Buddhasasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Nhặt Lá Bồ Ðề - Tập 2
Thích Thanh Từ


Phần 1

Trích Giảng Kinh A Hàm



1. Nhan Sắc Thù Diệu

Trong Tương Ưng Bộ Kinh chép:

Một buổi khuya, tại vườn Ông Cấp Cô Ðộc, khi đêm sắp tàn, với dung nhan thù thắng một vị Thiên đến ra mắt Phật và thưa:

-- Bạch Thế Tôn, các vị Tỳ Kheo ngày chỉ ăn một bửa, do vì đâu mà dung nhan các Ngài thù diệu như thế?

Thế Tôn nói bài kệ đáp:

Không than việc đã qua
Không mong việc sắp đến
Sống ngay với hiện tại
Do vậy, sắc thù diệu.
Do mong việc sắp đến
Do than việc đã qua
Kẻ ngu thân héo mòn
Như lau xanh rời cành!

Bình:

Thế gian sở dĩ mau già trước tuổi là có gì lạ đâu, bởi lo nghĩ qua nhiều phải không? Những việc đã qua không chịu để cho qua đi, cứ ghi nhớ mãi rồi than thở nuối tiếc... Những việc chưa đến lại cứ mong mỏi đợi chờ hồi hộp lo âu... Người ta cứ sống mãi với những bóng dáng viễn vông mà quên mất những gì hiện có. Quả thật chúng ta lâu nay chỉ sống với cái đã chết, cái mộng mị, mà chưa từng biết sống thực, trách gì thân chưa bao nhiêu tuổi mà đầu đã bạc! Cho nên hình ảnh đáng thương nhất, đức Phật đã diễn tả: Như lau xanh rời cành, đáng lẽ lá vàng mới rụng khỏi cành, đó là đúng thời tiếc. Còn đây tức là chín háp, già háp, như lá lau còn xanh tươi mà phải rụng đi, thật có đáng buồn chăng? Cho nên bậc Tỳ Kheo hiểu được đạo lý sống rất nhàn. Việc qua rồi không bận lòng nhớ đến, việc sắp tới cũng chẳng để tâm đợi chờ, hiện tại tùy duyên sống, thì tuy ở trong sóng gió cuộc đời mà vẫn thường an ổn, nhan sắc tươi trẻ, lâu già, tinh thần trong sáng, chúng ta thấy rất là Thiền khỏi phải tìm đâu xa!

"Ngày nay chỉ biết ngày nay
còn xuân thu trước ai hay làm gì !"

Tóm lại, người hiểu đạo khác với người thế gian là ở chỗ: Thế gian thì quên hiện tại mà sống với những chuyện đâu đâu, trái lại, người hiểu đạo sống ngay với cái hiện có, không nghĩ ngợi vu vơ. Hãy quán kỹ lại xem, thế gian này có gì đáng nhớ? Có gì đáng mong?

2. Không Hoan Hỉ Không Sầu Muộn

Trong Tương Ưng Bộ Kinh chép:

Một thời Thế Tôn ở tại Xá Vệ, rừng Kỳ Ðà (Jetavana) vườn ông Cấp Cô Ðộc.

Rồi một vị Thiên Tử tên là Kakudha, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng toàn vùng Jatavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên, bạch rằng:

-- Thưa Sa Môn, Ngài có hoan hỷ không?

-- Ta được cái gì, này hiền giả (mà ta hoan hỷ)?

-- Nếu vậy, thưa Sa Môn, có phải Ngài sầu muộn?

-- Ta mòn mỏi cái gì, này hiền giả (mà ta sầu muộn)?

-- Vậy thời, thưa Sa Môn, Ngài không hoan hỷ và không sầu muộn?

-- Thật đúng vậy, này hiền giả!

Thế Tôn liền nói bài kệ:

Hoan hỷ chỉ có đến
Với người tâm sầu muộn
Sầu muộn chỉ có đến
Với người tâm hoan hỷ
Do vậy, vị Tỳ Kheo
Không hoan hỷ sầu muộn
Vậy nên, này hiền giả
Ngươi phải biết như vậy.

Bình:

Hỏi hoan hỷ hay sầu muộn là bởi trong lòng còn chứa cái niệm được mất. Vì nghĩ được nên hoan hỷ, vì nghĩ mất nên sầu muộn. Nhưng có hoan hỷ là do đã từng sầu muộn: Cái gì bị mất mát khi được thì sanh tâm hoan hỷ. Trái lại, sầu muộn là do đã có cái hoan hỷ: Cái đã được mà bị mất đi liền sầu muộn.

Thế gian chúng ta cứ mãi sống lẫn quẩn trong vòng được mất nên hết hoan hỷ rồi sầu muộn, hết sầu muộn đến hoan hỷ... như sóng chập chùng lên xuống không có ngày dừng. Thế nên người hiểu đạo, thấy rõ hoan hỷ và sầu muộn chỉ là cặp đối đãi nhau không thật thể, ngay đó tâm lặng lẽ như như. Mà lặng lẽ như như tức là đạo chứ gì? Cho nên chúng ta có phảỉ nhọc nhằn tìm đạo đâu xa?

Chỗ này chúng ta mới thấy Phật nói, Tổ nói không hai. Phật nói hoan hỷ là do tâm sầu muộn, sầu muộn là do tâm hoan hỷ tức hai bên nhơn nhau mà có; lại bảo không hoan hỷ sầu muộn là dứt cả hai đầu được mất. Tổ thì thường bảo, còn thấy có hai là chưa thấy đạo; cho nên người hỏi đạo mà còn mắc kẹt hai bên thì các Ngài liền đưa hai ngón tay.

Tóm lại, còn có tâm được mất là còn có hoan hỷ sầu muộn, tức còn dao động. Trái lại, không thấy có được mất tức không hoan hỷ sầu muộn, ngay đó là Ðạo!

3. Chân Nhân

Cũng trong Tương Ưng Bộ Kinh, Phật nói có bốn hạng người:

  1. Hạng người thứ nhất: Không ai hỏi về cái tốt của mình mà cứ nói, huống là có hỏi.
  2. Hạng người thứ hai: Có ai hỏi đến cái tốt của người cũng chỉ nói bập bẹ, nói ngập ngừng, huống là không hỏi (tức chẳng nói).
  3. Hạng người thứ ba: Không ai hỏi đến cái xấu của người mà cứ nói, huống là có hỏi.
  4. Hạng người thứ tư: Có ai hỏi đến cái xấu của mình thì che giấu, huống là không hỏi (tức chẳng bao giờ nói).

Bình:

Thấy lỗi người, che giấu lỗi mình, khoe khoang cái hay của mình và che dấu cái hay của người là căn bệnh trầm kha của con người. Nó là bức tường kiên cố ngăn cách đạo giải thoát. Vì nồng cốt của đạo Phật là "Vô Ngã". Người muốn giải thoát sanh tử phải phá tan ngã chấp. Nếu tâm chấp ngã còn nặng trĩu thì không mong gì giải thoát được. Sở dĩ che giấu lỗi mình, vạch bày lỗi người v.v...là gốc của si mê chấp ngã. Muốn dứt trừ bệnh si mê chấp ngã, điều kiện trước tiên phải dẹp trừ tâm lỗi lầm "thấy lỗi người, che dấu lỗi mình...". Lục Tổ dạy: "Người đời nếu thật tu hành, đừng thấy lỗi thế gian. Các việc muốn không ngại, thường phải thấy lỗi mình, như thế mới hợp với đạo".

Trên bước đường tu tập của chúng ta, muốn khỏi bị chướng ngại thì phải xoay lại chính mình, tự kiểm điểm từng tâm niệm để xét nét những lỗi lầm khi tâm vừa dấy khởi. Nếu tu hành như vậy, chúng ta đâu có thì giờ rảnh rỗi để nghỉ đến lỗi lầm của kẻ khác. Người dụng tâm như vậy tiến đạo không khó. Phật gọi người này là "người chân thật" (chân nhân). Trái lại, người ôm lòng chấp ngã, bươi móc lỗi người che dấu cái hay, cái tốt của kẻ khác, chính là kẻ tà vạy, không phải người chân chính (giả đạo nhân).

Vậy chúng ta nên đem những điều Phật dạy trên để làm cây thước đo lại lòng mình thuộc "chân" hay "giả".

4. Ba Thứ Trí Tuệ

Trong Tương Ưng Bộ Kinh Phật nói có ba thứ trí tuệ:

  1. Trí tuệ lộn ngược.
  2. Trí tuệ bắp vế.
  3. Trí tuệ rộng lớn.

Thế nào là trí tuệ lộn ngược?

-- Có người đến chùa, tinh xá nghe pháp, trong khi nghe không rõ biết, không phân biệt được đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối. Ví như cái bình để dựng ngược lên dù đổ bao nhiêu nước cũng chảy ra ngoài không chứa đựng được chút gì. Phật nói người như thế gọi là trí tuệ lộn ngược.

Thế nào là trí tuệ bắp vế?

-- Có người đến chùa đến tinh xá nghe pháp, cũng không phân biệt biết rõ đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối; nhưng khi đứng dậy liền quên hết. Ví như có người ngồi để bánh, kẹo v.v... trên bắp vế, khi đứng dậy liền đổ hết. Âúy gọi là trí tuệ bắp vế.

Thế nào là trí tuệ rộng lớn?

-- Những người đến chùa, tinh xá, khi nhe pháp hiểu biết, phân biệt rõ ràng đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối. Khi đi cũng nhớ biết và phân biệt rõ đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Phật nói ví như cái bình để dựng đứng, khi đổ nước vào tức chứa đựng lại, ấy gọi là trí tuệ rộng lớn.

Bình:

Chúng ta thử kiểm điểm lại mình xem là thuộc loại trí tuệ nào:

Là Phật tử đi chùa nghe pháp, chúng ta phải cố gắng nhận hiểu rõ ràng những nghĩa lý Phật dạy, hoặc chư Tổ nói mà chư Tăng đã thuyết giảng để rồi sau khi ra về nhớ đó mà thực hành theo. Như vậy chúng ta mới có lợi ích, xứng đáng là người Phật tử biết đi chùa nghe pháp. Nếu đã đến chùa, lại về không thì chúng ta thiếu sót biết mấy, phí bao nhiêu thì giờ quý báu. Cho nên chúng ta phải học trí tuệ rộng lớn, chớ không để trở thành trí tuệ lộn ngược hay trí tuệ bắp vế là điều đáng hổ thẹn!

Tiến lên một tầng, chúng ta có thể dùng cả ba loại trí tuệ trên. Nhưng dùng như thế nào?

