BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Phật giáo Nguyên thủy
PHÁP TRÍCH LỤC - 2
Huỳnh
Văn Niệm soạn dịch
Phật Bảo Tự tái bản
Pagode Buddharatanarama
3, Rue Broca
91600 Savigny Sur Orge - France
Tel: 01 69 96 49 34
Tập III
-ooOoo-
Ông hoàng
Mahãnãma chưa dứt trừ được phiền-não
Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn
đang ngự tại vườn cây sung, trong lãnh-thổ của dòng Thích-Ca, gần kinh-đô
Kapila-vatthu (Ca Tỳ La Vệ). Hoàng-Tử Mahãnãma tìm đến nơi, cung-kính đảnh lễ,
ngồi kế bên Ngài và hỏi: "Bạch Ðức Thế Tôn, trước đây tôi có nghe và hiểu
biết giáo-lý của Ngài thuyết ra như vầy: "Sự tham-lam làm cho tâm-trí nhơ
bẩn. Sự sân-hận làm cho tâm-trí nhơ bẩn. Sự si-mê làm cho tâm-trí nhơ
bẩn". Và tôi đã quan-niệm giáo pháp đúng như thế. Nhưng chẳng biết tại sao
một đôi khi những ý nghĩ tham-lam xâm-chiếm tâm-trí tôi. Những tư-tưởng
sân-hận, si-mê lại xâm-chiếm tâm-trí và khuấy rối tôi".
"Bạch Ðức Thế Tôn, vậy
chớ còn cái chi ở trong người tôi khiến cho phiền-não Tham-Sân-Si một đôi khi
xâm-chiếm, khuấy rầy tâm-trí tôi như vậy?"
Ðức Phật đáp: "Này
Mahãnãma, vì ngươi chưa chịu dứt bỏ "cái chi" đó nên các trạng-thái
Tham-Sân-Si mới vài khi có cơ-hội xâm-chiếm tâm-trí. Chắc như vậy, Mahãnãma,
nếu "cái chi" đó bị dập tắt và không tồn-tại, thì ngươi đâu còn
bận-bịu với gia-đình? Ở trong gia-đình, ngươi tìm được nhiều thú vui để
thỏa-mãn lòng tham-dục. Vì lẽ "cái chi" đó chẳng bị sa-thải, nên
ngươi mới thích sống trong gia-đình để tìm các thú vui, hầu thỏa-mãn lòng
tham-dục".
"Này Mahãnãma, sự tham
muốn (ngũ-trần) nào có mùi vị gì? Chúng chỉ làm cho đảo-điên, thất-vọng, mà
thôi. Tham muốn sắc trần là nỗi khốn-cùng tột độ. Nếu người giới-tử cao-quý
biết nhận-định đúng theo chân-lý lòng tham-dục là xấu-xa, nhưng chẳng chịu dứt
bỏ cái tâm tìm kiếm thú vui trong sắc trần, thì người không tìm đâu ra
hạnh-phúc và trở nên cao-thượng".
"Này Mahãnãma, còn
người giới-tử cao-quý biết dùng trí huệ tuyệt-vời để quán xét cho thấy rõ-rệt
những điều đó, biết rõ sự khao-khát vô bờ bến của lòng tham muốn, biết rõ những
nỗi điên-đảo khốn-cùng của sắc trần xấu-xa, tội-lỗi, và biết rõ mình chỉ được
hạnh-phúc an vui, được trở nên cao-thượng khi nào biết tránh xa sự tìm kiếm
những thú vui theo ngũ-dục".
"Này Mahãnãma, về phần
Như Lai, lúc chưa giác-ngộ, khi chưa đắc đạo quả Chánh Ðẳng Chánh Giác, khi còn
chiến-đấu để thành-đạt Tuệ Giác, Ta cũng nhận thấy những nỗi khốn-quẩn của tâm
tham muốn. Nhưng ngoài các thú vui trần-tục xấu-xa, tội-lỗi, Ta chẳng tìm đâu
được an vui, hạnh-phúc. Ta vẫn không tìm cách lánh xa và cố đeo đuổi theo
chúng. Ðến khi thành-đạt trí huệ cùng tột, Ta mới thấu rõ bản-chất thực-tế của
lòng tham-dục như hiện nay và biết rằng chỉ sống ngoài tham-dục mới tìm được an
vui, hạnh-phúc, mới trở nên cao-thượng. Rồi Ta cố-gắng tránh xa, chẳng tìm
những thú vui trần-tục nữa".
"Này Mahãnãma, các thú
vui của tâm tham-dục chỉ là những trạng-thái do giác-quan tiếp nhận. Sự
thỏa-thích, toại lòng, đều do chúng đưa vào. Những nỗi thống-khổ của lòng
tham-dục là muốn vật chi không được. Hoặc giả được rồi nó lại mất đi vì bị lửa
thiêu cháy, bị nạn lụt hay những tên trộm mang đi".
"Nỗi khỗ đau của tâm
tham-dục là thế này: "Nó khiến gây ra chiến-tranh giữa những người này và
người khác, làm phát-sinh thương tật, chết chóc, gây thiệt-hại cho kẻ
láng-giềng, rồi phải đau đớn vì bị hành-phạt, tra-tấn, trảm-quyết". Niềm
thống-khổ của lòng tham-dục là như thế đó".
"Này Mahãnãma, một
thuở nọ, Như Lai đang ngự trên chót núi Kỳ Xà Quật (Núi kên kên). Cùng lúc đó,
tại quả núi Hắc Sơn, phía bên đồi của các đạo-sĩ, có rất nhiều người lõa thể tu
khổ-hạnh thuộc phái "Ðứng", không khi nào ngồi hay nằm. Vì đó, họ
phải chịu biết bao thống-khổ nhọc-nhằn".
