nhận và việc thực hành Thiền định qua quá trình đoạn trừ Năm triền cái ấy. Tất cả công phu là ở đó. Bạn đừng bày vẻ thêm gì nữa.

Ở giai đoạn đầu thực hiện, một số hành giả, do hành Tứ Niệm Xứ hay Niệm hơi thở vào hơi thở ra chưa nghiêm túc, có thể rơi vào một giấc ảo giác, vọng tưởng. Chẳng hạn, ảo giác nghe có kiến bò trên mình, mặt, nghe ngứa, cảm giác ngồi nghiêng lệch v.v ... là do chưa điều hòa tốt thân và hơi thở. Nghe lâng lâng, tưởng chừng mình có thể bay liệng là do hai đầu gối chưa để sát sàn ngồi (bị hỏng). Có khi trong trạng thái tâm lý mê mê hay vô ký rồi ý khỏi tưởng ra nhiều hình ảnh, màu sắc mà ngở là kết quả của tu tập hay lo sợ về chúng v.v...

Bạn cần ổn định dứt khoát rằng pháp Niệm hơi thở vào hơi thở ra tự nó đã là pháp đối trị với các thứ vọng động, loan tưởng, bạn đừng chờ đợi một biện pháp đối trị nào khác cho các vọng tưởng, loạn động khác hơn là chính việc nghiêm chỉnh hành Niệm hơi thở vào và hơi thở ra đó. Pháp tu ấy dẫn đến định, có nghĩa là đi ra khỏi mọi thứ loạn động, loạn tưởng thì Thế Tôn đã dạy thêm cho chúng ta các pháp đối trị khác. Thấy rõ "mục tiêu" và "con đường" của Thiền định là ổn định rằng "Tứ Niệm Xứ là con đường độc nhất đưa đến giải thoát", có khả năng để đầy lùi các vọng động và loạn tưởng.

Có người hành Thiền băn khoăn không biết mình có thể tự biết mình đang ở đâu trên con đường Thiền định, mình đang ở Sơ Thiền, Nhị Thiền chăng ? v.v... Nhất là khi ngồi Thiền thấy hân hoan, và sau khi ngồi Thiền trong đêm có các giấc mộng lành. Bạn đừng băn khoăn điều đó. Chừng nào mà tâm lý của bạn có mặt tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm thay chỗ cho Năm triền cái, thì bạn nhận ra ngay bạn đang ở Sơ Thiền và v.v...

Cái điều duy nhất đúng mà bạn phải thấy khi ngồi Thiền là thấy rõ sự vào ra của hơi thở, sự khởi diệt của các cảm thọ và các tâm lý. Thấy rõ mà vẫn giữ niệm giác tỉnh đi ra khỏi các tham ưu ở đời.

Ðể hổ trợ cho các công việc đối trị các triền cái và các loạn tưởng, bạn có thể và chỉ nên thực hiện thêm pháp Sám hối và Bố thí. Hai pháp này sẽ làm tăng trưởng thiện tâm và xả bỏ các tham ái, sân hận và các mặc cảm tội lỗi gây dao động tâm lý bạn.

Khi bạn đã ý thức và đã chọn con đường thực hiện Thiền định được trình bày ở trên, bạn hãy trung thành với nó. Bạn đừng ngóng vọng một ngõ đường tu tập nào khác, đừng để mình rơi vào cảnh "đứng núi này trông núi nọ", bởi vì đó là cảnh nuôi dưỡng trạo cử và nghi triền cái đi ngược với mục tiêu ban đầu của bạn.

-oOo-

Chương trước | Mục lục | Chương kế


[Trở về trang Thư Mục]

update:30-10-2000