  1. Chúng ta đến chùa nghe pháp mỗi lời, mỗi câu đều xoay trở về bản tâm của mình, chớ không ghi câu, ghi lời hay lấy cái hiểu của Thầy làm cái hiểu của mình. Khi đã nhận rõ sự thật nơi chính mình tức thì những điều thấy nghe từ trước đều rỗng suốt. Cũng như cái bình lủng đáy để dựng ngược, khi đổ nước ở đáy bình thì chảy suốt qua miệng bình rồi ra ngoài, không giữ lại cái gì trong ấy, tuy nhiên bụi bặm trong đó đã bị tẩy rửa. Ðó gọi là trí tuệ lộn ngược.
  2. Chúng ta khi cần phương tiện nghe pháp cũng phân biệt rành rẽ đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối, hiểu rõ từng câu văn, song khi không cần liền buông hết chẳng luyến tiếc. Như khi ngồi ăn thì tạm để đồ ăn trên bắp vế đến khi đứng dậy liền bỏ rơi hết. Ðó gọi là trí tuệ bắp vế.
  3. Chúng ta đến chùa nghe pháp, mỗi mỗi phân biệt hiểu biết rành rẽ nhưng không chấp lấy một điểm sở đắc, khi đi cũng phân biệt nhớ biết rõ ràng mà chính mình cũng không một điểm. Ví như cái bình lủng đáy để dựng đứng. Khi đổ nước vào miệng bình thì chảy suốt tận đáy rồi ra ngoài, tẩy sạch bao nhiêu bụi bặm mà không giữ lại cái gì trong ấy. Ðấy là trí tuệ rộng lớn không bờ mé, chúng ta không thể quên.

Như vậy, ba thứ trí tuệ Phật đã nói, chúng ta có thể nói xuôi mà cũng có thể dùng ngược. Nói xuôi thì trí tuệ rộng lớn nên học, trí tuệ lộn ngược và trí tuệ bắp vế chớ theo. Dùng ngược thì cả ba đều thông, đồng một thể giác. Mỗi người hãy tự xét lấy mà dùng cho xứng đáng là người con Phật.

5. Chọn Bạn

Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật dạy:

Người muốn chọn bạn lành, phải chọn những người có đủ ba điều khó có thể làm. Tức là:

  1. Dám cho những cái khó cho.
  2. Dám làm những việc khó làm.
  3. Kham nhẫn những việc khó nhẫn.

Bình:

Ðây là Phật nêu ra ba nguyên tắc để chúng ta chọn bạn. Thông thường ở thế gian kết bạn, hay theo tình cảm cá nhân hoặc đoàn thể: Người làm thợ thích chọn bạn làm thợ, kẻ công chức thích kết bạn với người làm công chức, người thích văn nghệ thích chơi với người biết văn nghệ, kẻ rượu chè thường kết bạn rượu chè hoặc lựa người cùng một đoàn thể cùng một tổ chức v.v... mà kết bạn với nhau.

Ở đây Phật dạy kỹ hơn, Ngài bảo: Người mà muốn kết nghĩa bạn thân phải chọn những người có những đức tánh như sau:

  1. Dám cho những cái khó cho, tức là người rộng rãi, bao dung không keo kiệt, sẵn sàng hy sinh cho bạn chẳng tiếc của cải khi thấy bạn cần.
  2. Dám làm những việc khó làm, tức là người có ý chí, có lập trường vững chắc, khi ra làm một việc gì quyết làm cho kỳ được, dù gặp khó khăn thế mấy cũng không nãn lòng, chùng bước.
  3. Kham nhẫn những điều khó kham nhẫn, tức người có nghị lực mạnh, dù gặp những câu nói trái tai, những lời vô lý nhưng vẫn an nhiên bình tỉnh giữ thái độ hòa dịu trước mọi người không tranh hơn thua.

Người có đủ ba đức tánh trên, ta nên gần gũi họ nhất định sẽ được lợi ích lớn trong hiện tại và mai sau. Tổ Qui Sơn bảo: "Người gần gũi bạn lành như đi trong sương mù, tuy không thấy ướt áo, nhưng nó sẽ thấm dần" (Thân cận thiện hữu như vụ lộ trung hành. Tuy bất thấp y thời thời hữu nhuận).

6. Biết Xả

Cũng trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật dạy có ba hạng người:

  1. Hạng người như chữ khắc trên đá.
  2. Hạng người như chữ viết trên đất.
  3. Hạng người như chữ viết trên nước.

Bình:

Ðây là nói về người biết xả hay không biết xả. Xả là buông bỏ. Người biết buông bỏ thì đối trước một việc gì thấy có tổn hại thân tâm liền buông bỏ không chấp giữ. Chẳng hạn khi gặp người nói trái tai, biết rõ lời nói không thật liền thông qua không cố chấp tức thì tâm tự nhiên mát mẻ. Nếu cứ khắc khoải trong lòng tất không khỏi phiền hận, từ đó có đấu tranh và đau khổ! Ví như chữ viết trên nước đâu thành chữ? Trái lại viết trên đất, chữ ắt thành, còn khắc vào đá thì còn nguy hại to. Cũng vậy, buông xả thì phiền não không thành, chấp thủ nhẹ thì ray rứt trong lòng, nặng thì phát ra hành động, hoặc nhẹ thì khổ trong đời này, nặng thì khổ trong nhiều đời sau nữa.

Vậy chúng ta phải tập giống như chữ viết trên nước, dù viết bao nhiêu cũng không thành chữ, đó là chúng ta sống an vui đời này và đời sau...

7. Biết Pháp

Cũng trong Tương Ưng Bộ Kinh, Phật dạy:

Có ba hạng người biết pháp:

  1. Biết vị ngọt.
  2. Biết nguy hại.
  3. Biết xuất ly.

Thế nào là biết vị ngọt?

-- Tức ám chỉ người si mê chạy theo sáu trần sanh tâm tham ái nhiễm trước, đắm chìm trong ngũ dục.

Thế nào là biết nguy hại?

-- Tức là biết rõ sự vật là vô thường biến diệt, là pháp đưa đến khổ đau và bất hạnh.

Thế nào là biết xuất ly?

-- Tức là biết rõ các pháp vô thường biến hoại đưa đến khổ đau không phải pháp chân thật an lạc, nên cầu xuất ly ra khỏi sanh tử luân hồi.

Bình:

Ở đây Phật nêu ra cho chúng ta thấy hạng người khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần là bị triền phược hay giải thoát.

Người mà không biết vị ngọt, không biết nguy hại, không biết xuất ly tức bị triền phược không thể giải thoát. Ví như khi ăn thức ăn ngon, chỉ một bề chạy theo mùi vị, tham cầu không thỏa mãn đó là người không biết vị ngọt, không biết nguy hại, không biết xuất ly.

Trái lại khi ăn thức ăn ngon, biết đây là pháp đắm nhiễm là biết vị ngọt, biết đây là pháp đưa đến khổ đau là biết nguy hại, biết đây là pháp không chân thật an lạc phải nên xa lìa, là biết xuất ly. Người mà đủ ba điều như thế tức sáu trần không thể nhiễm. Ngay đó giải thoát khổ đau.

8. Cô Dâu Mới Về Nhà Chồng

Cũng trong Tương Ưng Bộ Kinh, Phật nói:

Cô dâu mới về nhà chồng thấy chồng cũng hổ thẹn, thấy cha chồng, mẹ chồng, em chồng, cô bác bên chồng v.v... đều hổ thẹn rụt rè. Ở thời gian lâu hơi quen thuộc, nếu có ai hỏi gì thì nói: "Ði! Ði! Ông có hiểu biết gì!".

Cũng vậy, vị Tỳ Kheo mới xuất gia ở chùa hay tinh xá, thấy Trưởng Lão, Thượng Tọa, Hạ Tọa A Xà Lê v.v... Thấy ai cũng hổ thẹn ngỡ ngàng. Ở thời gian lâu khi quen thuộc, nếu có Thượng Tọa, A Xà Lê hỏi liền nói: "Ði! Ði! Ông có hiểu biết gì!".

Phật bảo:

-- Này các Tỳ Kheo! Các ngươi phải sống như cô dâu mới về nhà chồng.

Bình:

Khiêm nhượng và biết hổ thẹn là đức tiĩnh với người vào đạo, vì thế Phật dạy người xuất gia phải lấy hạnh tôn kính làm đầu. Nếu vào đạo mà ôm lòng tự đắc ngã mạn cống cao là đi ngược với tinh thần đạo đức. Ngài Pháp Ðạt đến lễ bái Lục Tổ mà đầu không sát đất. Tổ hỏi: "Ông mang sự nghiệp gì đến lễ ta mà đầu không sát đất?". Pháp Ðạt thưa: "Bình thường con tụng ba ngàn bộ Pháp Hoa". Tổ bảo: "Dù ông tụng muôn bộ mà không dẹp tâm ngã mạn chỉ là nuôi lớn nhân sinh tử mà thôi!".

Do đó, chúng ta thấy tâm ngã mạn là điều rất nguy hại làm chướng ngăn thánh đạo. Bởi ôm lòng ngã mạn nên không cung kính bậc trên để học hỏi đạo lý. Cũng bởi ôm lòng ngã mạn nên không được người chỉ bảo lỗi lầm để ăn năn sám hối. Ðâu chẳng nghe Tổ Qui Sơn quở: "Chẳng kính bậc Thượng Tọa, Trung Tọa, Hạ Tọa tụ hội thì không khác nhóm Bà La Môn!".

Ðây là đạo lý muôn đời mà một người cầu tiến không thể bỏ qua.

9. Quả Báo Không Cố Ðịnh

Trong Tương Ưng Bộ Kinh chép:

Một hôm có vị Bà La Môn đến hỏi Phật:

-- Thưa Cù Ðàm, có phải người tạo nhân thế nào phải cảm thọ qủa báo thế ấy chăng?

Phật nói:

-- Không hẳn như thế! Tại sao? Vì khi tạo nhân và cảm thọ quả báo "dị thục" có sai khác. Ví như có người làm ác nhỏ mà thân phải bị đọa địa ngục chịu nhiều điều thống khổ. Cũng có người làm ác như vậy, nhưng họ không đọa địa ngục mà chỉ cảm thọ quả báo khổ chút ít, hoặc thấy hoặc không thấy, tại sao? Vì người ấy biết tu thân, tu giới, tu tâm, tu huệ, tâm niệm rộng lớn nên quả báo có sai khác.

Ví như có người dùng một nắm muối bỏ vào tô nước thì tô nước sẽ mặn không uống được. Trái lại đem nắm muối ấy bỏ vào sông Hằng thì nước đâu có mặn.

Lại có người thiếu nợ 100 tiền, chủ nợ đến đòi người ấy, người ấy nghèo không thể trả nên ở tù. Trái lại cũng món nợ ấy, nếu là một phú gia thì đâu có ở tù.

Lại có người ăn trộm dê, bị chủ dê bắt giết chết, vì người ấy nghèo. Trái lại một vị quan hoặc vua đến bắt dê thì đâu có bị bắt giết chết.

Thế nên, ta nói tạo nhân và cảm thọ, quả dị thục cũng như thế.

Bình:

Qua những điều dẫn dụ trên, chúng ta thấy lý nhân quả của Phật dạy không cố định một chiều mà chuyễn biến linh động. Như trái xoài, khi mới sinh trái nhỏ màu xanh vị chua, lớn lên màu vàng vị ngọt (nếu chín). Sự biến đổi của nó từng tích tắc, trong Duy Thức học gọi là "Dị Thục Quả" (kết quả thuần thục sẽ đổi khác). Ðây là luật biến hóa chung của vũ trụ và con người. Nhờ có sự chuyễn biến, sự vật mới trở thành thế này hay thế khác. Một thửa ruộng hoang, nếu nhà nông phu biết gieo trồng, nó sẽ biến thành một khu đất hoa màu sung túc. Một cậu bé khi còn nhỏ ngu si dốt nát, nếu cha mẹ khéo dạy bảo, cho học hành, cậu bé sẽ trở thành khôn ngoan biết chữ. Một người tánh tình gian xảo trộm cắp, nếu gia đình biết giáo dục theo con đường lành, người ấy lần lần sẽ bỏ tánh trộm cắp mà trở thành người lương thiện v.v...

