BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật giáo Nguyên thủy

PHÁP TRÍCH LỤC - 2

Huỳnh Văn Niệm soạn dịch

Phật Bảo Tự tái bản
Pagode  Buddharatanarama
3, Rue Broca
91600  Savigny Sur Orge - France
Tel: 01 69 96 49 34


Tập II

-ooOoo-

Sử tích hoàng-đế A-Dục

Lời tự-tỉnh của Vua Asoka (A-Dục) được khắc vào trụ đá cách đây lối 2.300 năm:

"Sau khi lên ngôi được tám năm, trẫm là bạn của các vị chư-thiên[1] đem binh xâm-chiếm xứ Kalinga. Mười lăm muôn quân bại-trận phải bị lưu-đày; mười muôn quân khác bị tử-trận và vô-số thường-dân phải bị sát hại. Nay đã khắc-phục được xứ Kalinga, Trẫm[2] bỗng-nhiên phát tâm mộ-đạo, xu-hướng theo chánh pháp[3] và đem giáo-lý ra truyền-bá trong khắp nhân-gian. Trẫm rất hối-hận về cuộc xâm-lăng xứ Kalinga. Vì chinh-phục một nước tự-do là làm một chuyện rất tàn-ác. Những sự chém giết, đọa-đày, tù-tội làm cho Trẫm phải khổ tâm hết sức".

"Một điều làm cho Trẫm đau-khổ hơn nữa, là những người lương-thiện, những bậc đạo-sĩ, Bà La Môn, hoặc sa-môn trong các giáo-phái, những hạng tại-gia biết tôn-trọng những người bề trên tuổi-tác, biết hiếu-thảo với cha mẹ, biết yêu-chuộng bằng-hữu và đối-đãi tử-tế với hàng tôi-tớ, thảy-thảy đều phải mang lấy họa chiến-tranh. Chẳng có chi làm cho con người đau-đớn hơn là phải bị chia lìa cùng những người và vật thương yêu tríu-mến. Tất cả những tư-tưởng thống-khổ về nạn binh-đao ấy làm cho Trẫm phải nặng lòng lo-ngại. Dầu cho số người bị sát hại, đọa-đày trong cuộc xâm-chiếm xứ Kalinga nhiều đến thế mấy, cũng không sánh bằng sự đau-khổ của Trẫm hôm nay".

"Trẫm phải có bền tâm nhẫn-nại, nhiều chừng nào hay chừng nấy, đối với những kẻ nào làm quấy hoặc toan hãm-hại Trẫm".

"Trẫm mong cho tất cả chúng-sinh đều biết tự-chủ thân tâm, làm lành lánh dữ".

"Ðối với Trẫm, sự thắng-trận cao-cả hơn hết là sự thắng-trận của chánh pháp. Trong một cương-thổ dài ngót sáu trăm dặm gồm lại, có nhiều quốc-độ khác nhau, dầu cho đến những xứ xa-xăm mà các sứ-giả ít khi lui tới được, đâu-đâu cũng đều tuân theo lịnh Trẫm để nghiêm-trì giới hạnh và sống theo lẽ chánh. Cuộc thắng-trận của chánh pháp là một cuộc thắng-trận toàn-thể. Ai-ai cũng nhờ sự chiến-thắng ấy mà được an-cư lạc-nghiệp. Nhưng đối với Trẫm, sự hạnh-phúc này không thể so-sánh được với phước báu trong một thế-giới khác" [4].

"Kim ngôn này được khắc trên mặt đá để cho ngày sau, con cháu của Trẫm sẽ không còn nghĩ đến những cuộc thắng-trận khác nữa, và chúng nó phải làm cách nào để thắng nổi trận giặc lòng. Chúng nó phải biết nhẫn-nại và hiểu rằng chỉ có sự thắng-trận của chánh pháp là đáng kể. Chánh pháp đem lại sự an vui trong kiếp này và các kiếp vị-lai".

* * *

Vài lời của soạn-giả:

"Nếu không có hoàng-đế A-Dục thì Phật pháp rất khó được bảo-tồn cho đến ngày nay, và chúng ta cũng chẳng nếm được hương-vị của đạo giải-thoát do Ðức Thích-Ca Mâu-Ni đã tự ngộ"  

Sở-dĩ hiện nay Phật Pháp được thạnh-hành và bành-trướng trong khắp thế-gian là do công-đức vô-lượng của hoàng-đế A-Dục, một nhà vua trị-vì trong xứ Ấn Ðộ vào thế-kỷ thứ ba trước tây lịch, nghĩa là lối 200 năm sau khi Ðức Thế Tôn nhập Niết-Bàn .

Trong kinh, có nhiều chỗ nói hồi Ðức Phật còn tại-thế, có ông trưởng-giả Cấp Cô Ðộc[5] cùng bà tín-nữ Visakhã, là hai bậc hộ-pháp rất đắc-lực và trong sạch với ngôi Tam-Bảo, dám bỏ tiền của ra bố-thí một cách rộng-rãi không ai bằng. Ông Cấp Cô Ðộc đã xuất ra một số tiền khổng-lồ mua lại cảnh vườn của thái-tử Kỳ Ðà[6], rồi dựng lên ngôi Kỳ Viên Tịnh-Xá để dâng cho Ðức Thế Tôn.  Ngoài ra, ngày nào ông Cấp Cô Ðộc và bà Visakhã đều có thỉnh chư-tăng đến nhà bố-thí, trai-tăng.

Xét về cái tâm hộ-pháp thì hai vị này được coi như cao-thượng, trong sạch hơn cả, vì hai vị ấy đều là bậc thánh-nhân[7]. Nhưng nếu nói về công-trình kiến-trúc, chấn-hưng và tuyên-truyền Phật giáo thì đức vua A-Dục chiếm quyền ưu-thế. Có lẽ vì ngài là một vị hoàng-đế thống-trị thiên-hạ, tiền của nhiều, quyền-hành rộng, nên mới làm những việc to-tát như vậy. Nhưng biết bao nhiêu bậc vua chúa khác không chịu làm như ngài, mà lại có tánh hôn-quân, vô-đạo, trụy-lạc trong bầu ngự-tửu, ngày đêm đùa-bỡn với đám cung-phi và thường gây mầm binh-đao khói lửa, để làm khổ cho dân-gian.

Ðức vua A-Dục, trước khi được hấp-thụ tinh-thần Phật-Giáo, cũng có tánh hung-ác, chinh đông phạt tây, đi đến đâu sát hại đến đấy. Biết bao nhiêu dân-tộc phải bị nghiền nát dưới bánh chiến-xa của ngài. Biết bao nhiêu bậc công-khanh chỉ nói lỡ một lời mà bị ngài xử-tử, chẳng chút xót thương.

Nhà vua còn lại tạo ra một cái địa-ngục giả để hành-hình tội-nhân bằng nhiều cách rùng-rợn, không thua gì cảnh diêm-vương.

Nhưng có lẽ nhờ duyên lành trong các tiền-kiếp, nên chỉ một ngày kia, dưới bầu trời ảm-đạm, không-khí nặng-nề, đứng giữa trận-mạc, sau khi chiến-tranh vừa dứt, và nhìn thấy cảnh tang-thương khủng-khiếp, xương máu dẫy đầy, đức vua bỗng thấy lòng mình nôn-nao, bức-rức. Ðó là lần đầu tiên ngài nhận thấy rằng: Vì tâm dục-vọng của mình, mà trăm họ phải thống-khổ, lầm than. Rồi bắt đầu từ đó, hoàng-đế A-Dục thay đổi chí-hướng, bỏ tánh xâm-lăng, hung-ác, tìm học hỏi đạo với các bậc thánh-tăng trong Phật-Giáo. Ngài trở nên một vị vua công-bình, giàu lòng từ-bi, bác-ái đối với muôn-loài và đem lại cho xứ Ấn Ðộ một thời-đại thái-bình, thịnh-trị duy-nhất trong khắp thế-gian.