Một buổi trưa, sau khi xuất
định như thường-lệ, Như Lai đứng dậy, cất bước dạo sang phía những người tu lõa
thể và hỏi: "Hỡi các bạn! Tại sao các người lại sống lõa-lồ, đứng hoài,
không chịu ngồi ghế, không chịu nằm trên giường? Làm vậy các người ắt bị đau
khổ hao-mòn biết mấy?"
Nhóm lõa thể trả lời:
"Này ông bạn[1], thầy của chúng tôi, là giáo-chủ
Nãthaputta, rất thông-minh trí huệ, hiểu thấy tất cả. Ông quả-quyết đã
thành-đạt Tuệ-Giác và tuyên-bố như vầy: "Dù ở yên hay cử-động, ngủ hay
thức, Tâm Nhãn và Tuệ-Giác của ta không hề bị gián-đoạn". Thầy của chúng
tôi còn dạy: "Hỡi này các đạo-sĩ! Trước kia, các ngươi đã gây ra nghiệp
dữ. Vì vậy, hôm nay các ngươi phải kiên-trì khổ-hạnh, gánh chịu đau đớn
nhọc-nhằn, như thế để đền bù lại các tội-lỗi ngày xưa. Khi thân xác bị dày vò
như thế, thân khẩu ý bị hành-hạ kềm hãm như thế, khiến các ngươi khỏi trả quả
đớn đau về buổi tương-lai. Bằng đường lối khổ-hạnh, các ngươi đã hủy-diệt những
nghiệp cũ và chẳng gây ra nghiệp mới, không có hành-vi mới. Hành-vi mới chấm
dứt thì không tạo nghiệp. Nghiệp bị hủy-diệt thì nỗi thống-khổ cũng tiêu tan.
Không khổ thì cảm-giác chẳng còn. Cảm-giác không còn thì muôn ngàn khổ-não sẽ
hao-mòn, khô cạn". Ðó là những điều tuyệt-hảo của chúng ta. Chúng ta nên
hoan-hỉ tự-hào với kiến-thức ấy".
"Này Mahãnãma, chừng
đó Như Lai nói với các người lõa thể: "Hỡi các ông bạn lõa thể! Vậy các
người có biết rõ kiếp trước mình đã có sanh ra làm người không? Có khi nào các người
nghĩ rằng kiếp trước mình chẳng được sanh ra làm người chăng?"
- "Này ông bạn, chúng
tôi không biết".
- "Các người có biết
kiếp trước mình có gây ra nghiệp dữ hay đã lánh xa tội-lỗi không?"
- "Chúng tôi không
được biết".
- "Các người có biết
rõ trong kiếp trước mình đã gây ra điều xấu-xa, tội-lỗi, như thế nào
không?"
- "Chúng tôi không
biết".
- "Các người có biết
với những khổ đau quá-khứ, những khổ đau được tồn-trữ, cộng thêm với những
khổ-não hiện nay, mình có thể diệt tận nguồn thống-khổ không?"
- "Chúng tôi không
được biết".
- "Các người có thể
nghĩ rằng làm như vậy trong kiếp hiện-tại, thì những điều xấu-xa tội-lỗi chấm
dứt và sẽ đạt được mục-đích tốt lành cao-thượng không?"
- "Chúng tôi không
được biết".
- "Hỡi này các ông bạn
lõa thể! Các người đã công-nhận rằng không biết kiếp trước mình đã được sanh
làm người hay không? Chẳng biết kiếp trước mình đã có gây ra nghiệp lành hay
nghiệp dữ? Không biết hành-vi mình khi đó là thế nào? Không biết với nghiệp
quá-khứ và nghiệp tồn-trữ đã gây khổ đau, cộng với cách hành thân hoại thể hiện
nay, có thể diệt-tận nguồn thống-khổ không? Các người cũng không biết phải
chăng trong kiếp hiện-tại các việc xấu-xa, tội-lỗi, đều chấm dứt và mục-đích
cao-thượng đã thành-đạt? Như thế các đạo-sĩ lõa thể không khác gì những hạng
người bị sanh vào cảnh giới khốn-cùng, bàn tay đẩm máu vì đã gây ra nhiều
nghiệp dữ".
- "Hỡi thầy Gotama!
Hạnh-phúc không sao thành-dạt được bằng sự an vui, no đủ. Thật ra, chỉ nhờ
đường lối khổ-hạnh, con người mới mong thoát khổ. Nếu sự sung-túc, đầy đủ đem
lại hạnh-phúc, thì hẳn đức vua Senya Bimbisara (Bình Sa Vương) là hoàn-toàn
hạnh-phúc. Vì nhà vua sống cuộc đời vàng son phong-phú hơn thầy Gotama rất
nhiều".
- "Các ông đạo-sĩ nói
hơi vội-vã chẳng kịp nghĩ suy kỹ-lưỡng. Như Lai xin hỏi: "Vậy chớ giữa hai
nhân-vật cao-quý, Ta và đức vua Bimbisara, ai là người có hạnh-phúc nhiều
hơn".
- "Này thầy Gotama
đáng kính, thật quả vậy, chúng tôi đã vội-vàng hấp-tấp, thiếu suy-nghĩ khi nói
rằng hạnh-phúc không sao thành-đạt được bằng sự an vui, no đủ. Chỉ nhờ đường
lối khổ-hạnh, con người mới mong thoát khổ. Nếu sự sung-túc, đầy đủ, mang lại
hạnh-phúc thì đức vua Senya Bimbisara hẳn là hoàn-toàn hạnh-phúc. Vì nhà vua
sống cuộc đời vàng son, phong-phú, hơn thầy Gotama rất nhiều. Tuy-nhiên, nên để
chuyện đó qua một bên và chúng tôi xin hỏi lại: "Vậy chớ giữa hai nhân-vật
cao-quý đó, đức vua Bimbisara và thầy Gotama đáng kính, ai là người sống cuộc
đời hạnh-phúc hơn?"