Từ nhân đến quả có chuyễn biến nhiệm mầu như thế, nên nó mới làm cho con người và sự vật tiến bộ hoặc thoái hóa. Một con người khi mới sinh ra dù là kẻ mang nhiều nghiệp dữ, tạo các điều bất thiện, nhưng nếu họ biết hướng thiện trở về con đường lành, biết tu thiện, tu giới, tu tâm, tu huệ thì tâm niệm độc ác trước kia sẽ lần lần dứt sạch, tâm niệm rộng lớn phát sanh. Trái lại người có nhiều tâm lành nhưng không khéo tạo điều kiện cho nó tăng trưởng thì vẫn bị lui sụt sa đọa.

Do lẽ đó, người muốn an lạc hiện tại và về sau tức phải cố gắng nuôi dưỡng và bồi bổ nhân tốt, gần bạn lành tu tập hạnh tốt, cải thiện đời sống ngày càng tiến lên theo chiều thiện, chuyễn lần từ tâm niệm phàm phu ngu mê đen tối, trở thành bậc giác ngộ thanh tịnh.

Thế nên nếu bảo làm nhân gì phải thọ quả ấy tức nhân quả trở thành cố định và thế gian không ai tu được. Ác cố định là ác, thiện cố định là thiện thì còn tu nỗi gì? Nó đã như thế dù có tu hay không tu cũng chẳng thêm bớt được, vô tình đưa người ta vào con đường đen tối hết hy vọng cải thiện.

Do vậy, người Phật tử chúng ta phải nhận định cho thật kỹ lý nhân quả, không thì dễ lầm lẫn mà khó bề tu tiến.

10. Hiếu Thảo

Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật dạy:

Người nào biết kính thờ cha mẹ như kính thờ Phạm Thiên và như kính thờ bậc Ðạo Sư, người ấy hiện đời có phước lớn, sau khi chết sanh về cõi Trời.

Phật nói kệ:

Cha mẹ gọi Phạm Thiên
Bậc Ðạo Sư hiện đời
Xứng đáng được cúng dường
Vì thương đến con cháu
Do vậy bậc hiền triết
Kính lễ và tôn trọng
Dâng đồ ăn đồ uống
Vải mặc và giường nằm
Xoa bóp khắp thân thể
Tắm rửa cả chân tay
Do sở hành như vậy
Ðối với cha và mẹ
Ðời này người hiền khen
Ðời sau hưởng thiên lạc.

Bình:

Trong Kinh, Phật dạy ở thế gian có hai hạng người đáng tôn quý:

  1. Hạng người biết ơn.
  2. Hạng người đền ơn.

Biết ơn là biết xét nét công lao khó nhọc của người ban ơn cho mình, dù là một việc rất nhỏ. Ðền ơn là đền bù lại công khó nhọc trên cho cân xứng mặc dù người ban ơn không đòi đền trả, người như thế mới là người đáng tôn quý.

Trong tất cả công ơn, ơn cha mẹ là rất lớn, vì cha mẹ là người đã tạo nên thân ta và bảo dưỡng cho vuông tròn. Dù chúng ta có lấy mực bằng biển cả cũng không thể tả hết ơn ấy. Thế nên Phật nói: "Cúng cha mẹ là cúng dường Phạm Thiên, cúng dường bậc Ðạo Sư hiện đời". Vậy, người đối với bậc sinh thành ra mình, không tôn kính và chẳng ngó ngàng gì tới, thử hỏi trong xã hội có đáng quý hay không? Do đó Phật nói chỉ có bậc hiền triết mới có thể làm được các việc hiếu thuận. Nghĩa là người biết hiếu dưỡng cha mẹ, thờ kính song thân phải là người hiếu mới làm được. Vì thế, người Phật tử tại gia muốn trở thành một Phật tử chân chánh phải lấy hạnh hiếu thảo làm đầu, khi làm xong bổn phận của người con đối với cha mẹ, chừng ấy, chúng ta mới nghĩ đến vấn đề tu giải thoát.

11.Việc Chưa Từng Có

Cũng trong Tăng Chi Bộ, Phật dạy:

Ngài A Nan có bốn việc chưa từng có:

  1. Khi Ngài A Nan thuyết pháp chư Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni nghe đều hoan hỷ phấn khởi.
  2. Khi Ngài A Nan im lặng không thuyết pháp thời chư Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni đều buồn bã.
  3. Khi Ngài A Nan thuyết Pháp, Cư sĩ nam, Cư sĩ nữ đều vui vẻ phấn khởi.
  4. Khi Ngài A Nan im lặng thời Cư sĩ nam, Cư sĩ nữ đều buồn bã.

Bình:

Trong hàng đệ tử lớn của Phật, mỗi vị đều có mỗi hạnh thù thắng như sau:

-- Ngài Xá Lợi Phất trí tuệ đệ nhất.

-- Ngài A Nan đa văn đệ nhất.

-- Ngài Ưu Ba Ly trì luật đệ nhất.

-- Ngài Ca Diếp đầu đà đệ nhất.

-- Ngài Mục Kiều Liên thần thông đệ nhất.

-- Ngài A Na Luật thiên nhãn đệ nhất...

Riêng Ngài A Nan ngoài việc học rộng nghe nhiều (đa văn), Ngài còn có bốn việc chưa từng có như Phật đã kể trên. Sở dĩ các Ngài có những diệu dụng nhiệm mầu không thể lường được, đều do đã trải qua nhiều kiếp tích lũy công đức, tu tập các pháp lành, bòn mót từng công đức nhỏ, nên nay mới được kết quả như thế. Ðọc lịch sử chúng ta vẫn còn nhớ đức Thế Tôn khi còn tại thế, có một lần Ngài xỏ kim hộ cho Ngài A Na Luật và Ngài đến giặt giũ cho các Tỳ Kheo già bệnh. Ðiều này để chứng minh Ngài không bỏ qua một hạnh lành nhỏ nào, nhờ đó mà người đời mới tôn xưng Ngài là đấng "Lưỡng túc tôn" (phước túc, huệ túc).

12. Mây Mưa

Trong Tăng Chi Bộ Kinh , Phật có một thí dụ:

Ví như trong hư không bỗng có đám mây, có sấm nhưng không mưa.

Cũng trên hư không có mây, không sấm có mưa.

Lại có khi hiện có mây, có sấm có mưa.

Có khi hiện không mây, không sấm không mưa.

Phật hợp pháp:

-- Hiện có mây có sấm không mưa, là dụ cho người nói được không làm được.

-- Hiện có mây không sấm có mưa, dụ cho người không nói được mà làm được.

-- Hiện có mây có sấm có mưa, dụ cho người nói được làm được.

-- Hiện không mây không sấm không mưa, dụ cho người không nói được cũng không làm được.

Trong hàng Sa Môn cũng có bốn:

  1. Người có học giáo lý, đọc tụng giới nhưng không thực hành.
  2. Người không thuộc giáo lý nhưng đối với pháp Tứ Ðế biết Khổ như thật, biết Tập như thật.v.v...
  3. Người đối kinh điển thông suốt, thực hành chân thật.
  4. Người không thông suốt kinh điển cũng không thực hành.

Bình:

Bài kinh này Phật nêu lên bốn hạng người trong giới xuất gia của Ngài để chúng ta xét lại coi mình thuộc hạng nào.

Nếu thuộc hạng người thứ nhất, thì chỉ có học suông vô bổ, như nói thức ăn mà bụng vẫn đói.

Hạng người thứ hai tuy không thuộc giáo lý nhưng gắng thực hành theo lời Phật dạy, mặc dù không quán triệt được giáo lý nhưng về mặc tự tu, tự độ họ vẫn có phần.

Hạng người thứ ba là hạng người ưu việt nhất, họ thông thuộc giáo lý lại thực hành theo lời Phật dạy, người này đủ điều kiện tự độ và độ tha, tự giác giác tha.

Hạng người rốt sau là hạng người vô phước nhất, đã không thông hiểu kinh điển lại không thực hành. Họ như chiếc xuồng lủng đáy, đẩy xuống nước liền chìm, người này không dự được một chút phần trong Phật pháp.

Vậy chúng ta hãy học theo hạng người thứ ba vừa thông suốt kinh điển, vừa thực hành chơn thật, như thế mới xứng đáng bậc phước điền của Nhân Thiên.

13. Bốn Thứ Ánh Sáng

Cũng trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật nói:

Có bốn thứ ánh sáng. Thế nào là bốn?

  1. Ánh sáng mặt trời.
  2. Ánh sáng mặt trăng.
  3. Ánh sáng của lửa.
  4. Ánh sáng của trí tuệ.

Phật kết luận: Trong bốn thứ ánh sáng, chỉ có ánh sáng của trí tuệ là tối thượng.

Bình:

Ðọc qua bốn thứ ánh sáng Phật nói trên, chúng ta hồi tưởng lại truyền sử. Sơ Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma khi còn làm Thái tử, con thứ ba của vua Hương Chí. Qua cuộc thí nghiệm bảo châu của Tổ Bát Nhã Ða La có điểm tương đồng.

Tổ Bát Nhã Ða La đưa viên minh châu hỏi ba vị Vương Tử:

-- Hạt châu này tròn sáng, có hạt châu nào sánh kịp không?

Vị Vương Tử thứ nhất và thứ hai đều đáp:

-- Hạt châu này bằng bảy báu quí nhất trong đời, không có vật báu nào sánh kịp.

Vị Vương Tử thứ ba (tức Bồ Ðề Ðạt Ma) thưa:

-- Ðây là "của báu" thế gian chưa đủ làm trên, đối trong các thứ báu chỉ có "Pháp bảo" là trên hết. Và ánh sáng của hạt châu này là ánh sáng trong thế gian, chưa đủ làm trên, trong các ánh sáng chỉ có "trí sáng" là trên hết. Lại nữa tác dụng chiếu soi của hạt châu này là chiếu soi trong thế gian, chưa đủ làm trên, trong các sự chiếu soi chỉ có "Tâm chiếu soi" là trên hết. Hạt châu này mặc dù nó sẵn có tánh sáng suốt chiếu soi, nhưng nó không thể tự chiếu mà phải nhờ "trí sáng" soi mới biết hạt châu này là báu.

Qua hai lối nhìn trên, chúng ta thâý ý Phật và ý Tổ đều không khác, chỉ lấy "trí tuệ" làm trên.

14. Chứng Ngộ

Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật có chia ra làm bốn thứ chứng ngộ. Thế nào là bốn?

  1. Thân: Khi tu đạt đến quả cứu cánh sẽ chứng được "Bát giải thoát".
  2. Niệm: Khi tu đến cứu cánh sẽ chứng được "Túc mạng minh".
  3. Mắt: Khi tu đến cứu cánh sẽ chứng "Thiên nhãn minh".
  4. Trí tuệ: Khi tu đến cứu cánh sẽ chứng "Lậu tận minh".