Dưới đây là những công-trình hộ-pháp to-tát của đức vua A-Dục mà chúng ta cần phải biết để nhớ ơn:

1. Chủ-trương ký-kết tập Tam-Tạng lần thứ ba tại thành Pãtaliputra, để củng-cố Tam-Tạng Pháp-Bảo Pãli mà nhóm Nguyên-Thủy vẫn thọ-trì cho đến ngày nay;

2. Cho con trai ngài, là đức Mahinda, mang Tam-Tạng Pãli đã được kết tập trong kỳ thứ ba, sang khẩu-truyền trên đảo Tích Lan mà hiện nay là nơi căn-cứ của hội "Phật Học Quốc-Tế";

3. Dựng lên, trong khắp xứ Ấn Ðộ, 84.000 thánh-tháp để phụng-thờ xá-lợi của Ðức Thế Tôn. Tất cả xá-lợi được chia-sớt trong khắp thế-gian hiện nay đều do các thánh-tháp ấy mà ra;

4. Kiến trúc vô-số đền-thờ có chạm-trổ những sử tích về Phật-Giáo và tạo ra nhiều bia đá có khắc chỉ-dụ của nhà vua khuyên-bảo dân-chúng ăn ở theo đường chánh, làm lành lánh dữ[8];

5. Thỉnh nhiều vị A La Hán đi truyền-bá Phật-pháp khắp thế-giới, có một đoàn sang vùng Suvanna Bhũmi (tức là khu-vực Miến Ðiện, Thái Lan, Cao Miên ...);

6. Sa-thải một số lớn hàng tăng-lữ không chính-đáng, trà-trộn vào Phật-giáo để nuôi mạng.

Nghĩ vì có sự liên-quan thiết-yếu giữa đức vua A-Dục và những người tu Phật trong khắp hoàn-cầu, nên chúng tôi cố công suy-tầm trong các kinh điển, những điểm đặc-sắc về bậc Ðại Hộ-Pháp ấy để cống-hiến cho chư quí độc-giả thưởng-thức.

I- Chuyện hai  đứa trẻ  lấy  đất cúng dường đức Phật

Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn đang ngự tại Veluvãna[9]. Sáng sớm, Ngài mặc y mang bát và dắt theo một số thầy tỳ-khưu đi vào thành Rãjagaha (Vương Xá) để khất-thực. Ði đến đâu, Ngài đều rải điển từ-bi mát-mẻ tới đó. Oai-nghi tề-chỉnh và dung-mạo đẹp đẽ, sáng rỡ như trăng rằm của Ðấng Trọn Lành, khiến cho ai nấy cũng phải kính-phục.

Lúc đang đi trì-bình, khất-thực, Ðức Thế Tôn và tôn-giả Ananda thấy dựa bên đường có hai đứa bé trai, một đứa tên là Jaya, vốn con nhà trâm-anh thế-phiệt, còn một đứa tên là Vijaya, thuộc về gia-đình khá-giả bậc trung. Cả hai đứa trẻ đang công-phu nhồi đất để tạo lên một đô-thị giả, có nhà cửa đền-đài và luôn cả kho-tàng chứa đầy ngũ-cốc[10] cũng làm toàn bằng đất. Chợt thấy Ðức Thế Tôn đi ngang qua, cậu bé Jaya[11] liền lật-đật hốt một nắm ngũ-cốc giả bằng đất ấy, cung-kính đến gần Ðức Thế Tôn và bỗng-nhiên xuất khẩu bài kệ như vầy:

Một vầng hào-quang màu vàng rực-rỡ,
Bao phủ khắp thân-hình Ðấng Từ-Bi Vô-Lượng,
Tự Ngài ngộ đạo không thầy chỉ dạy.
Tôi xin đem hết dạ kính-thành,
Dâng đất này đến Ðức Như Lai,
Bậc đã diệt-tận nguồn luân-hồi sanh tử
.

Lúc ấy, cậu bé Vijaya[12] cũng rất thỏa-thích trong phước báu và chắp tay xá chào Ðức Thế Tôn.

Dâng đất xong, cậu bé Jaya liền nguyện thầm rằng: "Với quả phước này, tôi nguyện trong kiếp sau sẽ được gồm thâu thiên-hạ, thống-trị muôn dân".

Ðức Phật đoán được lời nguyện của cậu Jaya và biết thế nào quả phước cũng sẽ thành-tựu đến cho đứa trẻ ấy, vì nó đã hết tâm trong sạch trong khi dâng cúng. Ngài liền mỉm cười và nói với Ðức Ananda rằng: "Này Ananda, sau khi Như Lai nhập Niết-Bàn lối hai trăm năm, đứa trẻ ấy sẽ thọ-sinh làm một vị thánh-quân[13], làm chúa một châu thiên-hạ, đóng đô tại thành Pãtaliputra và lấy vương-hiệu là hoàng-đế Asoka (A-Dục). Nhà vua sẽ là bậc thánh-quân suốt-thông đạo-lý, biết ủng-hộ và truyền-bá Phật-Pháp một cách đắc-lực. Nhà vua sẽ cho kiến-tạo 84.000 bảo tháp để phụng thờ xá-lợi của Như Lai".

Rồi  Ðức Phật liền ngâm kệ như vầy:

Một thời-gian sau khi Như Lai nhập-diệt,
A-Dục vương sẽ được ra đời,
Oai dầy đức rộng tủa khắp bốn phương.
Nhà vua tạo ra trong khắp cõi diêm-phù,
Vô-số đền-thờ xá-lợi,
Cho chúng-sinh chiêm-bái cúng dường.
Này Ananda, đó là quả phước do đứa trẻ ngày nay,
Ðã hết lòng trong sạch dâng đất cúng Như Lai.

Ngâm xong, Ðức Thế Tôn liền dạy Ðức Ananda đem đất ấy rải lên khoảng đường phía trước mà Ngài cùng chư-tăng sắp đi tới.

II- Nói về bà mẹ của đức vua A-Dục và thời niên-thiếu của ngài

Tại xứ Campala, có thầy Bà La Môn kia vừa trổ sanh được một gái. Khi ấy, có thầy coi số đoán rằng: "Ngày sau, đứa tớ gái ấy sẽ trở nên một bậc vương-phi và sanh ra được hai trai. Một đứa sẽ được làm vua, còn một đứa sẽ xuất-gia hành đạo và đắc A La Hán quả".

Một thời-gian sau, khi đứa gái lớn khôn và trở nên xinh đẹp mỹ-miều, người Bà La Môn liền dâng nàng vào cung-nội phụng-sự cho đức vua Bindusara đang trị-vì trong xứ Magadha. Những cung-phi khác thấy nàng đẹp và trẻ, sợ đức vua yêu dùng, nên liệt nàng vào hạng thị-tỳ và giao cho nàng cái phận-sự: chờ khi nào vua ngủ thì vào cắt tóc tỉa râu cho ngài[14]. Một buổi trưa nọ, đức vua thức giấc, nhìn vào kiến thấy tóc râu mình được cắt tỉa vén khéo, đẹp đẽ, ngài liền phán hỏi: "Vậy chớ nàng muốn ban thưởng vật chi?" Nàng chỉ tâu xin vua cho phép mình được chung gối cùng ngài. Lúc đầu, vua Bindusara không chịu, vì lầm tưởng rằng nàng thuộc giòng hạ-tiện. Nhưng sau, khi biết nàng là con của một gia-đình Bà La Môn, ngài mới nhận lời. Ðức vua liền chọn nàng làm chánh-hậu. Chẳng bao lâu, nàng trổ sanh được một trai. Hoàng-hậu hết sức vui mừng đặt tên con là Asoka[15] (Tàu âm lại là A-Dục). Rồi một thời-gian sau nữa, bà lại sanh thêm được một trai và đặt tên là Vitasoka[16].

Lớn lên, hoàng-tử A-Dục có thân-hình lổng-khổng, xấu-xa, tay chân nhám nhúa[17], nên vua Bindusara không yêu chuộng như những con của mấy bà thứ-phi khác.