- "Tới phiên Như Lai
xin hỏi lại, các người nên trả lời cách nào cho thỏa-đáng: Vậy các ông nghĩ
sao? Ðức vua Magadha là Senya Bimbisara có thế nào ở yên không cử-động, hoặc
im-lặng chẳng thốt một lời, trong thời-gian bảy ngày, bảy đêm, mà vẫn hạnh-phúc
chăng?"
- "Này ông bạn, không
sao thế được".
- "Còn Như Lai thì có
thể giữ thân hình yên-tĩnh, không cử-động, chẳng thốt một lời trong thời-gian
một ngày và một đêm, nhưng vẫn hoàn-toàn an vui, hạnh-phúc. Không những vậy
thôi, Như Lai có thể ở yên, trầm-lặng chẳng thốt một lời suốt hai, ba, bốn,
năm, sáu, hay bảy ngày bảy đêm, nhưng vẫn được hạnh-phúc hoàn-toàn. Như vậy các
ông nghĩ thế nào? Giữa đức vua Bimbisara xứ Magadha và Ta, ai hạnh-phúc
hơn?"
- "Thầy Gotama đáng
kính, nếu vậy thì Ngài hẳn được hạnh-phúc, an vui hơn vua xứ Magadha, là Senya
Bimbi-sara, rồi".
-- MAJJHIMA NIKAYA 14
Giây oan-trái
nên mở chớ không nên buộc
Lúc nọ, có xảy ra trong
nhóm tỳ-khưu nhiều sự cãi vã, tranh-chấp, đưa đến xung-đột với nhau bằng
võ-lực. Dân-chúng hay biết rất phiền-hà, bực-bội. Những tỳ-khưu không liên-can
còn biết phải quấy, đến thông-báo. Ðức Phật dạy: "Hỡi này các đệ-tử! Khi
tư-cách bất tuân giới luật, vô phẩm-hạnh và hận thù xâm-chiếm các ngươi, tốt
hơn các ngươi nên ngồi trên ghế cách xa nhau, mặc sức quơ tay múa chân, hoặc
đấu khẩu, nhưng chớ nên ấu-đả cùng nhau".
Nhưng lời khuyến hóa của
Ðức Thế Tôn chẳng có kết-quả. Một tỳ-khưu khác tới cho Ðức Phật hay: "Con
xin thành khẩn thỉnh Ðức Thế Tôn, vì lòng từ-bi, bác-ái, ngự đến xem qua và dạy
bảo".
Ðức Phật liền ngự đến giữa
nhóm tỳ-khưu đang xung-đột và nhắc lại chuyện hoàng-tử Dighavu, con vua Dighiti
xứ Kosala. Sau một cuộc chiến-tranh, vua Dighiti bị phản-bội, thua trận và vua
chiến-thắng Brahmadatta xứ Kasi bắt được vua Kosala cùng hoàng-hậu đem đi
hạ-ngục để chờ ngày hành-quyết.
"Hỡi này các tỳ-khưu!
Lúc đó hoàng-tử trẻ trung Dighavu phát tâm suy-nghĩ: "Ðã hèn lâu ta không
được đến thăm viếng mẹ cha. Vậy ta sẽ lên đường nội hôm nay". Rồi chàng
thanh-niên Dighavu đi vào thành Bénarès nhìn thấy vua cha và hoàng-hậu bi trói
ké bằng giây to, đầu cạo trọc và quân-lính dẫn đi xuyên qua các đường phố giữa
những tiếng trống vang rền. Thấy vậy, chàng bước đến gần cha mẹ. Vua Dighiti xứ
Kosala thấy con liền la lên: "Này Dighavu thân mến, con chớ nên để kéo
dài... Con chớ nên nóng-nảy, vội-vàng. Vì không thể lấy hận thù rửa được hận
thù. Chỉ có dứt bỏ hận thù thì mới dập tắt được hận thù".
"Hỡi các tỳ-khưu! Khi
nghe vậy, dân-chúng nghĩ rằng: "Có lẽ ông vua Dighiti xứ Kosala này điên
hay mê sảng? Chàng trai Dighavu chẳng liên-can gì cả, tại sao ông ta lại nói:
"Chớ để kéo dài... Chớ nóng-nảy, vội-vàng?" Vua Dighiti trả lời:
"Này các bạn, tôi không phải điên hay mê sảng gì cả. Kẻ nào thức-thời sẽ
hiểu được những lời tôi nói".
"Này các tỳ-khưu,
những tên lính, sau khi dắt vua Kosala và hoàng-hậu đi khắp nẻo đường trong
thành-phố rồi trở ra theo cửa hướng nam, chúng chặt đứt vua Kosala và hoàng-hậu
ra làm bốn khúc mang đi bỏ khắp bốn hướng ở ngoại thành, để lại người canh gác,
rồi rút lui".
"Khi ấy, chàng
thanh-niên Dighavu liền đem theo rượu mạnh đi vào thành Bénarès cho quân-lính
gác uống say mèm. Khi chúng say, té nằm la liệt dưới đất, Dighavu liền gom hài
cốt cha mẹ lại để lên giàn hỏa tế-lễ, chấp tay đi vòng quanh ba lần".
"Này các tỳ-khưu, xong
việc, chàng trai Dighavu liền đi vào rừng khóc than thảm-thiết rồi gạt lệ trở
lại thành Bénarès, đến các chuồng tượng gần đền vua nói với tên nài trưởng:
"Này ông, tôi rất mong học được nghề khiển voi".
- "Hỡi chàng
thanh-niên! Ðược lắm, chàng cứ vào đây mà học".