Bình:

Bài kinh này Phật nói về quả tu chứng của hàng Nhị thừa do tu Tứ Thiền, Tứ Không mà được, khác hơn sự tu chứng của Thiền Tông. Pháp tu này do định lực cạn sâu mà có kết quả sai khác. Xin giải thích bốn thứ chứng ngộ Phật nói trên:

Hành giả khi đạt được "Tứ Thiền, Tứ Không" sẽ có những diệu dụng:

  1. Thân: Ðạt đến quả Bát giải thoát cũng gọi là "Bát bối xả". Nghĩa là tám pháp thiền định có công năng xa lìa tất cả phiền não, được giải thoát những triền phược trong ba cõi, tức là thân được giải thoát.
  2. Niệm: Chứng được Túc Mạng Minh, biết được những việc sống chết của mình và của tất cả chúng sinh trong những kiếp trước, tức là niệm không ngăn ngại.
  3. Mắt: Chứng được Thiên Nhãn Minh, biết được sự sống chết của mình và của tất cả chúng sinh chết đây sinh kia, làm nhân gì phải thọ quả gì v.v... tức mắt thấy thông suốt.
  4. Trí tuệ: Chứng Lậu Tận Minh, biết được những khổ hiện tại, dùng trí huệ dứt sạch phiền não, không còn rơi trở lại, tức trí tuệ thành tựu.

Ðây là bước thang cao tột trên bước đường tu chứng của hàng Nhị Thừa vậy.

15. Biết Phật Pháp Có Khác

Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật nói: Người tu tập cũng cùng một quả vị, nhưng nếu biết Phật pháp thì kết quả có khác.

-- Người tu tập sau khi chứng Sơ Thiền, lúc tịch sanh lên cõi "Phạm Thiên". Trường hợp tu theo ngoại đạo hưởng hết phước, người ấy sẽ đọa xuống làm người. Nếu thông hiểu Phật pháp họ tu thêm sẽ chứng Niết Bàn.

-- Người tu tập sau khi chứng Nhị Thiền, lúc tịch sanh lên cõi trời "Thiểu Quang Thiên". Trường hợp tu theo ngoại đạo, hưởng hết phước, người ấy sẽ đọa xuống làm người. Nếu thông hiểu Phật pháp họ tu thêm sẽ chứng Niết Bàn.

-- Người tu tập sau khi chứng Tam Thiền, lúc tịch sanh lên cõi "Biến Tịnh Thiên". Trường hợp tu theo ngoại đạo, khi hưởng hết phước, sẽ đọa xuống làm người. Nếu thông hiểu Phật pháp họ tu thêm sẽ chứng Niết Bàn.

-- Người tu tập sau khi chứng Tứ Thiền, lúc tịch sanh lên cõi "Quảng Quả Thiên" (cũng gọi là Sắc Cứu Cánh Thiên). Trường hợp tu theo ngoại đạo hưởng hết phước, sẽ đọa xuống làm người. Nếu thông hiểu Phật pháp họ tu thêm sẽ chứng Niết Bàn.

Bình:

Bài Kinh trên cho chúng ta thấy tuy tu đồng một nhân mà kết quả có khác. Bởi vì ngoại đạo không hiểu chân thật, chấp nhận tự ngã là tu tập, mong cầu có chỗ thọ sanh. Trái lại người tu Phật quán lý Tứ Ðế thấy rõ ba cõi chưa thoát luân hồi, nhưng công phu nữa chừng, thọ mạng đã hết nên sanh cõi Trời. Tuy nhiên gặp duyên nhắc lại liền nhớ tu thêm mà chứng Niết Bàn. Chẳng hạn nghe vị Thiên Tử nói pháp hoặc Bồ Tát hoặc người đồng tu khi trước, hóa sanh lên nhắc nhở. Phật có ví dụ như người biết đánh trống khi đi đâu chợt nghe tiếng trống liền hiểu rõ từng nhịp điệu và thuộc loại gì.

Lại như có hai đứa bé cùng chơi giỡn với nhau thuở nhỏ. Thời gian lớn lên mỗi người mỗi nơi, khi gặp nhau liền nhắc lúc trước đã từng chơi giỡn như vậy như vậy, tức thì liền nhớ biết ngày xưa đã cùng chơi giỡn những trò chơi như thế với nhau.

Cũng vậy, chúng ta đã có tu tập nhân Phật pháp mà chưa viên mãn, thì khi khác nếu gặp duyên nhắc lại liền nhớ không mất (nếu có công phu mạnh). Vì thế chúng ta chớ băn khoăn lỡ tu tập giữa chừng rồi bỏ thân mạng thì không biết sẽ ra sao, có còn nhớ để tu tiếp hay không. Ðiều cần yếu là chúng ta có công phu thiết thực và thẳng tiến thì dù kiếp này chưa xong, kiếp sau tu tiếp cũng chẳng mất. Chỉ trừ kẻ buông lung ngồi không chờ đợi thì không bảo đảm.

16. Một Chiến Sĩ Giỏi

Trong Tăng Bộ Kinh, Phật nói:

Ví như một chiến sĩ giỏi phải đủ bốn điều kiện sau đây:

  1. Bắn giỏi.
  2. Nhắm xa.
  3. Chớp nhoáng.
  4. Có sức mạnh đâm thủng khối lớn.

Cũng thế Thầy Tỳ Kheo phải đủ bốn điều kiện như sau:

  1. Bắn giỏi: Nghĩa là giữ gìn giới cấm, đối với giới bổn thông thuộc gìn giữ nghiêm chỉnh .
  2. Nhắm xa: Nghĩa là đối với sắc uẩn biết rõ không phải là ta, của ta và tự ngã của ta. Thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy.
  3. Chớp nhoáng: Nghĩa là thấy rõ pháp Tứ Ðế, thông suốt pháp Tứ Ðế, và chứng nhập pháp Tứ Ðế.
  4. Có sức mạnh đâm thủng khối lớn: Nghĩa là đâm thủng khối vô minh.

Ðược vậy mới đáng được tôn trọng cung kính cúng dường, là phước điền của tất cả chúng sanh.

Bình:

Bài kinh này Phật nêu ra bốn điều kiện của một chiến sĩ giỏi, để so sánh với bốn điều kiện của một vị Tỳ Kheo chân chánh. Phàm là một chiến sĩ giỏi phải có tài thiện xạ, nghĩa là bắn giỏi, bắn xa, lanh lẹ và có đủ sức mạnh vững chắc. Cũng thế, là một tu sĩ (Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni), phải có thiện xảo đối với Phật pháp. Thiện xảo ở đây Phật dạy:

Trước tiên phải thông hiểu giới luật và giữ gìn giới cấm nghiêm chỉnh. Bởi giới luật là hàng rào để ngăn giặc phiền não không cho phát sanh, nhờ đó các hạnh lành được tăng trưởng.

Thứ hai là phải thấy rõ "ngũ uẩn" không thật thể, không phải là ta, của ta và tự ngã của ta, mà do nhiều nhân duyên hòa hợp tạm có. Do đó mà ta không còn chấp thân và ái, chấp trước vật sở hữu của thân. Nhờ không còn luyến ái và chấp trước nên phiền não lần lần nhẹ mỏng.

Thứ ba là đối với pháp "Tứ Ðế" phải thấy rõ, biết rõ và chứng được rốt ráo. Nghĩa là đối với Phật pháp (Chân đế) và thế gian pháp (Tục đế) chúng ta chứng ngộ một cách cùng tột viên mãn.

Cuối cùng là phải dứt sạch vô minh, phá tan màn si mê đen tối che phủ trí tuệ của chúng ta trong nhiều kiếp, như người tráng sĩ dùng sức mạnh phá vỡ bức thành kiên cố. Bấy giờ trí tuệ chúng ta được tròn đầy chiếu khắp cả mười phương.

Như vậy hai điểm trước là dứt phiền não, hai điểm sau là thành tựu trí tuệ.

Ðược như thế mới đáng là bậc thầy của trời người và đáng cho mọi người tôn trọng cung kính cúng dường, để làm ruộng phước cho chúng sanh.

17. Ngựa Của Vua

Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật nói:

Con ngựa quý của vua phải đủ bốn điều kiện:

  1. Ðẹp.
  2. Sức mạnh.
  3. Tốc độ nhanh.
  4. Thân thể cân đối.

Cũng vậy, Thầy Tỳ Kheo chân chánh cũng có bốn việc:

  1. Ðẹp: Nghĩa là giữ giới hạnh trang nghiêm.
  2. Sức mạnh: Là diệt trừ các pháp ác, thực hành tất cả pháp lành.
  3. Tốc độ: Thấy rõ pháp "Tứ Ðế"
  4. Cân đối: Khi nhận của cúng dường biết điều hòa và vừa đủ.

Bình:

Bài kinh này Phật nói những điều kiện để trở thành con ngựa quý của nhà vua, cũng như điều kiện để trở thành một vị tu sĩ quý trong Phật pháp.

Con ngựa được nhà vua ưa thích phải là ngựa tốt, có sắc lông đẹp, có sức mạnh, tốc độ chạy rất nhanh, và thân thể của nó cũng phải cân đối. Cũng thế, một vị Tỳ Kheo muốn được mọi người quý kính phải đủ các điều kiện:

  1. Sắc đẹp: Sắc đẹp ở đây không phải thân hình đẹp đẽ mà là gìn giữ giới cấm, có nghĩa thành tựu oai nghi. Bởi vì giới luật là chuỗi ngọc trang sức cho Pháp thân. Giới luật là thứ hương thượng diệu thơm nồng. Vì thế, thầy Tỳ Kheo lấy giới luật trang sức cho thân mình.
  2. Sức mạnh: Thầy Tỳ Kheo thực hành Tứ Chánh Cần. Ðiều ác chưa sanh ngăn ngừa không cho phát sanh, điều ác đã sanh khiến cho đoạn diệt, điều thiện chưa sanh khiến cho phát sanh, điều thiện đã sanh khiến tăng trưởng.
  3. Tốc độ: Thầy Tỳ Kheo phải thấy rõ pháp "Tứ Ðế". Lấy pháp Tứ Ðế làm thuyền bè, lấy pháp Tứ Ðế làm phao nổi để qua biển sanh tử.
  4. Cân đối: Thầy Tỳ Kheo khi nhận của cúng dường phải biết thời và chừng mực. Nghĩa là khi nhận phải đúng thời. Thời gian Phật tử có thể cúng vừa chừng và biết đủ, không được mong cầu tham thích, để cân nhắc cho sự sống.

Có đủ bốn pháp như thế vị Tỳ Kheo xứng đáng đứng trong hàng Tăng Bảo, là bậc tôn quý giữa trời người.

18. Phật Tánh Không Khác

Một hôm trên đường đi Phật để lại những dấu chân in sâu trên đất. Có một vị Bà La Môn tên là Dona giỏi về tướng số, thấy dấu chân có xoáy ốc biết là tướng phi phàm liền theo dấu chân tìm đến gặp Phật.

Dona hỏi:

-- Ngài có phải tiên không?

Phật bảo:

-- Ta không phải tiên.

-- Ngài có phải A Tu La không?

-- Ta không phải A Tu La.

-- Ngài có phải Dạ Xoa không?

-- Ta không phải Dạ Xoa.

-- Ngài có phải người không?

-- Ta không phải là người.

-- Thế Ngài là gì?