Một bữa nọ, đức vua cho đòi thầy tiên-tri đến xem tướng cho hết thẩy các vị hoàng-tử, coi vị nào có đủ tài đức đặng nối ngôi cho Ngài. Thầy-tướng yêu cầu nhà vua nên triệu-tập tất cả các vị hoàng-tử tại vườn thượng-uyển cho mình xem mặt. Vì được vua cha yêu chuộng, nên các ông hoàng khác được đưa rước bằng long-xa, mặc sắc phục đẹp đẽ và được đem theo đủ món ăn thức uống sang-trọng theo con nhà vua-chúa. Còn phần A-Dục thì ăn mặc tầm thường, mang theo cơm trắng nước trong và chén dĩa bằng đất mà thôi. Ðã vậy, ông ta chẳng có chi để làm chân nên phải lội bộ. Nhưng may đâu, hoàng-tử lại gặp cậu công-tử Rãdhagupta[18] đang cỡi một con voi già đi dạo cảnh, rồi xin mượn voi ấy mà đi đến vườn thượng-uyển. Thầy tiên-tri xem tướng các ông hoàng xong, biết thế nào A-Dục cũng sẽ được làm vua, nhưng nếu nói sự thật thì sợ e vua Bindusara nóng giận rồi sẽ làm hại mình và hoàng-tử A-Dục. Ông ta liền nói bóng với đức vua như vầy: "Tâu Bệ-Hạ, xin Bệ-Hạ coi kỹ lại các vị hoàng-tử này, hễ vị nào biết dùng đồ quí-giá hơn hết thì sẽ được lên ngôi kế-vị cho Ngài". Nghe như vậy, mấy ông hoàng khác đều mừng thầm, vì mỗi-mỗi đều cho mình là sang-trọng hơn hết. Riêng về A-Dục thì lại nghĩ rằng: "Chắc thế nào ta cũng được làm vua, vì những vật ta dùng đều cao-quí hơn cả: voi là  một con vật để làm chân sang-trọng nhất, chén dĩa ta dùng làm toàn bằng đất, mà đất là một vật có sức chịu-đựng tất cả vạn-vật trên thế-gian, cơm và sữa mà ta dùng là món ăn cần-thiết của con người, còn nước trong mà ta uống là món để bảo-trợ sự sống cho tất cả muôn-loài".

Thuở ấy, trong các chư-hầu thường hay có loạn-lạc. Vua cha, vì không ưa đức A-Dục, nên thường ra lịnh cho ông ta đi chinh-phạt với một số quân-lính và binh-nhu rất khiếm-khuyết. Nhưng hễ Ðức A-Dục đi đến đâu thì loạn-quân qui-thuận đến đó.

III- Đức vua A-Dục được kế-vị cho vua cha và những hành-vi hung bạo trong buổi đầu

Hoàng-tử A-Dục có một người anh một cha khác mẹ, tên là Susima, mà vua cha rất yêu-chuộng và định chọn làm vị đông-cung để nối ngôi. Nhưng Susima có tánh kiêu-căng, hung-dữ, nên văn-võ triều-thần không ưa nên cùng nhau lập tâm chờ có dịp sẽ tôn đức A-Dục lên ngôi vua.

Ngày kia, xứ Takaxila nổi loạn, vua Bindusara bèn sai đông-cung Susima điều-khiển binh hùng tướng mạnh đi chinh-phục, nhưng bị thất-trận. Hay tin chẳng lành, vua cha liền thọ bệnh và truyền-lịnh cho hoàng-tử A-Dục ra cầm binh thế cho Susima. Các vị đại-thần liền bày kế dạy đức A-Dục cáo bệnh, không thân-chinh được. Thấy bệnh-tình vua cha mỗi ngày một thêm trầm trọng, các vị cận-thần bèn tâu rằng: "Tâu Bệ-Hạ, xin Bệ-Hạ truyền ngôi lại cho hoàng-tử A-Dục để ngài trông-nom đỡ việc trào chánh, lúc nào thái-tử Susima hồi trào sẽ giao ngôi lại". Vua Bindusara không nhận lời, nhưng triều-thần văn-võ vẫn sắp đặt cho hoàng-tử A-Dục tức-vị kế-ngôi cho phụ-vương. Vì tức giận nên vua Bindusara liền hộc máu và thăng-hà trong khi đó.

Hay tin ấy, đông-cung Susima liền cấp-tốc kéo binh trở về thành Pãtaliputra. Vua A-Dục chọn ba người lực-sĩ cho trấn ba cửa thành: Bắc, Tây, Nam. Còn lại cửa Ðông, thì cho tạo một hình giả giống hệt như ngài, đang cỡi con bạch tượng đứng trên một khoảng đất, chung quanh thì cho đào hố rộng và sâu, lại có đốt lửa đỏ bên dưới. Còn phía trên, thì  lấy cỏ bao-phủ kỹ-lưỡng. Susima, vì nóng giận và thấp trí, nên xô binh tràn vào mà phải thiệt mạng.

Diệt xong hoàng-tử Susima, vua A-Dục lại tìm cách hành phạt các vị quan nào lúc trước có ý khinh-rẽ mình (vì thấy tướng-mạo ngài xấu-xa). Nhà vua truyền-lịnh cho các vị quan ấy đem mấy loại cây có gai vào trồng phía trước vườn thượng-uyển, và chặt những cây nào có bông thơm trái ngọt đem rào chung quanh. Những ông quan ấy không chịu vâng lời, vì cho rằng theo thói thường, ai-ai cũng dùng cây có gai để rào các thứ cây có bông thơm trái ngọt, chớ khi nào làm chuyện trái đời như vậy. Sau khi hạ-lịnh ba lần mà chẳng thấy chịu làm theo, vua liền dạy đem mấy vị quan ấy ra pháp-trường xử-tử.

Trong vườn, có một cây bông đẹp đẽ thơm tho mà đức vua rất yêu thích, vì nó cũng có một cái tên Asoka như nhà vua. Lại có một nhóm cung-phi không ưa thích gần-gũi đức vua vì ngài có thân-hình xấu-xa và tay chân nhám nhúa. Một buổi trưa nọ, thừa lúc vua đang yên giấc, mấy cung-phi ấy liền ra vườn hái bông, bẻ lá, làm gãy các nhánh, cây phải chết. Khi biết rõ việc ấy, vua bực-tức, nóng giận, hạ-lịnh đem cột nhóm cung-phi ấy chung quanh cây Asoka rồi nổi lửa thiêu sống. Dân-chúng thấy nhà vua hung-dữ như vậy, liền đặt tên ngài là Ác Vương A-Dục (Candasoka).

Không những thế thôi, đức vua còn lại cho tạo ra một cảnh địa-ngục giả để hành-hình các tội-nhân, và đặt tên là Ðịa-Ngục Bồng Lai, vì bên trong là nơi hắc-ám của ngục-đường, nhưng bên ngoài thì cho kiến-trúc hết sức đẹp đẽ, không thua gì cảnh tiên. Chung quanh, có trồng cây cối cỏ hoa đủ màu, và mỗi gốc vườn đều có nhiều chỗ để cho các hành-khách nghỉ chân trong lúc mệt-mỏi. Song, rủi cho kẻ nào lỡ đi lạc đến đó, thì liền bị quân giữ ngục bắt đem vào bên trong hành-hình như những tội-nhân khác.

Ðức vua ra lịnh cho các quan đi tìm một người hung ác trứ-danh, tên là Girika, để giao cho nó điều-khiển cái địa-ngục ấy. Tên này thường ngày chửi cha mắng mẹ và không bỏ qua một việc dữ nào mà nó chẳng làm. Buổi trưa nọ, có một vị quan gặp nó đang ngồi dựa mé rạch, tay thì đang lưới cá, cẳng thì giựt bẫy bắt chim, bên tay mặt có sẵn ná và tên tẩm thuốc độc, chung quanh thì nó rải những hạt lúa cũng tẩm thuốc độc để bắt các loại chim nhỏ, còn dưới rạch thì nó cắm câu bắt cá. Bất cứ con vật nhỏ nào, hay lớn gần bên, đều bị nó sát hại chẳng tha. Thấy vậy, vị quan kia rất vừa lòng và bảo nó về xin phép cha mẹ rồi vào triều lãnh việc. Bị song thân không bằng lòng, nó liền giết hết cả hai ông bà rồi đến nhậm-chức giám-ngục cho vua A-Dục và xin ngài cho nó được quyền sát hại những ai để chân vào địa-ngục Bồng Lai, dầu là đức vua cũng vậy. Hoàng-đế A-Dục nhận lời và dân-chúng trong xứ đặt cho nó cái tên là Ðại Ác Nhân Girika (Candagirika).