"Này các tỳ-khưu, lúc
trời vừa rựng sáng, hoàng-tử Dighavu từ trong chuồng voi, với giọng thâm-trầm
kỳ-diệu, cất lên tiếng hát du-dương và thỉnh-thoảng hòa cùng tiếng sáo mê-hồn
di-chuyển theo luồng gió ban mai thanh-khiết nhẹ nhàng. Ðức vua Brahmadatta xứ
Kasi thức giấc vào lúc đó, nghe được giọng ngâm, tiếng sáo hấp-dẫn lạ-thường,
liền phán hỏi quân hầu: "Vậy chớ kẻ nào từ sáng sớm ở trong chuồng voi,
thổi sáo và hát nghe êm tai, tuyệt-diệu như thế?"
- "Tâu Ðại Vương,
chính một chàng trai mới xin vào học nghề khiển voi cho ngài đó".
- "Vậy các ngươi hãy
dẫn nó lại đây cho trẫm xem".
- "Dạ xin vâng".
Khi Dighavu tới nơi, đức
vua hỏi: "Này chàng thanh-niên hiền-lành kia, có phải chính ngươi thổi sáo
và hát trong lúc trời rựng sáng đó không?"
- "Tâu Ðại Vương,
phải".
- "Vậy nhà ngươi hãy
thổi sáo và hát thêm cho trẫm nghe nữa xem?"
Hoàng-tử Dighavu vâng lời
và trổ hết tài ba để tìm ân-huệ và sự tin-cậy của nhà vua.
Vua Brahmadatta xứ Kasi
phán: "Này chàng trai hiền-lành kia, vậy ngươi hãy ở lại đây hầu
trẫm".
Chàng thanh-niên Dighavu
vâng lịnh và trở thành người hầu đáng tin cậy của vua.
Chàng thức dậy sớm hơn vua,
đi ngủ sau vua, vui lòng vâng dạ và hành-sự theo mạng-lịnh của ngài, có
tính-nết đều-hòa, nhu-thuận, lời nói dễ thương. Không lâu sau đó, chàng được
đức vua Brahmadatta tín-dụng, luôn-luôn sống cận bên ngài.
"Này các tỳ-khưu, ngày
nọ đức vua Brahmadatta xứ Kasi dạy: "Hỡi chàng trai thân mến! Ngươi hãy
sắp đặt một cỗ long xa để chúng ta đi săn bắn".
Thắng ngựa xong, Dighavu
đến tâu vua: "Tâu Ðại Vương, long xa đã sắp đặt xong, xin ngài
tùy-tiện".
"Hỡi này các tỳ-khưu!
Vua Brahmadatta xứ Kasi ngự lên xe và chàng Dighavu cầm cương ngựa tìm cách
tách khỏi quân-lính tùy-tùng phía sau, rồi rẽ qua ngõ khác. Sau khi vượt hết
một đoạn đường dài, nhà vua phán: "Này chàng trai thân mến, ngươi hãy dừng
xe lại cho trẫm nằm nghỉ mệt một chút".
Hoàng-tử Dighavu vâng lời
dừng xe lại, bước xuống đất rồi ngồi tréo hai cẳng. Ðức vua Brahmadatta nằm
xuống gối đầu trên bắp vế chàng rồi ngủ mê-man vì đi đường mệt-mỏi.
"Này các tỳ-khưu, lúc đó chàng thanh-niên Dighavu phát-sinh ý nghĩ: "Nhà vua Brahmadatta xứ Kasi này đã gây cho gia-đình ta muôn vàn đau khổ. Do ông mà chúng ta mất hết quân-lính, chiến xa, kho-tàng, của cải, giang-san. Ðã vậy, ông còn giết cha mẹ ta. Giờ đây, đã đến lúc ta phải rửa sạch hận thù". Tính xong, chàng rút gươm ra khỏi vỏ. Nhưng chàng sực nhớ lại lời cha dặn khi trước: "Không nên để kéo dài, hỡi đứa con thân mến! ... Không nên nóng-nảy, vội-vàng. Vì hận thù không sao rửa được hận thù và chỉ có dứt bỏ hận thù mới mong dập tắt hận thù". Như vậy, ta không nên cãi lời cha dạy". Nghĩ xong, Dighavu để gươm vào vỏ. Chàng suy đi nghĩ lại như vậy đến lần thứ hai, lần thứ ba, rồi để gươm vào vỏ".
"Hỡi này các tỳ-khưu! Lúc đó, đức vua Brahmadatta đang ngủ mê bỗng giật mình hoảng-hốt. Chàng Dighavu hỏi: "Tâu Ðại Vương, chẳng biết tại duyên cớ chi, Ngài đang ngủ ngon lành, bỗng-nhiên lại giật mình hoảng-hốt, tỏ vẻ kinh-hoàng sợ-hãi như vậy?"
Nhà vua đáp: "Hỡi người bạn trẻ! Trẫm ngủ nằm mộng thấy hoàng-tử Dighavu, con vua Dighiti xứ Kosala, đang tuốt gươm toan hạ sát ta, nên mới giật mình hoảng-hốt, kinh-hoàng, sợ-hãi như thế".
"Hỡi này các tỳ-khưu! Lúc ấy hoàng-tử Dighavu đặt tay trái lên đầu vua Brahmadatta, tay phải tuốt gươm ra khỏi vỏ và nói: "Chính tôi là Dighavu đây. Tôi là đông-cung thái-tử của vua Dighiti xứ Kosala. Ðại Vương đã gây quá nhiều đau khổ cho gia-quyến tôi. Ngài đã hủy-diệt quân-lính, chiến xa, kho-tàng, của cải, giang-san của chúng tôi. Ðã vậy, ngài còn giết hại cha mẹ tôi. Giờ đây, đã đến lúc tôi phải rửa sạch hận thù".
"Này các tỳ-khưu, đức vua Brahmadatta xứ Kasi liền cúi đầu quì mọp xuống chân Dighavu khẩn-khoản: "Hỡi bạn thân mến Dighavu! Hãy tha chết cho trẫm, hãy để trẫm được toàn mạng".