Phật bảo:

-- Nếu tiên mà "sạch hết lậu hoặc" thì ta là tiên. Nếu A Tu La mà sạch hết lậu hoặc thì ta là A Tu La. Nếu Dạ Xoa mà sạch hết lậu hoặc thì ta là Dạ Xoa. Nếu người mà sạch hết lậu hoặc thì ta là người. Còn ta vì đã sạch hết lậu hoặc nên ta là Phật, là Thế Tôn.

Bình:

Ðại ý bài kinh trên Phật dạy: Phật tánh (tánh giác) vốn đồng, do mê ngộ mà có khác. Như tấm gương vốn trong sáng, do bụi nhơ mà các hình tướng không thể chiếu vào, nhưng tánh sáng của gương không mất. Phật tánh vào trong lục đạo, nhưng Phật tánh vẫn không đổi thay, một phen hết mê thì Phật tánh hiện. Qua lời giải thích của Phật ở văn kinh đã làm sáng tỏ ý này.

-- Sở dĩ tiên không phải là Phật vì còn lậu hoặc (con mê đắm dục lạc cõi tiên). Nếu lậu hoặc sạch thì tiên sẽ là Phật.

-- A Tu La không phải là Phật vì còn lậu hoặc (nhiều sân hận ngang trái). Nếu sạch hết lậu hoặc A Tu La sẽ là Phật.

-- Dạ Xoa chẳng phải là Phật vì còn tâm bỏn xẻn, keo kiệt (còn lậu hoặc). Nếu sạch hết lậu hoặc Dạ Xoa sẽ là Phật.

-- Người không phải là Phật vì còn thiện ác xen lẫn nhau (còn lậu hoặc). Nếu sạch hết lậu hoặc người sẽ là Phật.

Như vậy Phật là bậc hoàn toàn giác ngộ dứt sạch hết tập nhân trong ba cõi nên gọi Ngài là bậc Thiên Nhân Sư hay cũng gọi là Thế Tôn. Trời, Người, A Tu La, hay Dạ Xoa mà hoàn toàn giác ngộ, dứt sạch tất cả lậu hoặc, tức cũng gọi là Phật chớ không ai khác. Thế nên nói: Phật là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành, ai ai cũng đều có thể là Phật, chỉ là giác hay mê, đã sạch lậu hoặc hay chưa sạch lậu hoặc. Vậy chúng ta muốn làm Phật hay không thì hãy xét lại nơi mình khỏi phải cầu cạnh đâu xa!

19. Nghiệp Báo Khó Tránh

Trong Tương Ưng Bộ Kinh chép:

Có vị Tỳ Kheo đem lời ác đến mạ nhục Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiều Liên. Phật ba lần can gián nhưng vị Tỳ Kheo này không biết cãi hối.

Thời gian sau, vị Tỳ Kheo ấy thân bị ghẻ lở khắp mình đau nhức rồi chết. Khi chết thần thức đọa vào địa ngục.

Phật dùng Thiên nhãn nhìn thấy bèn họp chúng dạy: "Xét người ở đời búa để trong miệng. Sở dĩ giết người bởi do lời ác" (Phù sĩ xử thế phủ tại khẩu cung, sở dĩ trảm thân do kỳ ác ngôn). Thế nên Tỳ Kheo các ngươi phải tự răn dè!

Bình:

Bài kinh này Phật nhắc lại quả báo của lời nói ác để răn dạy các thầy Tỳ Kheo.

Lời nói ác độc hại hơn lửa dữ, hơn rắn độc, nó có thể gây khổ đau cho người ta hiện đời cũng như nhiều kiếp. Qua câu chuyện Phật kể trên chúng ta đã thấy rõ.

Giờ thử tìm hiểu nguyên nhân người ta lại nói lời độc ác. Sỏ dĩ buông ra những lời độc ác là do nóng giận mà ra. Vì vậy muốn không khởi lời nói ác, Phật dạy chúng ta phải tu hạnh nhẫn nhục: Nhịn chịu những lời nói trái tai, những hành động nghịch ý, những cử chỉ thiếu lễ độ... của kẻ khác để tâm ta luôn luôn mát mẻ dịu hiền. Phải luôn luôn nhớ câu Phật dạy: "Lời nói ác như búa để trong miệng, sỏ dĩ giết người do lời nói ác" để tự răn mình.

Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy: "Người ác hại người hiền như ngược gió tung bụi, bụi không đến người mà mình bị lấm. Lại cũng như ngước mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt chẳng đến trời mà rơi xuống mặt mình".

Xét lại lời Phật nói trên thật là chí lý. Lời nói ác chỉ tự chuốc họa vào thân mình mà thôi. Tục ngữ có câu: "Ngậm máu phun ngưòi miệng mình dơ trước" là vậy.

Một điều lợi ích rất lớn khi người ta biết dằn cơn nóng giận, không để thốt lên lời nói ác. Trong Kinh Pháp Cú có câu: "Nếu bị người ta mắng mà không mắng lại, là tự cứu mình và cứu người". Tại sao? Vì nếu người ta cãi với mình mà mình làm thinh, thì họ hết cãi (trái lại thì sanh ấu đã). Họ sân với mình mà mình không sân tức là mình đã chinh phục được họ.

Người thế gian không hiểu lý này, cho là ngu si hay yếu đuối. Sự thực đây là việc làm của kẻ có trí tuệ và đầy đủ nghị lực. Phải mạnh lắm mới có thể nhẫn được, nếu yếu ớt nghe một câu trái tai tức nổi giận liền. Vậy muốn thân tâm mát mẻ, lời nói ra có đạo đức hiền từ, chúng ta phải dứt tâm phân biệt hơn thua, phải quấy, khi tâm hơn thua, phải quấy dứt thì lòng yêu ghét không còn, tâm nóng giận cũng theo đó mà hết. Hiện đời ta được an lạc và tương lai cũng tránh được quả báo khổ đau, đó là người hùng trong đạo vậy.

20. Dòng Suối Yếu

Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật dạy:

Người tu thiền bị năm triền cái (ngũ cái) làm lu mờ trí tuệ. Ví như sườn núi có một dòng suối chảy xuống biển, nếu để nó chảy một dòng thẳng ra biển thì sức chảy rất mạnh. Trái lại, nếu chia ra nhiều nhánh thì sức chảy yếu đi. Khi ấy nếu có ai dùng cây hoặc đá ngăn các ngã tẻ kỹ càng thì nó sẽ chảy bon bon ra biển.

Cũng vậy, người tu thiền định, nếu không bị "ngũ cái" che đậy thì sức định vững chắc và trí tuệ sáng ngời.

Bình:

Tâm chúng ta tròn sáng như hạt minh châu không một tỳ vết nhiễm nhơ, nhưng vì không khéo giữ gìn để bụi trần phiền não vô minh che phủ làm mất đi tánh sáng tròn của nó. Phiền não vô minh Phật nói ở đây chính là "ngũ cái" vậy. Ngũ cái là gì? Là năm thứ phiền não che đậy chân tánh chúng ta.

  1. Tham dục cái (tham đắm ngũ dục)
  2. Sân nhuế cái (giận tức, buồn phiền)
  3. Thùy miên cái (ngủ nghỉ lười biếng)
  4. Trạo hối cái (ăn năn và dao động)
  5. Nghi cái (nghi ngờ do dự).

Trong năm món che đậy này, mỗi khi một món nào khởi lên đều làm cho tâm ta bàng hoàng xao xuyến, mất đi tánh bình thường, do đó là trí huệ không phát sinh được. Như trên Phật dùng dòng suối để thí dụ. Nếu để dòng suối chảy thẳng ra biển thì sức chảy rất mạnh, trái lại, nếu chia ra nhiều ngõ ngách thì dòng suối phải yếu kém.

Vậy người tu thiền muốn đạt được kết quả viên mãn phải đoạn trừ ngũ cái. Một khi đám mây ngũ cái tiêu tan thì mặt trời trí tuệ xuất hiện sáng ngời vậy.

21. Voi Quí Của Vua

Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật nói:

Con voi quí của vua phải có đủ năm điều kiện:

  1. Biết nghe: Nghe theo tiếng điều khiển của thằng nài.
  2. Biết giết: Giết ngựa, giết người đối địch với nó.
  3. Biết phòng hộ: Giữ gìn ngà, mắt, thân thể và người ngồi trên lưng nó.
  4. Biết kham nhẫn: Biết nhẫn chịu trước lằn tên mũi kiếm.
  5. Biết đi đến: Bảo đi phải đi nhanh và đến mục đích.

Tỳ Kheo cũng thế, muốn được người tôn trọng cung kính cũng phải đủ năm điều.

  1. Biết nghe: Nghe pháp biết tất cả đầu đuôi, manh mối, không thiếu sót.
  2. Biết giết: Niệm tham, sân, si, tất cả niệm xấu ác dấy lên đều giết sạch.
  3. Biết phòng hộ: Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng... biết giữ gìn năm căn không chạy theo năm trần.
  4. Biết kham nhẫn: Nhẫn chịu đói lạnh, cực khổ ruồi muỗi, rắn rết, khen chê...
  5. Biết đi đến: Biết hướng đi và đi thẳng đến cứu cánh Niết Bàn.

Thầy Tỳ Kheo có đủ năm điều kiện trên mới xứng đáng là phước điền của chúng sanh và đáng cho người trời cung kính cúng dường.

Bình:

Bài kinh trên Phật nêu lên năm điều kiện thiết yếu và căn bản mà một vị Tỳ Kheo chân chánh cần phải có. Phật lấy con voi quý của vua làm thí dụ:

Muốn trở thành con voi tài giỏi của nhà vua phải có đủ những điều kiện:

  1. Biết nghe: Tuyệt đối tuân lịnh theo người nài giữ nó.
  2. Biết giết: Gặp các loài khác đến xâm phạm quyết giết chết không tha.
  3. Biết phòng hộ: Luôn luôn gìn giữ phòng hộ thân thể và chủ nó được an toàn.
  4. Biết kham nhẫn: Nhẫn chịu sự thương tích kẻ địch đánh giết.
  5. Biết đi đến: Phải đi nhanh và đến nơi theo ý của chủ muốn.

Thầy Tỳ Kheo chân chánh cũng phải đủ năm điều:

  1. Trước tiên phải biết nghe pháp: Thầy Tỳ Kheo khi nghe pháp phải biết đầu đuôi manh mối, biết một cách rõ ràng thông suốt. Nghĩa là phải học thông kinh điển không còn nghi lầm.
  2. Học thông kinh điển xong chưa đủ, mà phải thực hành theo lời Phật dạy để diệt phiền não, tham, sân, si và tất cả sự mê lầm trong nhiều kiếp.
  3. phải phòng hộ các căn gìn giữ cẩn thận không cho phiền não tiếp tục sanh khởi, như giữ mắt không duyên sắc, tai không duyên theo tiếng v.v... không để năm căn chạy theo năm trần sanh tâm đắm nhiễm.
  4. Ðã phòng hộ các căn lại cần phải kham nhẫn mọi nghịch cảnh thử thách, như nóng lạnh, đói khát, muỗi mòng, lời khen, tiếng chê v.v... không để nó làm chi phối mà chướng ngại việc tu tập.
  5. Cuối cùng là phải đạt được mục đích cao tột là chứng quả Niết Bàn.

Vị Tỳ Kheo có đủ những điều kiện như vậy rất xứng đáng cho Trời Người và tất cả chúng sanh tôn trọng cung kính và cúng dường.