IV- Vua A-Dục được nghe lời giáo đạo của một đức A-la-hán

Thuở ấy, có một thầy tỳ-khưu còn trẻ tuổi, tên là Samudda, tính vào thành Pãtaliputra để khất-thực. Ði ngang qua địa-ngục Bồng Lai, vì mệt mỏi và gặp cảnh đẹp, thầy ta liền dừng chân lại để nghỉ mát. Bọn giữ ngục chạy ra bắt thầy vào khám đường. Thấy cảnh hắc-ám bên trong, thầy Samudda liền than rằng: "Chốn này lạ thật! bên ngoài thì đẹp tợ tiên cảnh, còn bên trong thì rùng-rợn, chẳng thua gì cõi diêm-vương". Thầy ta bèn xin trở ra, nhưng Girika đáp rằng: "Bây giờ ngươi dã lọt vào tay ta, thì chỉ có chờ chết, chớ đừng trông ra khỏi chốn này".

Nghe xong, thầy Samudda liền khẩn-khoản thêm nữa rằng: "Thưa quan giám-ngục, bần-đạo mới vừa được xuất-gia chẳng bao lâu và tu-hành còn kém khuyết. Ðã vậy, Ðức Phật có dạy rằng xác thân con người, mỗi khi mất rồi, thì rất khó mà tìm lại được. Vậy xin quan giám-ngục rộng lượng cho bần-đạo được phép tu tập thêm bảy ngày nữa, rồi sẽ hành-hình cũng chẳng muộn".  Girika bằng lòng.

Rồi đó, thầy Samudda tham-thiền quán-tưởng luôn cả ngày đêm. Trước cảnh mạnh hiếp yếu, những cảnh tra-tấn hãi-hùng, máu đổ thịt rơi, rên la thảm-thiết, thầy thấy rõ những nơi thống-khổ của con người, rồi nhìn lại thân mình mà nghĩ rằng: "Chẳng còn mấy hôm nữa, xác thân ta đây cũng sẽ bị banh xẻ, thối-tha, vô-dụng, như những tội-nhân xấu-số kia chẳng sai. Vậy ta phải ráng làm thế nào để tránh khỏi các điều tai-hại ấy!"  Nhờ cố công suy xét nên trí-huệ giải-thoát được phát-sinh. Thầy Samudda thấu rõ lý 'Tứ Diệu Ðế' và biết rằng: "Tất cả những pháp hữu-vi thật không bền vững. Hễ hữu sanh thì hữu diệt, có đi thì phải có về". Ðức Samudda đã bước vào vòng thánh-vức và đắc quả-vị A La Hán.

Ðến ngày thứ tám, tên giám-ngục liền dậy đem ngài bỏ vào chảo dầu, rồi nổi lửa lên đốt. Nhưng dầu không sôi, còn vị sa-môn thì vẫn ngồi thản-nhiên trong chảo mà tham-thiền.

Hay tin lạ-lùng ấy, đức vua A-Dục liền ngự vào ngục-thất để xem rõ tự-sự. Lúc ấy, đức Samudda bay bổng lên ngồi bán-già nơi giữa không trung. Nhà vua phát tâm kinh-sợ và nghĩ rằng: "Tại duyên-cớ nào, thầy tỳ-khưu ấy cũng là người như chúng ta, mà lại có nhiều phép nhiệm-mầu như thế?" Nghĩ xong, ngài liền chấp tay đảnh lễ và yêu-cầu đức Samudda giải rõ về những điều bí-ẩn ấy. Ngài thuyết cho nhà vua nghe như vầy: "Này Ðại-Vương, lối 200 năm về trước, đức Thế Tôn đã có tiên-đoán rằng ngài sẽ là một bậc thánh-vương, một bậc hộ-pháp cao cả, có nhiều công-đức trong việc phụng-thờ xá-lợi và truyền-bá chánh pháp trong khắp thế-gian. Vậy xin Ðại-Vương mau bỏ dữ về lành, mở lòng từ-bi, bác-ái, thương-xót thần-dân, hầu đem lại điều an vui, hạnh-phúc cho tất cả muôn loài".

Nghe được lời đạo-đức, nhà vua liền bạch rằng: "Bạch Hoá Ðại-Ðức, từ nào đến giờ trẫm gây nhiều nghiệp ác. Vậy trẫm xin sám-hối về các tội-lỗi đã qua và nguyện nương nhờ nơi Tam-Bảo để làm những điều lành, kể từ nay cho đến trọn đời".

Ðức Samudda thốt lên rằng: "Lành thay! Lành thay!" rồi biến đi mất. Vua A-Dục liền hạ-lịnh phá-hủy cái địa-ngục Bồng Lai, rồi bắt đầu từ đây, ngài để hết tâm-lực lo việc hộ-pháp[19] và dạy bảo dân chúng ăn ở theo Phật-Giáo. Thiên-hạ thấy đức vua thay đổi tâm-tánh và trở nên độ-lượng khoan-hồng, liền tặng cho ngài cái tên là Minh Vương A-Dục.

V- Vua A-Dục chia xá lợi của đức Phật Thích-Ca ra 84.000 phần và tạo  84.000 thánh tháp [20]

Khi xin qui-y thọ giới theo Phật-Giáo xong rồi, hoàng-đế A-Dục liền ngự đến thành Vương Xá (Rãdjagaha) thỉnh trọn phần xá-lợi của vua A Xà Thế (Adjãsattu) để trong thánh-tháp khi trước. Ngài lại ra lịnh cho sáu vị vua chư-hầu[21] đem nạp hết cho mình những phần xá-lợi trong xứ của họ đã được chia sớt tại thành Kusinãra, sau khi hành lễ trà-tỳ kim-thân Ðức Thế Tôn. Chỉ có phần thứ tám thì thuộc về hoàng-triều độc-lập Ramagama, nên ngài không thỉnh được.

Gom góp được tất cả 7 phần xá-lợi xong rồi, vua A-Dục liền cho thợ làm 84.000 cái hộp nhỏ bằng vàng chạm trổ  khéo-léo, có khảm ngọc lưu-ly, và 84.000 cái bình lớn hơn cũng bằng vàng. Nhà vua chia ngọc xá-lợi ra làm 84.000 phần đều nhau, đem để mỗi phần vào hộp, rồi để hộp vào trong bình. Sau cùng, ngài cho lấy lụa ngũ sắc bao-phủ bên ngoài.

Xong việc, đức vua liền phân-phát những ngọc xá-lợi và cho dựng tháp trong khắp xứ Ấn Ðộ theo cách-thức dưới đây:

- Một hộp xá-lợi xây một thánh-tháp cho chỗ nào có dân-cư từ 10 triệu[22] trở lên;

- Một hộp xá-lợi xây một tháp tại mỗi chỗ động-tâm;

- Một hộp xá-lợi xây một bảo-tháp tại mỗi nơi nào có sử tích của Ðức Thích-Ca lúc còn làm Bồ-Tát và sau khi đắc đạo.

VI-  Vua A-Dục yêu-cầu vị  đại  A-la-hán Upagupta dắt ngài  đi viếng bốn chỗ động tâm và những nơi có sử tích của Phật

Chỗ động-tâm thứ nhất tại vườn Lumbini, sau khi nghe vị A La Hán giải rõ về tư-cách giáng-sinh của Ðức Bồ-Tát Siddhattha, vua A-Dục liền rơi lụy, mọp xuống lạy chỗ động-tâm ấy và ngâm kệ rằng:

Hỡi non sông cây cỏ tại chốn này,
Các ngươi thật nhiều duyên tốt số,
Nên gặp được đấng đại-hiền trong lúc chào đời,
Ðược nghe tiếng Ngài từ buổi sơ khai.
Còn ta đây vô-duyên ít phước,
Ðến chốn này thật đã muộn-màng.