Dighavu trả lời: "Tâu Ðại Vương, làm sao tôi có thể tha chết cho ngài
đặng? Chính ngài nên dung-tha
cho tôi mới phải".
Nhà vua đáp: "Thế thì
xin chàng hãy tha chết cho trẫm và trẫm cũng để chàng được an-toàn".
"Hỡi này các tỳ-khưu!
Như thế, vua Brahmadatta và Dighavu đều hoan-hỷ xóa bỏ hận thù, tha chết cho
nhau. Hai người nắm tay tuyên-thệ sẽ không làm hại lẫn nhau".
Rồi vua Brahmadatta xứ Kasi
phán: "Này bạn thân mến Dighavu, vậy chàng hãy sắp đặt long xa để chúng ta
trở về". Dighavu vâng lời, hai người lên xe quay trở lại nhập vào đoàn
quân hộ-vệ.
"Hỡi này các tỳ-khưu,
đức vua Brahmadatta xứ Kasi về tới triều, trong thành Bénarès, liền cho hội tất
cả quân-thần và phán: "Này các khanh, nếu gặp được hoàng-tử Dighavu, con
vua Dighiti xứ Kosala, thì các khanh sẽ xử-sự thế nào?"
Vài vị quan tâu: "Tâu
Bệ Hạ, chúng tôi sẽ chặt tay chàng. Chúng tôi sẽ chặt chân chàng. Chúng tôi sẽ
chặt luôn cả chân tay. Chúng tôi sẽ cắt tai chàng. Chúng tôi sẽ thẻo mũi chàng.
Chúng tôi sẽ cắt cả tai, mũi chàng. Chúng tôi sẽ chặt đầu chàng".
Ðức vua phán: "Thì đây là
hoàng-tử Dighavu, con vua Dighiti xứ Kosala. Nhưng trẫm cấm nhặt không cho ai
đụng tới chàng. Vì chàng đã tha chết cho trẫm và trẫm cũng cam-kết để chàng
được toàn-thân".
Rồi vua Brahmadatta xứ Kasi hỏi:
"Hỡi bạn thân mến Dighavu! Nhưng tại sao cha chàng trước khi chết lại dặn:
"Chớ nên để kéo dài ... Chớ nên nóng-nảy, vội-vàng?"
Dighavu trả lời: "Tâu
Ðại Vương, trước khi chết vua cha có dạy: "Chớ nên để kéo dài", có
nghĩa là không nên để hận thù kéo dài thêm nữa. Ngài nói: "Chớ nên
nóng-nảy, vội-vàng!", có nghĩa là chớ nên nóng lòng lôi kéo bạn bè
tấn-công để rửa hận. Vua cha lại nói: "Không thể lấy hận thù rửa sạch hận
thù, mà chỉ có dứt bỏ hận thù mới mong dập tắt hận thù", có nghĩa là khi
Ðại Vương giết cha mẹ tôi, nếu tôi tìm cách hãm-hại ngài thì tất-nhiên quan
quân của ngài sẽ giết tôi, rồi bè đảng của tôi tìm cách báo-oán, tàn-sát lại
quân-lính của Ðại Vương. Làm vậy, không sao lấy hận thù để dập tắt hận thù
đặng. Tâu Ðại Vương, nhưng giờ đây, ngài đã tha mạng sống cho tôi và tôi cũng
chẳng sát hại ngài. Như vậy, sự dứt bỏ hận thù đã dập tắt hận thù. Ðó là những
lời trăn-trối của vua cha trước khi thăng-hà".
"Hỡi này các tỳ-khưu!
Lúc đó, vua Brahmadatta xứ Kasi phán: "Tuyệt-diệu thay! Chàng thanh-niên
Dighavu thật rất thông-minh, nên đã lãnh-hội được những lời trối-trăn bóng gió,
khó hiểu, của vua cha". Nói xong, ngài ra lịnh trả lại quân-lính, chiến
xa, kho-tàng, của cải, đất đai cho Dighavu và gả luôn công-chúa cho
chàng".
Ðức Thế Tôn thuyết tiếp:
"Này các tỳ-khưu, đó là tư-cách bền tâm, nhẫn-nại, nhu-thuận của các vua
chúa trị-vì thiên-hạ. Còn đối với các ngươi là bậc xuất-gia, nương theo giáo
pháp tìm đường thánh thiện, các ngươi cũng phải bền tâm, nhẫn-nại thế nào để
nghiêm-trì giới luật, bảo-tồn chân-lý chói ngời, rạng-rỡ trên khắp
thế-gian".
Ðức Phật dạy thêm lần thứ
hai và thứ ba nữa: "Vậy các ngươi (những vị đang xung-đột) hãy dừng lại,
thôi tranh-chấp, thôi xung-đột, thôi cãi vã". Và cũng ba lần, các tỳ-khưu
ngoan-cố trả lời: "Bạch Ðức Thế Tôn, Ngài là bậc Pháp Vương, xin bền tâm,
nhẫn-nại, để sống an vui hạnh-phúc. Còn những chuyện cãi vã, tranh-chấp,
xung-đột, ấu-đả là phần trách-nhiệm của chúng tôi ... và chúng tôi vẫn
tiếp-tục".
Ðức Phật nghĩ: "Bọn
điên rồ này thật là ngoan-cố, cứng đầu, ngã chấp quá đỗi và chẳng dễ gì dạy
bảo". Nói xong Ngài đứng dậy ra về.
-- MAHAVAGGA X 2
Lời của soạn-giả:
Sự việc trên đây chứng
tỏ chẳng những chỉ hiện nay mới có xảy ra những sự bất-hòa trong hàng
tăng-chúng. Lúc Ðức Phật còn tại thế, trường-hợp xung-đột cãi vã giữa các
tỳ-khưu cũng đã có lần gây-cấn lên cao-độ, đến đỗi Ngài không dàn xếp nổi và
phải rút vào rừng vắng, bỏ mặc cho họ tranh-chấp với nhau. Nhưng các tín-đồ
thời ấy sáng-suốt, khôn ngoan, khi biết rõ tự-sự, chẳng còn trong sạch dâng
cúng vật thực nữa. Các tỳ-khưu ngoan-cố, vì đói khổ, thiếu-thốn, phải tìm thỉnh
Ðức Phật về.