22. Năm Ðiều Thường Nhớ

Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật dạy các Thầy Tỳ Kheo hằng nhớ năm điều thì tâm không buông lung:

  1. Già: Tất cả mọi người rồi cũng phải già yếu tàn tạ không ai tránh khỏi.
  2. Bệnh: Bệnh tật luôn luôn rình rập bên mình không phút giây lơi lỏng.
  3. Chết: Chết là luật chung của mọi người, ai rồi cũng phải chịu luật vô thường không thể tránh khỏi.
  4. Tất cả sự nghiệp đều vô thường: Cái gì có tạo rồi cũng hoàn không, không ai giữ mãi sự sản được.
  5. Mỗi người đều là chủ tạo nghiệp và trả nghiệp không ai thay thế cho mình được.

Bình:

Bài kinh này phật dạy cách tu rất đơn giản. chỉ đổi một chữ "quên" thành "nhớ". Nếu quên năm điều trên thì tâm dễ buông lung đắm nhiễm gây nghiệp tạo tội, trái lại nếu nhớ năm điều trên thì tâm hằng tỉnh giác, trong sạch và giải thoát. Thật là một phương pháp nhiệm mầu để đối trị bệnh buông lung vậy.

23. Hãy Tin Những Gì?

Một vị Bà La Môn đến hỏi Phật:

-- Nghe nói Gotama Ngài biết huyễn thuật và dùng huyễn thuật ấy để lôi cuốn những người ngoại đạo phải vậy chăng?

Phật liền nói với vị Bà La Môn:

-- Này Bà La Môn! Ngươi chớ có tin điều gì do báo cáo đem lại, chớ có tin điều gì do tin đồn đem lại, chớ có tin điều gì do truyền thống để lại, chớ có tin điều gì do kinh điển để lại, chớ có tin điều gì do phù hợp với định kiến của mình, chớ có tin điều gì do người có uy quyền nói ra, chớ có tin điều gì do bậc Ðạo Sư chỉ dạy.

Này Bà La Môn! Người chỉ nên tin những gì do chính ngươi thực sự chứng nghiệm cái đó có đưa đến an lạc hạnh phúc hay không?

-- Ví như có người từ lòng tham sai khiến thì sẽ đưa đến an lạc hạnh phúc hay đau khổ bất hạnh?

-- Bạch Cồ Ðàm! Ðưa đến đau khổ bất hạnh.

-- Ví như người từ lòng nóng giận sai khiến thì đưa đến hạnh phúc an lạc hay đau khổ bất hạnh?

-- Bạch Cồ Ðàm! Ðưa đến đau khổ bất hạnh.

-- Ví như người từ lòng si mê sai khiến thì đưa đến an lạc hạnh phúc hay đau khổ bất hạnh?

-- Bạch Cồ Ðàm! Ðưa đến đau khổ bất hạnh.

-- Vậy người tham, sân, si có ai khen không?

-- Bạch Cồ Ðàm! Không ai khen người ấy.

Phật lại hỏi:

-- Này Bà La Môn! Nếu người dứt lòng tham có làm ai đau khổ chăng?

-- Bạch Cồ Ðàm, không.

-- Này Bà La Môn! Nếu người dứt lòng sân có làm ai đau khổ không?

-- Bạch Cồ Ðàm, không.

-- Này Bà La Môn! Nếu người dứt lòng si có làm ai đau khổ không?

-- Bạch Cồ Ðàm, không.

-- Vậy ngươi hãy nghe theo người ấy.

Ông Bà La Môn nghe đến đây liền vui mừng thưa rằng:

-- Lành thay! Tôn giả Gotama khéo dùng huyễn nói huyễn, nếu có ai nghe lời giải thích của Ngài tức cũng đều an vui hạnh phúc. Cho đến cây Sa La kia nghe lời giải thích của Ngài đây cũng phải an vui hạnh phúc. Xin Ngài nhận con làm đệ tử tại gia, từ đây đến suốt đời con nguyện quy y Thế Tôn, quy y chánh pháp, quy y chúng Tăng.

Phật nói:

-- Ðúng vậy! Cho đến cây Sa La mà nghe lời giải thích của Ta đây cũng an lạc hạnh phúc. Phật chấp nhận cho ông Bà La Môn làm người Cư sĩ tại gia.

Bình:

Quả thật Thế Tôn hay khéo vô cùng! Nghe người bảo mình dùng huyễn thuật để lôi cuốn kẻ khác, Ngài không tức giận chỉ bình tỉnh bảo: Ông chớ nghe chớ tin... những gì do người khác truyền lại, chỉ nên tin những gì do chính mình thực sự chứng nghiệm lấy, điều đó có đưa đến an vui hạnh phúc hay không? Nếu điều đó đưa đến đau khổ bất hạnh thì dù là lời nói của bậc Ðạo Sư cũng chớ vội tin. Ðiều này chẳng những đối với ngoại đạo mà chính trong hàng đệ tử, Ngài cũng thường nhắc: "Các ông chớ vội tin theo Ta khi các ông chưa hiểu Ta. Chưa hiểu mà tin là kẻ si". Cho nên giáo lý Ngài rất thực tế và rộng rãi không bắt buộc một ai.

Như ba môn học: Văn huệ, Tư huệ, Tu huệ, đầu tiên chúng ta phải nghe và học với sự sáng suốt của chính mình. Kế đó dùng trí sáng suốt suy nghiệm phán đoán xem điều ấy đúng hay sai. Sau cùng thực hành trong sự sáng suốt. Chúng ta thấy trong cả ba môn đều kèm theo chữ Huệ nghĩa là nếu thiếu trí huệ thì sự học không thành. Nên nói: đạo Phật là đạo của trí huệ. Một điều gì mà chúng ta chỉ nghe nói rồi tin theo là kẻ mê muội và thường rất dễ bị lừa gạt.

Thế nên đức Phật gạn hỏi lại ông Bà La Môn: Người mà từ lòng tham, sân, si thúc đẩy thì đem đến an vui hạnh phúc hay đau khổ bất hạnh? Và người dứt tham, sân, si có làm ai đau khổ bất hạnh hay đem lại an vui hạnh phúc. Ðiều này chúng ta thấy quá rõ ràng phải không? Những gì bắt nguồn từ lòng tham, sân, si tất nhiên là mầm móng đưa đến đau khổ bất hạnh không thể chối cãi. Trái lại, người đã dứt lòng tham, sân, si thì mầm móng đau khổ từ đâu sanh, do đó không đem lại an vui hạnh phúc cho người là gì? Vì vậy, sau khi để chính ông ấy xác định lấy, Phật liền bảo "hãy nghe theo người ấy".

Chúng ta ngày nay sống trong thời khoa học cũng phải thực tế như vậy, không thể mù mờ nhắm mắt tin theo một cái gì chưa sáng sủa. Câu mà chúng ta không thể quên được là: "Chớ tin theo điều gì do báo cáo, chớ tin theo điều gì do tin đồn, chớ tin theo điều gì do truyền thống để lại, chớ tin điều gì do kinh điển lưu truyền, chớ tin điều gì phù hợp với định kiến của mình, chơ tin điều gì do người có uy quyền nói ra, chớ tin điều gì do bậc Ðạo Sư truyền dạy. Chỉ tin điều gì do chính mình thực sự chứng nghiệm cái đó chân thật đưa đến an vui hạnh phúc!" Ðược vậy là chúng ta thật sống đúng với tinh thần giác ngộ của đạo Phật vậy.

24. Sáu Pháp Vô Thượng

Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật dạy:

Thầy Tỳ Kheo chân chánh phải tu sáu pháp vô thượng. Những gì là sáu?

  1. Mắt thấy sắc không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm ở xả, hằng tỉnh sáng.
  2. Tai nghe tiếng không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm ở xả, hằng tỉnh sáng.
  3. Mũi ngửi mùi không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm ở xả, hằng tỉnh sáng.
  4. Lưỡi nếm vị không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm ở xả, hằng tỉnh sáng.
  5. Thân xúc chạm không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm ở xả, hằng tỉnh sáng.
  6. Ý đối với pháp không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm ở xả, hằng tỉnh sáng.

Ai được sáu pháp như vậy, là bậc Vô thượng, là phước điền của chúng sanh, xứng đáng cho Trời Người tôn trọng cung kính cúng dường.

Bình:

Bài kinh trên Phật dạy chúng ta tu sáu căn khi duyên sáu trần. Nghĩa là khi mắt thấy sắc không ưa thích đắm nhiễm sắc mà phải trụ tâm ở xả, hằng tỉnh sáng. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều cũng tu như vậy. Tại sao? Vì sáu căn là đầu mối của luân hồi và giải thoát. Nếu sáu căn chạy theo sáu trần sanh tâm ưa thích tức khởi niệm tham ái đắm nhiễm liền bị sáu trần lôi cuốn trong luân hồi. Trái lại, nếu sanh tâm ghét bỏ tức khởi niệm sân, cũng là gốc của luân hồi. Thế nên chẳng sanh yêu ghét, trụ tâm ở xả, hằng tỉnh sáng, ngay đó giải thoát, cũng gọi là Quán Tự Tại!

Ví như trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy Ngài A Nan: "Khiến ông lưu chuyển sanh tử bởi do sáu căn và làm cho ông an lạc giải thoát cũng từ sáu căn mà được".

Sáu căn có tầm quan trọng như vậy cho nên người tu tập muốn được giác ngộ giải thoát phải chế ngự sáu căn không cho chạy theo sáu trần. Như người chăn trâu luôn luôn cầm roi và sợi dây mũi chăn giữ con trâu không cho buông lung xâm phạm vào lúa mạ của người. Mỗi khi trâu vừa liếc ngó hai bên thì phải kéo mũi trâu lại. Cũng vậy khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, chúng ta phải thấy rõ sáu trần không thật, tạm bợ giả dối, như mộng ảo, như huyễn hóa, như bọt nước, như sương mai... tâm trụ ở xả, hằng tỉnh sáng, đó là Thiền vậy.

Trong Kinh Kim Cang, Ngài Tu Bồ Ðề hỏi Phật: "Làm sao an trụ tâm và làm sao hàng phục tâm?" Phật trả lời: "Muốn trụ tâm phải: Không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên sanh tâm không chỗ trụ, nếu còn chỗ trụ tức chẳng phải tâm an trụ rồi". (Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, nhược vi hữu trụ tức vi phi trụ).

Như vậy chúng ta thấy Phật dạy muốn trụ tâm (tâm an định) phải không kẹt sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Nếu còn kẹt sáu trần thì tâm không thể an trụ. Không đắm trước sáu trần thì tâm an trụ tự tại.

Khi tâm ta tự tại thì con đường giải thoát chúng ta khỏi tìm đâu xa.

Ðây là con đường tu thiết yếu để chúng ta thoát ly sanh tử, không có con đường thứ hai nào khác. Vì thế mà Phật, Tổ đắng miệng, cạn lời khuyên nhắc chúng ta phải cố gắng tu tập nhiếp phục sáu căn, gìn giữ tâm ý cho thanh tịnh hằng sống với trí huệ sáng ngời. Ðược như thế mới đủ làm ruộng phước của chúng sanh và xứng đáng cho Trời Người tôn trọng cung kính cúng dường.