Ngâm xong, nhà vua cho dựng tại đây một cái tháp thờ xá-lợi và cúng 100 ngàn đồng vàng để tu-bổ chỗ động-tâm này.

Chỗ động-tâm thứ nhì, tại gốc cây Bồ Ðề[23], nơi Ðức Phật Thích-Ca đắc đạo, vị A La Hán này tâu với nhà vua như vầy: "Tâu Ðại-Vương, chính tại chốn này thái-tử Siddhattha đã dùng tâm từ-bi bác-ái của mình để chiến-thắng ma-vương và đắc quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác".

Ðức vua cũng mọp xuống  lạy, cho xây tháp xá-lợi và cúng 100 ngàn đồng vàng.

Chỗ động tâm thứ ba, tại vườn Lộc-Giả (Isipatana) trong thành Ba La Nại (Bénarès), nơi Ðức Thế Tôn chuyển Pháp-Luân lần đầu tiên cho năm thầy Kiều Trần Như (Kaundinya) nghe về thuyết 'Tứ Diệu Ðế'.

Ðức vua cho xây tháp và cúng 100 ngàn đồng vàng.

Chỗ động tâm thứ tư, tại rừng Kusinãra nơi Ðức Phật nhập Niết-Bàn. Khi đến chỗ này và nghe vị A La Hán giải về tư-cách diệt-độ của Ðức Thế Tôn, vua A-Dục liền té xuống chết ngất.  Lúc tỉnh dậy, ngài cũng cho xây tháp và cúng 100 ngàn đồng vàng để tu-bổ.

Rồi lần lượt, đức vua đi viếng các nơi sau đây, đến chỗ nào ngài cũng cho dựng tháp thờ xá-lợi và cúng một số tiền vàng:

1. Chỗ Ðức Bồ-Tát Siddhattha nhập sơ-định dưới bóng cây Diêm-Phù (Jambu), lúc Ngài còn thơ-ấu theo cha, là đức vua Tịnh Phạn Vương (Suddhodãna), ra đồng xem cày ruộng;

2. Chỗ Ngài trốn ra khỏi hoàng-cung để đi tìm đạo;

3. Chỗ Ngài trao vương-phục và thần mã Kiền Trắc (Kantaka) cho nghĩa-bộc Channa;

4. Chỗ Ngài cắt tóc liệng lên không trung và nguyện rằng: "Nếu sau ta không thối-chuyển trên đường tu tập, thì khiến cho mớ tóc đừng rơi xuống trần";

5. Chỗ vua Bình Xa Vương (Bimbisara) xin chia giang-sơn cho, nhưng Ðức Bồ-Tát không nhận lời;

6. Những chỗ Ðức Bồ-Tát học đạo với hai đạo-sĩ Alara và Uddaka;

7. Chỗ Ngài tu khổ-hạnh trong sáu năm trường, song vô hiệu-quả;

8. Chỗ Ngài thọ món cơm trộn với sữa tươi do nàng Sujjata dâng;

9. Chỗ mấy vị Tứ Ðại Thiên Vương dâng cho ngài bốn cái bát bằng đá để dùng đựng vật thực của hai người lái buôn cúng dường, lúc Ngài vừa thành đạo. Ðức Thế Tôn dùng phép thần-thông, lấy ngón tay nhận bốn cái bát ấy lại làm một và do đó mà nơi miệng bát của ngài có bốn cái nối ráp.

VII- Vua A-Dục đi viếng những tháp thờ xá-lợi của các bậc thinh văn A-la-hán

Khi tới trước một cái tháp xây gần chùa Jetavana (Kỳ Viên Tịnh-Xá), vị đại A La Hán giải cho vua A-Dục nghe rằng: "Tâu Ðại-Vương, đây là tháp thờ xá-lợi của ngài Sariputta (Xá Lợi Phất), một bậc Thinh Văn có nhiều trí-huệ hơn hết trong nhóm đệ-tử của Ðức Thế Tôn. Vậy Ðại-Vương nên cúng dường ngài, thì thân tâm sẽ được mát-mẻ chẳng sai". Nhà vua liền dâng 100 ngàn đồng vàng, mọp xuống lạy và ngâm kệ rằng:

Chốn này là di-tích của bậc đã thoát-ly trần-tục,
Có danh thơm bay tỏa bốn phương,
Trong khắp hàng Thinh Văn La Hán,
Chẳng mấy ai thông-minh, trí-huệ như Ngài.

Ðến trước một cái tháp gần bên, vị A La Hán cũng yêu-cầu vua nên cúng đường, vì đó là tháp thờ xá-lợi Ðức Moggalana (Mục Kiền Liên) một bậc có thần-thông huyền-diệu hơn hết trong hàng Thinh Văn Ðệ-Tử của Ðức Thế Tôn. Chính Ngài dã thâu-phục rồng-chúa Nanda-Upananda. Vua A-Dục cũng dâng 100 ngàn đồng vàng rồi mọp xuống lạy và ngâm kệ rằng:

Trẫm xin thành-kính đảnh lễ đức Moggalana,
Một bậc có nhiều thần-thông phép lạ,
Ðã thoát khỏi vòng sanh tử luân-hồi,
Ðã diệt-tận các điều thống-khổ phiền-não.

Ðến trước cái tháp thứ ba, vị A La Hán tâu với vua rằng đó là tháp thờ đức Mahã Kassapa (Ma Ha Ca Diếp), một bậc Thinh Văn có giới-hạnh cao cả hơn hết và thường được ngợi-khen. Ngài rất tri-túc trong sự nuôi mạng và có tâm từ-bi vô-lượng đối với chúng-sinh. Vua A-Dục cũng dâng 100 ngàn đồng vàng đảnh lễ và ngâm kệ rằng:

Chốn thạch-động xa lìa thế-sự,
Thường chú-tâm nhập-định tham-thiền,
Nhiều tri-túc và giàu lòng bác-ái,
Ngài rất đáng cho ta sùng-bái cúng dường.

Ðến trước cái tháp thứ tư thờ đức Vatkula, là một vị A La Hán luôn-luôn vui-thích trong đạo quả của mình và chẳng hề dạy bảo ai cả. Nhà vua cúng vào tháp một đồng vàng mà thôi, vì cho rằng bậc thánh-nhân ấy chỉ tìm sự giải-thoát cho mình mà không cứu-độ chúng-sinh.

Khi tới cái tháp thứ năm, vị A La Hán liền tâu rằng: "Tâu Ðại-Vương, đây là chỗ thờ xá-lợi của đức Ananda (A-Nan), một  bậc Thinh Văn thông-minh trót-chúng và luôn-luôn được gần bên Ðức Phật. Hồi kỳ-kết tập thứ nhất, chính ngài đã lập lại lời giáo-đạo của Ðức Thế Tôn để hợp thành Tạng Kinh. Trí-huệ và sự ghi nhớ của ngài rộng lớn như biển cả. Ðã vậy, Ðức Ananda lại rất bặt-thiệp, vui-vẻ, khoan-hồng và có dung-nghi đẹp đẽ, trang-nghiêm, khiến cho ai nấy đều ngợi-khen, mến-phục. Những hàng tại-gia, hoặc xuất-gia, muốn vào yết-kiến Ðức Thế Tôn, rất vui thích khi thấy dạng đức Ananda. Có câu Phật ngôn như vầy: "Trong dấu chân con bò, người ta không sao tìm đặng một khối nước to-tát như biển cả thế nào? Thì cũng như thế ấy, với trí óc tầm thường, con người không thể ghi nhớ được hết những lời giáo-huấn của đấng Như Lai". Nhưng Ðức Thế Tôn xét biết rằng tôn-giả Ananda có trí-huệ hơn người, nên mới giao cho tôn-giả cái phận-sự phải thuộc nằm lòng tất cả những pháp mà Ngài đã thuyết ra, để truyền-bá cho nhóm hậu-lai".