Hiện nay, có nhiều phần
tử xuất-gia vô giới hạnh, ganh tị, chia rẽ, thù nghịch, mà vẫn được các đệ-tử
cung-phụng ấm no đầy đủ nên vẫn hiu-hiu tự-đắc, ỷ-lại, tiếp-tục sấn bước trên
đường tội-lỗi để phá-hoại Phật-Giáo. Nếu chúng ta biết lựa ruộng tốt để gieo
trồng như người xưa, thì lợi-ích biết bao?
Tôn-chỉ của Ðạo-Phật là:
Từ-bi, bác-ái, vị-tha, bền tâm, nhẫn-nhục. Thánh Gandhi cũng noi theo đường lối
đó để tổ-chức phong-trào "Ðề kháng bất bạo động" chống lại đế-quốc
Anh suốt 30 năm. Ông nói: "Sự nhẫn-nhục bất bạo-động khiến cho quả đấm của
kẻ bạo-tàn rơi vào khoảng trống, vô hiệu-lực, vì không có phản-ứng nào".
Trong câu chuyện trên
đây, hai quốc-vương Dighiti, Brahmadatta và hoàng-tử Dighavu đều là những
nhân-vật can-trường, đức-độ phi-thường, nên đều biết xử-sự đúng theo lẽ phải:
- Vua Dighiti xứ Kosala
bại trận và bị bắt cùng hoàng-hậu, biết rằng thế nào cũng không tránh khỏi cái
chết, nên dặn con chớ nên báo oán
- Hoàng-tử Dighavu rất
thông-minh, hiếu-thuận, thông-thấu tội phước, nghiệp quả, nên hành-động theo
lời trăn-trối của vua cha, không ám-hại kẻ thù.
- Còn vua chiến-thắng
Brahmadatta xứ Kasi, không vì đó mà trở nên kiêu-căng, tự-đắc, bạo-tàn, mà lại
biết tôn-trọng chữ Tín, biết đánh-giá thái-độ quân-tử của đông-cung Dighavu,
nên trả lại tất cả giang-san sự-nghiệp và chọn chàng làm phò-mã.
Cố-nhân có nhiều
đức-tính cương-trực chân-thành, biết xử-sự đúng theo tinh-thần Phật-Giáo nên
hằng được hạnh-phúc an vui. Ngày nay, con người quá mê say vật-chất, tính-tình
hẹp lượng, ích-kỷ, ngã chấp, hành-động xấu-xa, vô ý-thức, để, rốt cuộc, phải
chịu khổ đau.
Câu chuyện trên đây đáng
là tấm gương soi sáng muôn đời.
Khúc gỗ trôi
ra biển cả
Ðức Thế Tôn thuyết:
"Hỡi này các tỳ-khưu! Các ngươi có nhìn thấy khúc gỗ đang trôi lều-bều
trên dòng nước sông Hằng đó không?"
"Nếu khúc cây đó không
tấp vào bờ bên này hay đổ vào bờ bên kia. Nếu nó chẳng bị chìm dưới dòng nước
đang chảy mạnh. Nếu nó không bị mắc kẹt dưới đáy sâu. Nếu nó không bị những
chúng-sinh thuộc nhân-loại, hoặc hạng phi-nhân, vớt đem đi. Nếu nó không bị
nước lũ lôi cuốn làm tan vỡ và nếu nó không mục thúi trong ruột, thì tất-nhiên
khúc gỗ đó sẽ trôi suông sẻ ra tới ngoài khơi, nó từ-từ trôi ra biển cả, nó sẽ
lướt qua những lượn sóng ba-đào, vượt khỏi các chướng-ngại vật để trôi ra biển
cả".
"Này các tỳ-khưu, thì
cũng như thế ấy, nếu các ngươi không tấp vào bờ bên này hay bờ bên kia. Nếu các
ngươi chẳng bị chìm dưới giòng nước đang chảy mạnh. Nếu các ngươi không bị
những chúng-sinh thuộc nhân-loại, hay hạng phi-nhân, hãm hại. Nếu các ngươi
không bị nước lũ cuốn đi và nếu các ngươi không mụt thúi bên trong, thì các
ngươi sẽ hướng về Niết-Bàn, từ-từ trôi tới Niết-Bàn. Các ngươi sẽ vượt qua
những trở-ngại khó-khăn để đến Niết-Bàn".
"Này các tỳ-khưu, bờ
bên này của sông Hằng là lãnh-vực của lục-căn với tính-cách chủ-quan. Bờ bên
kia là lãnh-vực của lục-căn với tính-cách khách-quan. Chìm dưới giòng nước đang
chảy mạnh ám-chỉ lòng tham muốn vô bờ-bến của người đời. Mắc kẹt dưới đáy sông
là tâm ngã chấp, cố bám đời sống hão-huyền, cho rằng đây là thân ta, đây là của
ta, đây là ta".
"Còn những chúng-sinh
thuộc nhân-loại hãm-hại các ngươi như thế nào?"
"Ðó là trường-hợp
người làm chủ gia-đình bị dính mắc giữa vòng thế-tục, vui thích hoặc phải chịu
đau khổ vì đời, phải chia sớt các niềm vui nỗi khổ với những kẻ sống quanh
mình, luôn-luôn bận-rộn vì nhu-cầu, vì sự ràng-buộc gia-đình, chẳng biết tới
khi nào mới làm xong nhiệm-vụ".
"Còn các người bị hạng
phi-nhân thôn-tính ra sao?"