25. Phật Nằm Mộng

Khi chưa thành đạo (còn làm hạnh Bồ Tát), Phật có thấy năm lần mộng:

  1. Ðiềm mộng thứ nhất: Ngài thấy quả địa cầu là chiếc giường Ngài nằm, đầu Ngài gối trên núi Tuyết, tay phải gác qua biển Ðông, tay trái gác ở biển Tây, hai chân để lên biển Nam. Ðiềm nằm mộng này ứng hợp sau khi Phật thành đạo giáo lý của Ngài bủa khắp nhân gian.
  2. Ðiềm mộng thứ hai: Phật thấy nơi rún có một loại cỏ Tiriva (phên) mọc lên cao tận cõi Trời. Ðây là biểu trưng sau khi thành đạo, Phật sẽ nói Pháp Bát Chánh Ðạo.
  3. Ðiềm mộng thứ ba: Phật thấy từ đầu gối Ngài trở xuống có một loài sâu mình trắng đầu đen bò ra lúc nhúc. Ngài bèn lấy vải đậy lại che chở. ng hợp với việc sau này các cư sĩ đến với Phật, Ngài bèn đem Phật pháp dạy dỗ khiến họ được an ổn.
  4. Ðiềm mộng thứ tư: Phật thấy có các loài chim màu sắc khác nhau bay đến đụng vào chân Ngài, rớt xuống và biến thành một màu trắng như nhau. Ðiềm mộng này ứng hợp sau này Phật giáo hóa ngoại đạo trở về tu đều được giải thoát.
  5. Ðiềm mộng thứ năm: Phật thấy đi qua một dãy núi toàn phân nhơ nhớp, nhưng qua rồi chân Ngài vẫn sạch, không một chút nhơ bẩn. ng hợp sau khi thành đạo, Phật nhận tất cả tứ sự cúng dường nhưng Ngài không nhiễm trước.

Bình:

Phật nằm mộng như thế, còn chúng ta thì mộng thấy thế nào? Thấy nào là chém giết, ăn chơi v.v... toàn là những điều xấu ác phải vậy không? Từ đây chúng ta mới thấy mộng cũng từ tâm mà ứng hiện. Người có phước đức, tâm tánh thiện thì thường mộng lành tốt. Trái lại người xấu ác thường mộng hãi hùng, la hét. Mộng tuy là cái không thật nhưng ảnh hưởng đến chúng ta rất nhiều. Nếu khi mộng lành, mộng tốt tức tinh thần an ổn, khi thức giấc cũng nhẹ nhàng, còn mộng dữ ắt hồi hộp lo âu, khi thức giấc vẫn còn mệt nhọc. Thế nên chúng ta phải luôn luôn giữ gìn tâm niệm tốt, bỏ đi những tâm niệm xấu ác để khi mộng có thể an lành hơn là hoảng hốt. Cho đến khi nằm mộng mà chúng ta vẫn làm chủ được là công phu có phần đắc lực. Như Ngài Ðại Mai Pháp Thường ở bên núi có một pho đá tương truyền là chỗ để thuốc của thần tiên. Một đêm, Sư nằm mộng thấy có thần nhân đến bảo:

-- Thầy không phải phàm phu, trong pho đá này có quyển sách Thánh, người nhận được là chủ cõi này, chẳng thế cũng là bậc Ðế Vương.

Ngay trong mộng Sư đáp:

-- Xưa Tăng Trù không màng đến kinh tiên, thì quyển kinh ấy tự mất. Tôi lấy Niết Bàn tự vui, tuổi thọ kia đâu thể cùng Trời đồng ư?

Như thế chúng ta thấy ngay trong mộng mà Ngài vẫn làm chủ được và nói một câu đầy đạo lý!

Lại trong năm điềm mộng của đức Phật, vua Trần Nhân Tông có một lần cũng mộng tương tự. Ngài mộng thấy từ nơi rún mọc lên một hoa sen thay vì ở nơi Phật là cỏ Tiriva.

Vậy chúng ta có được điềm nào hay chưa?

26. Chừng Ấy Ðủ Rồi

Một thuở Thế Tôn trụ ở Vương Xá Trúc Lâm. Lúc bấy giờ ba mươi vị Tỳ Kheo xứ Pava, tất cả sống trong rừng, đi khất thực mang y phấn tảo, chỉ dùng ba y và đang còn kiết sử. Tất cả cùng đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ xong rồi ngồi xuống một bên.

Thế Tôn suy nghĩ: "Ba mươi vị Tỳ Kheo này, tất cả sống trong rừng, đi khất thực, mang y phấn tảo và còn đang kiết sử. Vậy phải thuyết pháp như thế nào để ngay tại chỗ này, tâm của họ đều được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không còn chấp thủ".

Thế Tôn mới gọi các Thầy Tỳ Kheo nói như sau: "Vô thủy là luân hồi này, này các Tỳ Kheo! Khởi điểm không thể nêu rõ, đối với chúng sanh lưu chuyển luân hồi, bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc.

Các ngươi nghĩ thế nào, này các Tỳ Kheo! Cái nào là nhiều hơn dòng máu tuôn chảy, do bị thương tích khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này, hay là nước trong bốn biển lớn?".

Các Thầy Tỳ Kheo bạch rằng:

"Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là dòng máu tuôn chảy do bị thương tích khi chúng con lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài này, không phải là nước trong bốn biển lớn".

Phật bảo: Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ Kheo, các ngươi đã hiểu pháp ta dạy như vậy.

Lại nữa này các Tỳ Kheo, dòng máu tuôn chảy do bị thương tích khi các ngươi sanh làm bò, làm trâu, làm heo, dê, gà, vịt v.v... là nhiều hay nước trong bốn biển lớn?

-- Bạch Thế Tôn, dòng máu tuôn chảy do bị thương tích khi chúng con sanh làm trâu, bò, heo, dê... nhiều hơn là nước trong bốn biển lớn.

Phật bảo:

-- Này các Tỳ Kheo, như vậy là vừa đủ để được giải thoát đối với tất cả hành! Và trong khi lời dạy này được tuyên bố đối với ba mươi vị Tỳ Kheo xứ Pava, tâm các vị ấy giải thoát các lậu hoặc không còn chấp thủ.

Bình:

Ðọc qua bài kinh trên, chúng ta có cảm nhận được những gì? Chúng ta có đủ để thống thiết khi nhớ đến cơn hãi hùng mà chúng ta đã trải qua trong cuộc luân hồi dài đăng đẳng này không? Bao nhiêu dòng máu tuôn chảy! Bao chiếc đầu lăn lóc! Mà chúng ta đã từng thọ lãnh trong những kiếp làm trâu, ngựa, heo, dê v.v...! Nghĩ lại mà rùng mình! Với chừng ấy cũng đủ để cho chúng ta cảm niệm cơn thống khổ và nỗ lực vươn lên trong chánh pháp. Chúng ta đã nếm đủ tất cả mùi vị của cuộc đời không thiếu một thứ gì, từ lạc thú tột đỉnh cho đến khổ đau cùng cực. Vậy ngang đây hãy chấm dứt cũng là vừa, có gì đáng tiếc ư? Thế nhưng chúng ta lại không chịu mở mắt quán cho kỹ, cứ để lăn lóc làm thân phong trần khách mãi, thật tự đáng thương biết mấy! Từ đó lại còn tranh hơn tranh thua, tranh từ lời ăn tiếng nói, từ miếng cơm manh áo để tạo thêm khổ cho nhau. Chúng ta thử xét lại một điểm nhỏ thôi, giả sử có người chửi ta "đồ trâu!", đúng lý mà nói, có đáng giận không? Quả thật chẳng có gì đáng giận. Ta đã từng làm trâu, giờ người ấy bảo là trâu, thì cũng chỉ nhắc lại một lần bất hạnh cho chúng ta nhớ để tiến tu. Chúng ta vẫn mĩm cười chớ có gì đáng phiền, đáng trách. Có người chửi ta "đồ ngu!" Cũng thế ta đã bao lần làm kẻ ngu rồi, và chính giờ này được nhắc lại để bớt dễ duôi trên đường tu tập, thế là một điều đáng hoan hỷ và biết ơn hơn là đáng buồn.

Quán rộng ra một chút nữa, những kẻ chửi ta, mắng ta có phải là ai xa lạ đâu? Chính những kẻ ấy đã từng là cha ta, là mẹ ta, là anh em ta, là bè bạn ta vậy. Như trong một bài kinh Phật nói: "Này các Tỳ Kheo, thật không dễ gì tìm được một chúng sanh trong thời gian luân hồi dài này lại không một lần đã làm cha ta, lại không một lần đã làm mẹ ta v.v... cho đến con cháu của ta". Thế thì nay cha mẹ mà mắng chửi chúng ta, có lẽ nào lại giận! Hiểu như thế và quán như thế tức là chúng ta được an ổn trước mọi sự mắng chửi hay đối nghịch, trái lại, một tình thương chân thật trổi dậy nối liền giữa chúng ta với tất cả mọi loài. Do đó, chúng ta không còn nghĩ đến làm khổ cho ai!

Như vậy, với chừng ấy trí tuệ cũng đủ để chúng ta dừng tay tạo nghiệp, cắt đứt vòng xích luân hồi đã chôn vùi chúng ta từ vô lượng kiếp không thấy được sự thật. Phật thường nói: "Nước mắt chúng sanh nhiều hơn biển cả". Nghĩa là chúng ta đã khóc quá nhiều rồi, đâu thể tiếp tục con đường nước mắt ấy nữa!

Hãy vươn lên với trí tuệ! Chấm dứt những gì đau khổ cho nhau! Một đời sống an vui giải thoát chúng ta đang sống!

Ôi luân hồi dài dài
Bao lần máu tuôn chảy!
Bao lần giáo gươm đâm!
Khi ta làm giặc cướp
Bao lần máu tuôn chảy!
Bao lần giáo gươm đâm!
Khi ta làm heo dê...
Và đây tìm khắp chốn
Không một chúng sanh nào,
Chẳng phải cha mẹ ta.
Không một chúng sanh nào,
Chẳng phải con em ta.
Không một chúng sanh nào.
Không phải bè bạn ta.
Này hỡi, các hiền hữu
Chừng ấy đủ cho ta
Cảm niệm bao thống khổ!
Chừng ấy đủ cho ta
Giải thoát tất cả hành!
Chừng ấy đủ cho ta
Thương xót hết mọi loài!

27. Hai Cực Ðoan

TrongTăng Chi Bộ Kinh tập 3A:

Một hôm Phật nói cho các vị Tỳ Kheo nghe một bài kệ:
Ai biết hai cực đoan
Giữa bậc trí vô nhiễm
Ta gọi bậc đại nhơn
Ðây, vượt người dệt vải.

Sau khi nghe kệ xong các vị Tỳ Kheo bàn luận với nhau, nhưng không vỡ lẽ.

Sau cùng đức Phật mới giải thích: "Hai cực đoan" là xúc và xúc tập khởi. "Giữa" là xúc diệt tức thọ diệt. "Người dệt vải" là ái.

Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần do sự tập khởi này mà có xúc. Nếu ngay đó không ưa thích, không ghét bỏ, tức trụ tâm nơi xả, thì thọ diệt. Thọ diệt rồi thì đâu còn ái nhiễm mà kết nghiệp tức được giải thoát.

Ðây Phật gọi là bậc Ðại nhân vượt qua được sự đan dệt của "ái" mà được Niết Bàn (vì Niết Bàn nghĩa là vô sanh mà cũng có nghĩa là không đan dệt).