Nghe xong, đức vua A-Dục hết sức thỏa-thích, mọp xuống lạy và cúng tới 10 triệu đồng vàng, vì ngài cho rằng chính nhờ đức Ananda mà Phật Pháp mới được sáng-lạng, bền-bỉ đến 5.000 năm. Nhà vua rất thỏa-thích vui mừng sau khi được chiêm-bái các chỗ động-tâm và những thánh-tháp thờ-phụng mấy bậc Thinh Văn đệ-tử của Ðức Phật.

Nhà vua ngâm kệ rằng:

Do thiện-nghiệp trong đời quá-khứ,
Ðược làm người sang cả hôm nay,
Trẫm lại biết hy-sinh tài-sản,
Lo bảo-tồn chánh pháp lâu dài,
Trong khắp cõi diêm-phù, trẫm cho tạo vô-số tháp thờ xá-lợi,
Như vầng mây bao bủa khắp không-trung,
Rải tủa ánh-sáng siêu-việt, mát-mẻ cho tất cả muôn loài,
Trẫm rất toại-nguyện vì đã làm tròn phận-sự của người hộ-pháp.

VIII- Vua A-Dục lập mưu buộc em ngài xu-hướng theo Phật-giáo và xuất-gia hành đạo

Vua A-Dục có một người em tên là Vitasoka. Ông hoàng này rất tin-tưởng các nhóm ngoại-đạo tu theo cách khổ-hạnh và thường hay nhạo-báng Phật Pháp. Mỗi khi nhà vua khuyên-lơn, nhắc-nhở đến, thì ông ta trả lời rằng mấy vị sa-môn tu theo Phật-Giáo hành đạo một cách dễ-dãi quá, nên chẳng mong gì được giác-ngộ.

Một hôm nọ, Vitasoka theo đức hoàng-huynh vào rừng săn bắn, thấy có một thầy đạo-sĩ thân-thể gầy-gò, đang ngồi gần lò lửa cháy đỏ để luyện cho quen với sức nóng ác-nghiệt ấy. Ông ta liền phát tâm tin-tưởng đến gần cung-kính đảnh lễ bàn chân vị đạo-sĩ và hỏi rằng: "Bạch Hoá Ðại-Ðức, vậy chớ ngài hành đạo khó-nhọc như thế đã được bao lâu rồi?"

- "Bần-đạo đã tu được mười hai năm".

- "Bạch Ðại-Ðức, vậy chớ thường bữa ngài dùng vật chi để nuôi mạng?"

- "Bần-đạo chỉ ăn rễ và trái cây mà thôi".

- "Bạch Ðại-Ðức, vậy chớ ngài dùng vật chi để che thân và làm nơi an nghỉ?"

- "Bần-đạo dùng lá cây che thân và lấy cỏ chất đống để làm giường ngủ".

- "Bạch Ðại-Ðức, vậy chớ trên đường tu tập khó-khăn ấy, có vật chi thường làm cho ngài phải đau-khổ, khó-chịu nhất?"

- "Ðiều làm cho bần-đạo, bứt-rứt, khổ tâm hơn hết: là mỗi khi thấy các loài thú rừng (đực và cái) đùa bỡn nhảy nhót với nhau".

- "Bạch ngài, ngài tu-hành kham-khổ như thế, chỉ ăn rễ trái, dùng cỏ lá để làm nơi an nghỉ và che thân mà còn chẳng diệt được tình-dục[24]. Huống-hồ các bậc sa-môn tu theo Phật-Giáo, thường ngày sống trong sự dễ-dãi, đầy đủ, thì làm sao đắc được đạo quả? Chính lịnh hoàng-huynh của tôi, là đức vua A-Dục, vì không xét kỹ nên để cho bọn sa-môn ấy cám-dỗ và đem tiền của ra bố-thí cúng dường họ một cách vô-ích".

Ðức vua hay chuyện ấy, liền lập mưu với các quan cận-thần để buộc Vitasoka quay về nẻo chánh.

Buổi trưa nọ, vua A-Dục cởi cân-đai áo mão của mình để bên ngoài, rồi mặc một bộ đồ thường đi vào phòng tắm. Mấy vị đại-thần liền bày-vẽ cho Vitasoka nghe như vầy: "Thưa hoàng-tử, sau khi đức vua thăng-hà, thì làm sao ngài cũng sẽ lên ngôi cửu-ngũ. Vậy xin ngài hãy đội mão và mặc thử vương phục này, rồi ngự lên ngai vàng cho chúng tôi ngắm dung-nhan trong giây lát coi ra sao?". Vitasoka, vì vụng tính, nên lật-đật làm theo.

Nhưng rủi thay, khi đức vua tắm xong trở ra, bắt gặp Vitasoka đang chễm-chệ ngồi trên ngôi báu. Ngài phát lên thịnh-nộ và phán rằng: "Ngự-đệ to gan thật, trẫm chưa qua đời mà ngươi đã toan chiếm-đoạt ngai vàng". Ngài liền ra lịnh cho một nhóm lực-sĩ Chandala[25], hình-thù hung-ác, bắt Vitasoka trói lại dẫn ra pháp-trường xử-tử. Các vị quan-hầu liền giả-bộ khẩn-khoản đủ điều, đức vua mới bằng lòng tha chết và cho Vitasoka làm vua thêm bảy ngày nữa, rồi sẽ hành-hình.

Trong bảy ngày ấy, đức vua A-Dục dạy người sắp đặt tại hoàng-cung nhiều cuộc vui chơi theo cách đế-vương để cho Vitasoka thưởng-thức, như là: những buổi tiệc linh-đình có đủ các thức ăn cao-quý, những cuộc khiêu-vũ có hàng ngàn cung-phi, mỹ-nữ trang-sức đẹp đẽ, nhảy múa lả-lơi, hát ca lãnh-lót, tiếng đờn tiếng nhạc thâm-trầm ngày đêm không dứt. Ngoài ra, lại còn bốn tên lực-sĩ Chandala, tay chân đẩm máu, hình-thù dữ-tợn, đôi mắt lườm-lườm đỏ ngầu, canh gác bốn cửa hoàng-cung. Hễ chiều lại, thì chúng nó rung chuông và hô to lên rằng: "Ðã một ngày qua, còn sáu hôm nữa thì chúng ta sẽ đem tân-quân ra pháp-trường chặt đầu, banh thây, xẻ thịt. Cái chết của ngài sắp đến nơi rồi".

Tới chiều ngày thứ nhì, thứ ba, vân-vân ... chúng nó cũng rung chuông hô to như vậy.

Tới ngày thứ tám, các giám-sát-quan dẫn Vitasoka đến trước đức vua. Ngài hỏi rằng: "Này ngự-đệ, trong bảy hôm làm vua thế cho trẫm, chắc ngự-đệ vui thích lắm thì phải?"

- "Tâu lệnh-hoàng-huynh, trong bảy ngày qua, vì đau-khổ, lo-âu quá đỗi, nên mắt em không trông thấy sắc, tai em chẳng nghe được tiếng đờn ca, mũi em không biết mùi-lai, lưỡi em không biết vị ngon. Ðã vậy, mỗi bữa, các tên lực-sĩ Chandala lại rung chuông múa gươm và hô to lên rằng: "Một ngày đã qua, còn sáu hôm nữa tân-quân sẽ bị hành-hình". Tâu lệnh-hoàng-huynh, những điều ấy làm cho em phải rợn gáy, kinh-hồn, ngày ăn không ngon, đêm nằm chẳng ngủ. Trong hoàn-cảnh đó, thật em chẳng biết chi là hạnh-phúc, an vui cả, dầu là được ngồi trên bệ ngọc và có đủ các vật nhu-cầu theo phẩm-cách đế-vương".