"Ðó là nói về kẻ
xuất-gia tìm đạo cứu-cánh lại ước mong được sanh làm chư-thiên. Người đó hằng
khấn-nguyện như vầy: "Mong sao với công-đức nhọc-nhằn trên đường tu tập,
khổ-hạnh nghiêm-trì giới-luật đúng theo phẩm-hạnh sa-môn, tôi sẽ được tái-sinh
về cõi thiên-đàng".
"Bị giòng nước lũ cuốn
đi, có nghĩa là sa vào bẫy ngũ-trần tội-lỗi".
"Còn mục thúi bên
trong là thế nào?"
"Ðây là ám-chỉ những con người thấp-hèn đê-tiện, vô giới hạnh, nuôi mạng bất chánh xấu-xa, hay giấu lỗi mình, thường khoe-khoang tài đức. Là những bạn đồng-hành hay lừa dối, xảo-quyệt, cống cao, ngã mạng, thân tâm nhơ bẩn, lòng dạ chứa đầy tham-dục, ví như đống rác thúi tha".
-- SAMYUTTA NIKAYA IV
Lời của soạn-giả:
Ðức Phật ví thầy tỳ-khưu như khúc gỗ trôi sông, chẳng còn bị vật chi ràng
buộc, bỏ nhà cửa, thân thuộc, ra đi tìm sống cảnh cô-đơn trước những phong-ba
bão-táp. Vậy người phải ráng cẩn-thận, đừng để dính mắc vào cạm bẫy của
ma-vương trong nhiều trường-hợp xấu-xa, tội-lỗi, và chỉ chú-tâm hướng về
mục-đích cuối cùng là Niết-Bàn.
Người thế, từ vô-thỉ, đã chịu ảnh-hưởng vật-chất nặng-nề, có đủ trí óc
thông-minh và khả-năng đem lại danh-vọng tiền bạc rất dễ-dàng, nhưng không tài
nào thấu nổi thực-tế của con người là ra sao. Lẽ đó, họ cho đời là tươi đẹp và
tranh-đấu để củng-cố kiếp nhân-sinh ngắn-ngủi là hợp-lý.
Trên đây, Ðức Phật cố-ý khuyến-hóa các bậc xuất-gia nên cố-gắng trau-giồi
giới đức, sáng-suốt biết mình trong mỗi hành-động, lời nói và tư-tưởng, thì
trước sau gì cũng thoát khỏi vòng sanh tử, cũng như khúc gỗ nổi lều-bều trên
mặt nước vượt qua tất cả vật chướng-ngại, để trôi lần ra biển cả.
Tư-cách dứt bỏ
Có người tại-gia cư-sĩ tên là Potaliya đến viếng Ðức Phật và nói: "Bạch Ðức Thế Tôn, hiện nay tôi đã đình-chỉ cuộc kinh-doanh thương-mãi và từ bỏ tất cả công việc hằng ngày".
Ðức Phật đáp: "Này người tại-gia cư-sĩ, những công việc hằng ngày mà người vừa nói là một chuyện. Còn các công việc hằng ngày theo đường lối của kẻ có đức-hạnh là chuyện khác".
"Hỡi người tại-gia
cư-sĩ! Có tám điều học mà người làm chủ gia-đình cần phải thực-hành để dứt bỏ
công việc hằng ngày, là:
1)
Không sát hại sinh-vật và cố tránh xự sát hại;
2) Không lấy vật gì của kẻ khác và cố tránh sự sang-đoạt món chi không ai cho
mình;
3) Không nói dối và cố-gắng dùng lời chân-thật;
4) Không nói xấu kẻ khác và cố tránh xa lời nói đâm thọc;
5) Không ham muốn xấu-xa và cố tránh sự tham-lam;
6) Không chỉ-trích kẻ khác và cố tránh sự phê-phán;
7) Không nên sân-hận và cố tránh sự nóng giận hung-hăng;
8) Không nên cống cao ngã mạn và ráng khiêm-tốn nhẫn-nhục.
Ðó là tám công việc hằng
ngày mà người đạo hạnh cần phải thực-hành".
"Này người tại-gia
cư-sĩ, ý-nghĩa về điều học sát hại sinh-vật là thế nào?"
"Ví dụ, có người chủ
gia-đình phát tâm suy-nghĩ: "Ta hãy ráng từ bỏ tánh hung-bạo đối với các
sinh-vật, vì đó là điều chướng-ngại rất tai-hại. Nếu sát hại sinh-vật, ta sẽ bị
lương-tâm cắn rứt về sự hung-hăng tàn-bạo đó. Những kẻ thức-thời hiền-hậu biết
được sẽ chê trách ta là người độc-ác. Sau khi chết, xác thân tan rã, ta sẽ bị
đọa vào cảnh giới khốn-cùng. Ðó là điều trở-ngại trên đường đạo đức. Tránh xa
sát hại sinh-vật khiến ta khỏi mang nghiệp dữ về sau".
(Ðức Phật giải-thích bảy
điều học tiếp theo cùng với thể-thức như trên).
"Hỡi người tại-gia
cư-sĩ! Cũng như con chó thân hình ốm o gầy cỗi vì thiếu ăn, chạy vào lò thịt
được tên đồ tể vất cho khúc xương bò không dính chút thịt nào và chỉ còn rỉ-rả
vài giọt máu không sao đủ no lòng. Thì cũng như thế ấy, người giới-tử cần nên
suy-nghĩ như vầy: "Những dục-lạc và sắc trần nào có khác chi khúc xương
khô, không làm cho đỡ đói và chỉ mang lại nhiều đau khổ mà thôi".
"Nhờ sáng-suốt biết
nhận-xét sự việc đúng theo thực-tế chẳng còn lầm-lẫn, người giới-tử không cần
quan-tâm tới những điều vô-ích tai-hại và cố gắng tìm rõ chân-lý, làm
phát-triển chân-lý, ráng dập tắt tâm khao-khát thèm-thuồng về những vật cấu-tạo
trên thế-gian cho đến mức độ chẳng còn tham muốn gì nữa".