Bình:

Thường chúng ta quen quan niệm "ái" là đầu mối của luân hồi sanh tử nên diệt ái tức nhổ gốc luân hồi. Nhưng trong bài kinh này đức Phật lại nói, ngay xúc mà không cảm thọ, tức "xúc diệt" mà cũng là "thọ diệt" thì sẽ không có sự ái nhiễm, liền đó được giải thoát.

Những niệm yêu ghét của chúng ta giống như những canh chỉ tiếp nối nhau dệt thành tấm vải, luân hồi miên viễn. Nếu không có chỉ (thọ) thì ông thợ dệt (ái) lấy gì mà dệt?

Dĩ nhiên trong cuộc sống chúng ta không tránh khỏi xúc được, nào là mắt phải thấy sắc, tai phải nghe tiếng, lưỡi phải nếm vị v.v... nhưng chủ yếu ở chỗ chúng ta có cảm thọ hay không cảm thọ. Nếu cảm thọ thì sinh yêu ghét và bị ràng buộc. Nếu không cảm thọ thì không sanh yêu ghét và được tự tại giải thoát.

Giống như khi người cho ta một vật quý mà ta không nhận. Vì không nhận của quý ấy nên tâm ta không dính mắc. Nếu chúng ta nhận tức chấp đó là của ta liền sanh ái nhiễm thì khi ấy muốn bỏ cũng không phải dễ. Và muốn được cái "thọ diệt" này chúng ta phải hằng "tỉnh giác" dùng trí tuệ quán chiếu tất cả pháp đều không thật có, chỉ do nhân duyên hòa hợp mà tạm thành, không thật có "cái Ta" và "cái của Ta" thì mới có thể không ưa thích, không ghét bỏ, trụ tâm nơi xả mà được Niết Bàn.

28. Ðức Phật Hàng Ma

Như vầy tôi nghe: Một thời Thế Tôn ở tại Uruvelã bên bờ sông Neranjara dưới cây Nigrodha Ajapãla khi Ngài mới giác ngộ. Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi ngoài trời trong bóng đêm tối và trời đang mưa từng hột một.

Rồi ác ma muốn khiến Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ lông tóc dựng ngược, liền biến hình thành con voi chúa to lớn và đi đến Thế Tôn.

Và đầu con voi ví như hòn đá đen lớn, ngà của nó ví như bạc trắng tinh, vòi ví như đầu cái cày lớn.

Thế Tôn biết được "đây là ác ma" liền nói bài kệ cho ác ma:

Ngươi luân hồi dài dài
Hình thức tịnh bất tịnh
Thôi vừa rồi ác ma
Ngươi đã bị bại trận.

Rồi ác ma biết được "Thế Tôn biết ta, Thiện Thệ biết ta", buồn khổ thất vọng liền biến mất tại chỗ ấy. (Tương Ưng Bộ Kinh).

Bình:

Chúng ta thấy đức Phật với cái gì Ngài thắng được ác ma? Với sức mạnh, với khí giới hay với bùa chú? Ðây là điểm rất quan trọng, chúng ta cần nhận định cho thật rõ ràng, không thôi tuy sống trong chánh pháp tuyệt vời mà trở thành yếu đuối. Thường người tu chúng ta hay có cái lo sợ bị ma quấy phá, rồi nghe theo người này người kia mà học bùa niệm chú hoặc bắt ấn trừ ma ếm quỷ. Thế là chúng ta tự chôn vùi chính mình mà hướng về bên ngoài để nhờ vả những cái xa xôi mờ ảo. Quả thật chúng ta đã đánh mất những gì sáng ngời của chính mình thuở trước.

Hãy nhớ kỹ lại, Phật đối với ác ma, Ngài có dùng chú thuật gì đâu. Trước sự khủng bố thách thức của ác ma, Ngài chỉ nhận rõ: "Ðây là ác ma", rồi nhẹ nhàng bảo: "Thôi vừa rồi ác ma, ngươi đã bị bại trận". Thế là ác ma thất bại rút lui. Ngài thắng một cách an lành. Ví như trong một ngôi nhà, nếu người chủ mà mê mờ điên đảo, phán đoán sai lầm thì kẻ ngoài mới có cơ hội nhiễu loạn quấy phá. Trái lại, với người chủ sáng suốt, chánh trực, không ỷ lại, phán đoán đúng như pháp thì kẻ ngoài chẳng tài nào quấy phá. Cũng vậy, Ðức Phật với trí tuệ ngời sáng của chính mình không do ai đem lại, chẳng từ lòng tin đưa đến, cũng không do sách vở ghi chép, Ngài tự thắng ác ma. Vì sao? Chúng ta nên nhớ rằng, ác ma có biến hiện trăm ngàn tướng trạng lạ lùng đi nữa cũng chẳng qua một thứ huyễn hóa hư vọng. Ðã là cái huyễn hóa hư vọng thì không thể tồn tại! Chính vì vậy, khi ta biết được nó tức thì nó tự rút lui.

Chúng ta hãy nghe kỹ câu này: Khi ác ma được biết: "Thế Tôn biết ta, Thiện Thệ biết ta" liền buồn khổ thất vọng bỏ đi. Không niệm một câu chú, không vẽ một chữ bùa. Nói một cách nôm na là nếu ông chủ sáng suốt thì khách phải tùy phục. Ðức Phật đã như thế, chúng ta những hàng hậu thế đã sống dậy từ trong nguồn pháp ấy, lẽ nào lại yếu đuối làm mất đi cái dũng khí của thuở ban đầu! Chúng ta hãy mạnh mẽ rống lên tiếng rống oai hùng của dòng giống sư tử cho loài tà ma phải khiếp vía vỡ mật nát gan!

Quý thay bậc Mâu Ni
Sống trong nhà không tịch
Biết chế ngự tự ngã
Tại đây vị ấy trụ
Sống từ bỏ tất cả
Với hạnh tu tương xứng
Nhiều loại thú bộ hành
Nhiều sự vật khủng khiếp
Nhiều ruồi muỗi độc xà
Không mảy may rung động
Sợi tóc bậc Mâu Ni
Sống trong nhà không tịch
Dầu trời nứt đất động
Dầu muôn loài khủng bố
Dầu bị giáo đao tên
Quăng ném vào ngực Ngài
Chư Phật không tạo nên
Những căn cứ sanh y.

Nghĩa là với tâm lặng lẽ dứt mọi chấp trước ở đời thì không còn điều gì phải sợ hãi. Thế là một lần nữa đức Phật lại thắng ác ma (khi ác ma hiện hình con đại xà vương đến khủng bố Ngài).

Rồi đến đệ tử Ngài, một vị Tỳ Kheo Ni Uppalavanna, lúc bấy giờ ở Savatthi, bà Uppalavana đứng dưới gốc cây Sa La có trổ hoa. Ác ma đến nói lên bài kệ:

Này nàng Tỳ Kheo Ni
Dưới gốc cây Sa La
Ðang nở nụ trăm hoa
Nhan sắc nàng tuyệt đẹp
Không ai dám sánh bằng
Tại đây nàng đã đến
Trong tư thế như vậy
Nàng ngu dại kia ơi!
Không sợ cám dỗ sao?

Tỳ Kheo Ni Uppalavanna liền trả lời ác ma với bài kệ:

Trăm ngàn người cám dỗ
Có đến đây như ngươi
Mẩy lông ta không động
Ta không gì sợ hãi
Aĩc ma, ta không sợ
Ta đứng đây một mình
Ta có thể biến mất
Hay vào bụng nhà ngươi
Ta đứng giữa hàng mi
Ngươi không thấy ta được
Với tâm khéo điều phục
Thần túc khéo tu trì
Ta thoát mọi trói buộc
Ta đâu có sợ ngươi
Này hiền giả, ác ma!

Chúng ta thấy, là một người nữ mà đã từng bị coi là yếu đuối, bà Tỳ Kheo Ni Uppalavanna có đáng cho chúng ta kính phục hay không? Một mình trước sự cám dỗ của ác ma bà đã dõng dạc nói lên những lời mạnh mẽ khiến ác ma đành rút lui. Thế mà chúng ta ngày nay ở trong nhà kín một mình còn hồi hộp đêm không dám bước ra đi tiểu vì sợ ma, thật đáng hổ thẹn biết chừng nào!

Với tinh thần người tu Phật, chúng ta phải gan dạ, dũng mảnh, tự mình sáng ngời với trí tuệ đập tan mọi bóng dáng đe dọa hão huyền. Hãy nhìn thẳng vào mặt thật của nó không rụt rè không trốn tránh! Ðiều mà chúng ta phải nhận định cho thật kỹ là "Thắng ma không bằng thắng mình". Nếu tâm chúng ta chứa đầy những tư tưởng điên đảo, đen tối thì dù có niệm chú thuật gì cũng khó tránh khỏi bị nhiễu loạn. Tâm lặng, trí sáng dứt mọi điên đảo vọng tưởng thì vượt mọi thứ ma. Cho nên nói: "Quý thay bậc Mâu Ni, sống trong nhà không tịch. Biết chế ngự Tự ngã"... Nếu trong tâm không còn chỗ nào đắm trước sanh khởi, tức ma không còn chỗ để rình rập. Ðâu chẳng nghe nói: "Ly tham vậy, tâm an, mọi kiết sử siêu thoát, dầu tìm mọi xứ sở, ma quân không gặp được".

Do đó, ác ma với bảy năm theo dõi Thế Tôn để mong tìm được lỗi lầm của Ngài, nhưng không tìm được, cuối cùng trước mặt Thế Tôn, ác ma trong nỗi niềm thất vọng nói lên bài kệ:

Như quạ liệng hư không
Thấy đá như miếng mỡ
Tưởng rằng sẽ tìm được
Miếng gì mềm và ngon
Không tìm được gì ngon
Liền từ đó bay đi
Như quạ mổ hòn đá
Thất vọng ta bỏ đi
Giã từ Gotama!

Như có vị Tăng hỏi Thiền Sư Huệ Thanh ở Ba Tiêu: "Giặc đến cần đánh, khách đến cần xem, chợt gặp giặc khách đồng thời đến phải làm sao?" Sư đáp: "Trong thất đá có một đôi giầy cỏ rách". Sở dĩ trong nhà có chứa chấp của cải nên mới bị giặc cướp; trái lại nếu trong nhà trống không thì cướp cái gì? Cũng vậy, tâm nếu không thì vọng không chỗ khởi, ma từ đâu thấy được? Khác nào quạ mổ hòn đá, chỉ nhọc nhằn rồi bỏ đi. Ta đã chiến thắng!

Tóm lại hư vọng biết là hư vọng, chân thật biết là chân thật, thường tỉnh sáng luôn luôn, đó là diệu pháp hàng ma, mà cũng chính là yếu chỉ tu hành. Vòng sanh tử từ đó mà cắt đứt, nhẹ nhàng vượt qua mọi khủng bố, lo âu, an lành chiến thắng tất cả loại ma ở trong tâm lẫn ở ngoài cảnh. Hãy tỉnh sáng và vươn lên!


[Mục lục] [Lời đầu sách]
[Trích Giảng Kinh A-Hàm] [Diễn Giảng]
[Vấn Ðáp] [Trích Giảng Thiền Sử] [Thơ Kệ]
[Trở về trang gốc]