Vua A-Dục liền phán rằng: "Ngự-đệ chỉ có lo nghĩ về những điều thống-khổ của sự chết một kiếp này, mà phải đau-đớn, xôn-xao như thế, huống-hồ các bậc sa-môn tu theo Phật-giáo, luôn-luôn chú-tâm quán tưởng về sự tai-hại của nạn: Sanh, Già, Ðau, Chết, về những cảnh-giới: Súc-sinh, A tu la, Ngạ-quỉ, Ðịa-ngục. Dầu cho những người cao-sang thế mấy, cũng phải chịu khổ và những bậc Chư Thiên sống lâu đến đâu, cũng phải hết phước và phải bị sa-đoạ. Tất cả chúng-sinh trong Tam-giới đều phải chịu khổ như nhau khi mang lấy xác thân ngũ-uẩn này, và mỗi vật hữu-vi đều là tượng-trưng của ba tướng: Vô-thường, Khổ-não, Vô-ngã. Hơn nữa, các bậc sa-môn ấy chẳng hề để cho ngũ-trần thâm-nhập vào tâm. Cũng như nước không sao dính trên lá sen được. Các ngài hằng chán-ngán sự sanh tử luân-hồi nên cố lánh xa thế-tục. Vì lẽ ấy mà ai-ai cũng công-nhận các bậc sa-môn tu theo Phật-Giáo, hành đạo đúng theo phương-pháp và có thể giải-thoát được".

Nghe những lời chánh-đáng ấy, Vitasoka rất ăn-năn tự hối, chấp tay tâu rằng: "Tâu lệnh-hoàng-huynh, vậy xin hoàng-huynh cho phép em qui-y để nương nhờ nơi Tam-Bảo, kể từ nay cho đến trọn đời". Vua A-Dục hết sức vui mừng, ôm em vào lòng và ân-xá các tội-lỗi đã qua.

Rồi từ đó, ngày-ngày, Vitasoka đều mang bông và nhang đèn đến chiêm-bái tháp-thờ xá-lợi của Ðức Thế Tôn, đều dâng cúng vật dụng cho chư-tăng và tìm đến các vị đại A La Hán để nghe kinh thính pháp. Chẳng bao lâu, ông phát tâm tin-tưởng dũng-mãnh đối với Phật-Pháp và đến xin vua A-Dục cho phép mình xuất-gia. Vitasoka tâu với vua như vầy: "Tâu lệnh-hoàng-huynh, sở-dĩ em xuất-gia tu niệm là vì muốn tránh khỏi cảnh tử-biệt sinh-ly, muốn khỏi sanh diệt, muốn được đạo quả Niết-Bàn, an vui bền bỉ, chớ chẳng phải vì rẻ-rúng ngôi vua hay ngán-ngẩm tài sắc, lợi-danh".

Nghe qua, đức vua rất ngạc-nhiên. Ngài lập kế để thử coi Vitasoka có đầy đủ nghị-lực và sự nhẫn-nại đặng xuất-gia hành đạo chăng, rồi trao cho Vitasoka một cái bát và một cây gậy mà phán rằng: "Vậy bắt đầu từ nay, ngự-đệ phải ở dưới cội cây, phải ngủ trên giường cỏ và đi xin lấy vật thực của bọn thị-tỳ mà dùng". Ban đầu, nhóm thị-tỳ bố-thí nhiều thực-phẩm ngon-lành, đức vua dạy nên cho chút ít món ăn tầm-thường mà thôi. Nhưng Vitasoka vẫn bền tâm, ai cho chi thọ nấy, chẳng khen chê, chọn lựa chi cả.

Chừng ấy, vua A-Dục mới chịu cho phép Vitasoka xuất-gia hành đạo và dặn khi nào đắc quả, thì nên trở về cho mình hay. Ông hoàng Vitasoka liền khởi hành, rời khỏi thành Pãtaliputra, đi tìm nơi thanh-vắng tu hành, và chẳng bao lâu được đắc quả A La Hán. Nhớ lời dặn của vua anh lúc trước, ngài trở về triều để tiếp-độ thân-quyến. Vua A-Dục cùng triều-thần đón rước rất trọng-thể và khi thấy ngài có dung-mạo tề-chỉnh khác phàm, đức vua liền mọp xuống lạy và ngâm kệ rằng:

Sau một thời-gian xa-cách đệ-huynh,
Ai-ai cũng phải vui mừng trong khi đoàn-tụ,
Nhưng trước đôi mắt thản-nhiên không còn luyến-ái,
Trẫm nhận rằng ngài đã thoát vòng thế-tục, thân tâm mát mẻ.

Vị đại-thần Radhagupta cũng hết sức mến-phục đức Vitasoka, mọp xuống đảnh-lễ và ngâm kệ rằng:

Nhìn đức Vitasoka, tâm-trí ta trở nên an-tĩnh nhẹ-nhàng,
Ngài rất tự-tại vì đã diệt-tận được lòng tham-muốn,
Ðã thành-tựu theo nguyện-vọng trên đường tu tập.
Với chí cương-quyết, vất bỏ ngai vàng xã-tắc
[26],
Ngài chẳng màng đến cuộc phú-quý, vinh-hoa,
Ðể tìm một đời sống thanh-bạch, cao-thượng của đấng siêu-phàm.

Sau buổi trai-tăng trọng-hậu, đức Vitasoka cáo-từ vua A-Dục và thuyết cho ngài nghe như vầy: "Tâu vương-huynh, phẩm-hạnh đế-vương thật là cao-quý. Ngài phải làm thế nào để trở nên một bậc minh-quân, được dân yêu quan chuộng. Nhưng Tam-Bảo lại còn quí-trọng bội-phần và ít khi gặp đặng. Vậy đại-vương hãy tinh-tấn bố-thí, làm lành, trước để độ mình, sau làm gương cho nhóm hậu-lai".

IX - Thời kỳ cuối cùng của vua A-Dục

Khi đức vua thấy mình tuổi cao, sức yếu và chẳng còn sống được bao lâu nữa, ngài phán hỏi vị đại A La Hán Upagupta như vầy: "Bạch Hoá Ðại-Ðức, chẳng hay hồi lúc Ðức Thế Tôn còn tại thế, có bậc hộ-pháp nào cúng dường Tam-Bảo trong sạch và rộng-rãi hơn hết?"

- "Tâu Ðại-Vương, chỉ có vị trưởng-giả Anathapindika (Cấp Cô Ðộc) cúng dường Tam-Bảo trọng-hậu hơn hết. Trọn đời, ông bố-thí ngót một tỷ đồng vàng".

Ðức vua A-Dục liền tính lại công-đức của mình đã làm từ nào tới giờ, trong những việc hộ-trì Phật Pháp như: dựng 84.000 tháp thờ xá-lợi, triệu-tập 1.000 vị thánh-tăng để kết-tập Tam-Tạng kỳ thứ ba, tu-bổ những chỗ động-tâm, trai-tăng, bố-thí, vân-vân ... thì thấy mình chỉ xuất ra có 960 triệu. Ngài than rằng: "Xưa kia, ông bá-hộ Cấp Cô Ðộc là một người thường dân, lại dám bố-thí đến một tỉ đồng vàng, còn hiện nay trẫm là một bậc đế-vương, thống-trị khắp cõi Diêm-Phù, của nhiều quyền rộng, mà chỉ làm phước có 960 triệu, như vậy trẫm rất hổ thầm". Ngài bèn hỏi vị Ðại-thần Radhagupta: "Vậy chớ phải nên làm thế nào?" Ông này tâu rằng: "Tâu Bệ-Hạ, xin ngài tùy-tiện truất của kho ra thêm 40 triệu nữa để bố-thí là xong[27]". Vua A-Dục dạy triều-thần làm như vậy, nhưng họ chẳng chịu vâng lời, vì sợ vua xài hết công-quỹ và làm cho tài-chánh trong nước phải rối-rắm sau khi ngài thăng-hà. Thấy triều-thần chẳng tuân theo ý mình, đức vua phát tâm chán-nản và than rằng:

Những lời giáo huấn của đấng Phật Ðà thật đúng theo chân-lý,
Ngài dạy rằng: vì có thương trong lúc gần nhau, nên mới khổ khi phải xa nhau.
Trước kia, khắp văn-võ trào-thần đều cúi đầu nghe theo ý Trẫm,
Hôm nay chẳng ai còn nể đến oai rồng,
Như giòng nước kia bị dẫy núi cao ngăn cản.
Trước kia, trẫm là chúa một châu thiên-hạ, thưởng phạt thần dân,
Ðánh nam, dẹp bắc, khắc-phục chư-hầu,
Giải-nguy, cứu-khổ như tàng cây cả che chở muôn loài.
Nay thời oanh-liệt đã qua, chẳng khác nào cổ xe kia tan vỡ,
Như rể cây kia khô héo, không còn chỗ cho bông trái nương nhờ.
Cũng như hiện nay, trẫm đã trở nên người bất lực,
Nên chẳng ai chịu nghe đến lệnh cửu-trùng. 