"Hỡi người tại-gia
cư-sĩ! Ðó là phương-thức từ bỏ đúng theo đạo hạnh của người giới-tử tại-gia. Ðó
là những công việc hằng ngày mà con người cao-quý cần phải cố gắng
thực-hành".
-- MAJJHIMA NIKAYA-1
Công-phu hành
đạo
"Hỡi các thầy tỳ-khưu!
Như Lai không cho rằng tư-cách giác-ngộ có thể thành-đạt dễ-dàng mau chóng, mà
là kết-quả của nhiều công-phu kham-khổ, nhọc-nhằn, được thực-hành từ giai-đoạn
đúng theo qui-tắc, với mức-độ tiến triển nhịp-nhàng suốt lịch-trình tu
tập".
"Trong trường-hợp này,
một người kia có đức tin tìm đến (bậc thiện-trí-thức) chú-tâm, lóng tai nghe
giáo pháp và cố gắng ghi nhớ nằm lòng. Người trắc-nghiệm mức quan-trọng của
Pháp học là thế nào, và phát tâm thỏa-thích trong giáo-lý. Người trở nên
nhiệt-thành, thức-tỉnh đạo tâm, cân nhắc chánh tà, phải quấy, rồi quyết-định
thực-hành đường lối đúng theo hoài-bảo. Người quan-niệm giáo pháp là đúng
chân-lý, rồi dùng trí thông-minh phân-tách, suy-nghiệm, lĩnh-hội một cách
sáng-suốt".
"Sau đây là bốn
phương-thức được dành cho người giới-tử khi mới bước chân vào đạo:
Tinh-tấn
tránh xa các pháp xấu-xa, tội-lỗi;
Tinh-tấn lướt qua khỏi các điều thấp-hèn, đê-tiện;
Tinh-tấn làm cho tiến triển các pháp hành;
Tinh-tấn bảo-tồn những pháp cao-thượng.
"Các ngươi hãy nghe
đây:
1) Tinh-tấn tránh xa các
pháp xấu-xa:
Trong trường-hợp này, người
giới-tử cố-gắng trau-giồi tâm-trí, chẳng cho nó khiêu-gợi những tư-tưởng hoặc
hành-động xấu-xa, tội-lỗi, khi chúng chưa phát-sinh. Mỗi khi va chạm với sắc
trần hay bất cứ vật gì, người chẳng quan-tâm đến và chú-ý quán xét về các
trạng-thái đê-tiện nhơ-nhớp của sắc trần. Người suy-nghĩ về những nghiệp-báo
tai-hại nếu không kiểm-soát được lục-căn.
2) Tinh-tấn lướt qua
khỏi các điều thấp hèn đê-tiện:
Người giới-tử cố-gắng
rèn-luyện thân tâm để vượt qua khỏi các pháp xấu-xa, tội-lỗi, đã phát-sinh, đem
hết nghị-lực điều-ngự tư-tưởng và ráng hủy-diệt chúng không cho tái diễn.
3) Tinh-tấn làm cho
phát-triển các pháp lành:
Người giới-tử hướng
thiện-chí của mình về các việc lành chưa phát-sinh, làm cho nguyên-tố giác-ngộ
(Bojjhanga) được tiến triển thêm, có tâm vui thích nơi thanh-vắng, cố dập tắt
phiền-não để đi lần tới giải-thoát.
4) Tinh-tấn bảo-tồn
những pháp cao-thượng:
Người giới-tử luôn-luôn
chú-tâm về những điều tốt tươi cao-thượng đã phát-sinh rồi, không để cho tư-duy
cao đẹp đó tiêu-tan, mà rán làm cho nó phát-triển đến mức độ toàn-hảo
(Bhavana), tâm-trí luôn-luôn sáng-suốt chiến-đấu.
"Này các tỳ-khưu, dù
phải nương theo học-hỏi với một ông giáo-chủ thiếu đức-hạnh, hằng ngày lo
tom-góp nhiều của cải lợi-lộc, các trò của ông ta cũng không được tự-do muốn
làm gì thì làm, chẳng tuân theo kỷ-luật. Các môn-đệ cũng phải kính-nể ông ta
chớ không dám ngoan-cố cứng đầu khó dạy, buông lung tùy-ý".
"Như vậy, lúc tìm theo
học-hỏi với một Ðấng Toàn Giác có giới luật trang-nghiêm, sống ngoài nếp
xa-hoa, vất bỏ tiền-tài danh-lợi, thì hẳn người giới-tử cần phải thu-thúc
kỷ-cương như thế nào?"
"Về điều này, khi một giới-tử có đức tin trong giáo pháp và muốn nương theo giáo pháp, tất-nhiên phải nhìn-nhận: "Ðức Như Lai là Thầy Tổ và mình đây là trò. Ngài suốt-thông tất cả, còn mình thì tối-tăm ngu dốt".
"Có tánh phục-tùng dễ dạy như thế, giáo pháp sẽ đem lại cho giới-tử nhiều nghị-lực và mau tấn-hóa. Người lấy giáo pháp làm nguyên-tắc và suy-nghĩ: "Ta sẽ hết lòng tinh-tấn, cố-công hành đạo. Dù cho thịt, da, gân, xương ta bị rã-rời, dù máu khô cạn, ta cũng không thối chuyển. Ta quyết-tâm tinh-tấn trau-giồi đạo-hạnh, nếu chưa đạt được mục-đích mà con người có thể thành-tựu bằng khả-năng và nghị-lực".
-- MAJJHIMA NIKAYA
-ooOoo-
Đầu trang | 00 || 11 | 12 | 13 | 14 | 15 || 21 | 22 | 23 | 24 | 25 || 31 | 32 | 33 | 34 | 35
updated: 19-04-2002