Vì xét rằng đời là bào-ảnh, vạn-vật đều vô-thường và cái chết sắp đến nơi, nên hễ có vật chi quí-báu, tốt đẹp, đức vua đều đem ra dâng cúng đến ngôi Tam-Bảo. Những mâm bạc chén vàng, ngọc-ngà, châu-báu, thảy-thảy ngài đều đem ra bố-thí. Thấy vậy, triều-thần lại bày-vẽ cho vị đông-cung sắp được lên ngôi nên tom góp vào kho tất cả những vật quí-báu của vua thường dùng. Rốt cuộc, ngài phải ăn với chén dĩa bằng đất như các thường dân.

Một hôm nọ, được người dâng cho nửa trái Amalaka, một thứ trái cây hiếm có, ngài liền dạy vị quan-hầu Bhaddamukha nên đem dâng đến chư-tăng và bạch cho các ngài nghe rằng: "Bạch Hoá Chư Ðại-Ðức, nửa trái Amalaka là vật thuộc quyền sở-hữu của đức vua trong lúc cuối cùng. Vì tuổi cao sức kiệt, ngài chẳng còn quyền tự-do xử-dụng tài-sản của mình như thuở hùng-cường. Vậy xin Chư Ðại-Ðức hoan-hỷ thọ lãnh vật mọn này gọi là sự cúng dường lần chót của hoàng-đế A-Dục, đặng cho ngài được an vui lâu dài". Ông Bhaddamukha vâng lời đem nửa trái Amalaka  đến dâng cho chư-tăng. Các ngài đồng-thinh hô to lên rằng: "Lành thay! lành thay!" Rồi cho xắt nửa trái Amalaka ấy ra thật mỏng, đem trộn với cháo rồi chia nhau mà độ trong buổi ấy.

Lúc sắp thở hơi cuối cùng, đức vua A-Dục hỏi vị đại-thần Radhagupta như vầy: "Này hiền-khanh, vậy chớ hiện nay ai là chúa-tể trong cõi diêm-phù này?"

- "Tâu lệnh hoàng-thượng, chính ngài là chúa thiên-hạ".

- "Nếu vậy thì trong giờ phút này, trẫm xin dâng đến ngôi Tam-Bảo hết thảy giang-sơn của trẫm. Với phước báu mà trẫm đã làm từ xưa đến nay và về kiếp tương-lai, trẫm chẳng cầu được thọ-sinh làm một bậc phạm-thiên, một đức trời Ðế Thích, một bậc Chuyển Luân Vương hay là một nhân-vật cao sang nào, mà chỉ nguyện sao cho trẫm biết ăn ở theo đường chánh và biết điều-khiển thân tâm, để đắc quả vị thánh-nhân".

Ðức vua cho làm tờ di-chúc, trao lại cho ông Radhagupta rồi thăng-hà liền trong khi ấy.

Sau cuộc lễ táng-chung, vị đại-thần Radhagupta đem tờ di-chúc ấy ra công-bố cho văn-võ triều-thần nghe như vầy: "Ðức hoàng-đế A-Dục, khi còn sinh-tiền, xét rằng mình chỉ bố-thí có 960 triệu và muốn làm phước thêm 40 triệu nữa cho bằng vị trưởng-giả Cấp Cô Ðộc, nên ngài đã làm tờ di-chúc, dâng hết thảy đất Diêm-Phù này cho ngôi Tam-Bảo. Vậy chúng ta nên truất của kho ra 40 triệu, mua lại giang-sơn cho vị tân-quân".

Sau khi bàn-tính xong, triều-thần phải đành đem 40 triệu dâng vào ngôi Tam-Bảo để làm theo ý-muốn của đức tiên-hoàng A-Dục[28].

-ooOoo-

Đầu trang | 00 || 11 | 12 | 13 | 14 | 15 || 21 | 22 | 23 | 24 | 25 || 31 | 32 | 33 | 34 | 35


[Trở về trang Thư Mục]

updated: 19-04-2002



[1] Vua A-Dục so-sánh công-đức mình với phước báu của các chư-thiên.

[2] Trong mỗi chỗ này, đức vua đều xưng mình là bạn của chư-thiên.

[3] Phật pháp.

[4]  Ðược sanh về cõi trời.

[5] Tiếng Phạn: Anathapindika.

[6] Tiếng Phạn: Jeta.

[7] Theo Phật-Giáo Nguyên-Thủy, thánh-nhân và thánh-tăng có nghĩa là bậc đã đắc được một trong 4 quả thánh.

[8] Nhờ những đền-thờ và bia đá ấy mà các nhà khảo-cổ trên thế-giới chẳng còn nghi-ngờ gì về sử tích của Ðức Phật Thích-Ca.

[9] Trúc Lâm tịnh-xá do vua Tần Bà Sa dâng cho tăng-hội.

[10] Trong kinh, không nói rõ là hột gì.

[11] Sau tái-sinh lại làm vua Asoka (A-Dục).

[12] Ðược thọ-sinh làm vị đại-thần của vua A-Dục, lấy tên là Radhagupta.

[13] Chuyển luân vương.

[14] Bọn cung-phi không muốn cho vua thấy mặt nàng.

[15] Asoka có nghĩa là: Vô  Ưu.

[16] Vitasoka có nghĩa là: Tận Ưu.

[17] Do quả-báo của sự bố-thí đất đến Ðức Phật.

[18]  Ðứa trẻ tên Vijaya hồi kiếp trước và sẻ trở nên vị quan đại-thần của vua A-Dục.

[19] Tuy là một tín-đồ rất nhiệt-thành trong Phật-Giáo, vua A-Dục vẫn giữ tâm bình-đẳng và khoan-hồng đới với các tôn-giáo khác trong xứ Ấn Ðộ. Ðến mỗi kỳ ðại lễ, ngài đều bố-thí đầy-đủ cho khắp hàng tu-sĩ, bất-luận thuộc về chi-đạo nào.

[20] Tất cả xá-lợi của Ðức Phật được phụng-thờ trong khắp thế-gian hiện nay đều do các tháp ấy mà ra.

[21] Những nước này đều ở dưới quyền vua A-Dục.

[22] Một Koti.

[23] Hiện giờ là Bodh-Gaya trong xứ Ấn Ðộ.

[24] Ðoạn này có ý-nghĩa rằng không phải nhờ tu khổ-hạnh, ăn rễ trái, mà đắc đạo, nhưng chính nhờ cách hành đạo đúng theo phương-pháp thì mới được giải-thoát.

[25] Tiếng Phạn: Candala, ám-chỉ những hạng người đê-tiện hơn hết trong xứ Ấn Ðộ, mà các nhà vua thường chọn làm giám-sát quan.

[26] Theo phong-tục của vài nước, ngôi vua được truyền từ anh đến em và khi nào không có em thì truyền lại cho con.

[27] Tiền-thân của Radhagupta là đứa trẻ Vijaya, đã có tâm thỏa-thích về sự bố-thí của bạn, nên bây giờ vị quan ấy cũng xu-hướng theo đức vua trong các việc phước-thiện.

[28] Có kinh khác nói vua A-Dục, khi thăng-hà, vì bực-tức rằng triều-thần chẳng chịu truất của kho ra bố-thí nên phải bị thọ-sinh làm rắn hết bảy ngày. Sau nhờ người con, là ngài Ðại-Ðức A La Hán Mahinda, thuyết-pháp độ cho siêu-sinh làm chư-thiên. Ngoài ra, người con gái của ngài cũng xuất-gia và đem nhánh bồ-đề đầu tiên sang Tích Lan.